Trả lời:

Về cơ cấu, Hội đồng bầu cử quốc gia là một tập thể gồm 1 chủ tịch, một số phó chủ tịch và các uỷ viên. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu và miễn nhiệm theo đề cử của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tại nhiệm. Sau khi được bầu, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn các thành viên còn lại.

Thành phần của Hội đồng bầu cử quốc gia mang tính đại diện cao, bao gồm các thành viên đến từ các cơ quan, tổ chức có liên quan tới bầu cử Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan (Khoản 1 Điều 12 Luật bầu cử năm 2015). Luật bầu cử năm 2015 không quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức hữu quan đó cũng như số lượng đại diện đến từ mỗi cơ quan. Tuy nhiên, từ thành phần của Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 vào năm 2016 (năm đầu tiên thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia) thì các cơ quan, tổ chức hữu quan này bao gồm: Chủ tịch nước, Ban tổ chức trung ương, ủy ban kiểm tra trung ương: đại diện bởi Trưởng ban, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, 5 tổ chức chính trị-xã hội lớn nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Về số lượng, Luật bầu cử năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia có từ 15 đến 21 thành viên. Hội đồng bầu cử quốc gia bầu năm 2016 có 21 thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia chính là Chủ tịch Quốc hội khóa 13, 4 phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 1 phó chủ tịch Quốc hội, đại diện Chủ tịch nước, đại diện Chính phủ, đại diện ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các uỷ viên hội đồng gồm 3 đại diện từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 1 đại diện đến từ mỗi cơ quan còn lại.

Hội đồng bầu cử quốc gia làm việc theo chế độ tập thể. Mọi quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đều được đưa ra bởi quá nửa tổng số thành viên. Cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự.1 Điều đó có nghĩa là cho dù cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia của năm 2016 có 14 thành viên tham dự, nghĩa là 2/3 tổng số thành viên, thì cuộc họp này chỉ có thể ra quyết định nếu có ít nhất 11 thành viên biểu quyết tán thành.

Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập nên báo cáo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Điều này cũng thể hiện mô hình tổ chức bộ máy nhà nước theo chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam với Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ có nhiệm vụ báo cáo hoạt động (Điều 13 Luật bầu cử năm 2015; Điều 20 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015). Thực ra quy định Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo hoạt động trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có ý nghĩa hình thức, không có nghĩa Hội đồng bầu cử quốc gia ở vị trí thấp hơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mặt thứ bậc như việc Chính phủ báo cáo công tác trước Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Điều 94 Hiến pháp năm 2013. Trên thực tế tất cả các lãnh đạo cao nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội đều là thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Một điểm cần lưu ý nữa trong chế độ làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia là hội đồng này không phải cơ quan chuyên trách. Theo quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ kết thúc nhiệm vụ của mình, tức là chấm dứt sự tồn tại, sau khi đã trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử mà hội đồng đã tổ chức cùng với kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đã được bầu qua cuộc bầu cử đó.

Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)