Mỗi chính quyền địa phương đều được hình thành hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp từ nhân dân địa phương, nghĩa là Hội đồng nhân dân do nhân dân địa phương bầu ra. Tuy nhiên, như đã đề cập các chính quyền địa phương đều có một trong hai chức năng là chức năng “chấp hành”. Điều đó đặt chúng trong mối quan hệ thứ bậc chặt chẽ với nhau để bảo đảm pháp luật do trung ương ban hành phải được thực hiện ở địa phương và pháp luật do chính quyền địa phương cấp trên ban hành phải được thực hiện ở đơn vị hành chính cấp dưới. Chính quyền địa phương cấp trên, vì thế, có một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định về mặt tổ chức và hoạt động đối với chính quyền địa phương cấp dưới.
1. Mối quan hệ về tổ chức chính quyền địa phương các cấp
Mặc dù không có mối liên hệ về mặt trật tự hình thành giữa các cơ quan chính quyền địa phương cấp trên và các cơ quan chính quyền địa phương có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức, đặc biệt là giữa ủy ban nhân dân cấp trên và ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp. Mối quan hệ đó thể hiện ở những điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Hội đồng nhân dân cấp trên có thẩm quyền giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp Hội đồng nhân dân cấp huyện làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân. Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp phải được Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn trước khi thi hành. Nếu là trường họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp thì phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Thứ hai, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch ủy ban nhân dân, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp (Điểm đ khoản 1 Điều 19, điểm h khoản 1 Điều 26, điểm đ khoản 1 Điều 40, khoản 10 Điều 47, điểm h khoản 1 Điều 54 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Khoản 2 các Điều 22,29; khoản 1 các Điều 43,50,57 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015). Như vậy là về nguồn gốc hình thành, Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm đó chỉ có hiệu lực khi được Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn, đối với việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Thứ ba, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền điều động, cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, cũng như Thủ tướng Chính phủ có quyền điều động, cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.1 Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể các trường hợp điều động. Do đó có thể hiểu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền điều động khi thấy cần thiết.
Thứ tư, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền giao quyền Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp chức vụ này bị khuyết (Điều 124 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Khoản 2 các Điều 22,29; khoản 1 các Điều 43,50,57 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015). Đây là quy định khá đặc biệt. Bởi lẽ theo cách thức hình thành chính thức thì Chủ tịch ủy ban nhân dân luôn do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra trong số đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, quy định này lại cho phép Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên được chỉ định nhân sự và giao cho nhân sự đó quyền Chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp dưới trực tiếp. Kết hợp với quyền điều động, cách chức trên đây, có thể thấy thẩm quyền chi phối về mặt tổ chức của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên đối với ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp là rất lớn. Ở khía cạnh khác, trong bối cảnh Hội đồng nhân dân chỉ có 2 kì họp thường kì trong một năm, quyền giao quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp giúp bảo đảm ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp không rơi vào tình trạng không có người đứng đầu.
Thứ năm, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp đình chỉ, cách chức Chủ tịch ủy ban nhân dân, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Quyền này chỉ áp dụng đối với Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tình vì phạm vi bao phủ của nó là cả 3 cấp hành chính. Chỉ có Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thể yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện trực thuộc đình chỉ, cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã trực thuộc (Khoản 2 các Điều 22,29; khoản 1 các Điều 43,50,57 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
2. Mối quan hệ về hoạt động chính quyền địa phương các cấp
Ngoài mối quan hệ về tổ chức, mối quan hệ trong quá trình hoạt động giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam cũng hết sức chặt chẽ.
Bên cạnh mối quan hệ về phân cấp, ủy quyền như phân tích trên đây, mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình hoạt động giữa các cấp chính quyền địa phương còn được thể hiện qua một số điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, trong quá trình thực hiện chức năng giám sát nói chung Hội đồng nhân dân cấp trên có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.1
Thứ hai, khi phát hiện văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, Hội đồng nhân dân cấp trên có quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó tùy theo mức độ vi phạm (Khoản 8 Điều 19; khoản 4 Điều 26; khoản 1 Điều 40; khoản 7 Điều 47; khoản 1 Điều 54 Luật tổ chức chính quyền địa phương và Điểm d khoản 1 Điều 19; điểm e khoản 1 Điều 26; khoản 1 Điều 40; khoản 9 Điều 47; khoản 1 Điều 54 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Thứ ba, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và báo cáo ủy ban nhân dân cùng cấp của mình đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp (Khoản 5 các điều 22,29; khoản 1 các Điều 43,50,57 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Thứ tư, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền chỉ đạo Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp trong việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật ở địa phương (Khoản 7 Điều 22; khoản 6 Điều 29; khoản 1 các Điều 43, 50, 57 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Thứ năm, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên có quyền đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của ủy ban nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp (Khoản 5 các điều 22,29; khoản 1 các Điều 43,50,57 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Nhìn tổng thể, có thể thấy mối quan hệ giữa chính quyền địa phương các cấp của Việt Nam là hết sức chặt chẽ. Mối quan hệ đó được thiết kế theo hướng bảo đảm sự chi phối của chính quyền địa phương cấp trên với chính quyền địa phương cấp dưới, đặc biệt là sự chi phối của cơ quan chấp hành – ủy ban nhân dân –
Cấp trên với cơ quan chấp hành – ủy ban nhân dân – cấp dưới. Mối quan hệ này nhằm bảo đảm công tác tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chủ trương, chính sách được thông suốt trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước của Việt Nam, tránh tình trạng mỗi chính quyền địa phương là một bộ máy nhà nước thu nhỏ, mỗi đơn vị hành chính là một lãnh thổ cát cứ riêng biệt với cấp trên và với trung ương.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)