Trả lời:
Như phần đầu của chương đã phân tích, một trong những đặc điểm quan họng bậc nhất của một cơ quan hiến định độc lập là tính độc lập của nó trong bộ máy nhà nước, tính độc lập phù hợp với chức năng mà nó thực hiện. Tính độc lập của Hội đồng bầu cử quốc gia của Việt Nam có thể được xem xét ở ba góc độ.
về tổ chức, Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu và bãi nhiệm với các thành phần mang tính đại diện. Ngoại trừ đại diện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành phần khác đều không mặc nhiên là đại biểu Quốc hội. Luật bầu cử năm 2015 không có quy định Hội đồng bầu cử quốc gia lệ thuộc về mặt tổ chức đối với một cơ quan nào khác. Theo thực tiễn tốt của quốc tế thì việc Hội đồng bầu cử quốc gia do cơ quan lập pháp quốc gia bầu và bãi nhiệm là hoàn toàn hợp lí và về mặt lí thuyết không ảnh hưởng tới tính độc lập của Hội đồng bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế, thành phần của Hội đồng bầu cử quốc gia năm 2016 lại cho thấy trong 21 thành viên thì chỉ có 1 thành viên không phải là đại biểu Quốc hội khóa 13, đó là đại diện của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tất cả các lãnh đạo cao nhất của Quốc hội gồm Chủ tịch và các Phó chủ tịch đều là thành viên chủ chốt trong Hội đồng bầu cử quốc gia. Như vậy, trong thực tế tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia chưa bảo đảm cho cơ quan này sự độc lập cần thiết để có thể thực hiện chức năng của mình một cách thực sự khách quan.
về hoạt động, Điều 13 Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trách nhiệm báo cáo không có nghĩa là Hội đồng bầu cử quốc gia chịu sự giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã được quy định khá rõ ràng. Như vậy, về mặt pháp lý, hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia được bảo đảm tương đối độc lập. Tuy nhiên, trong thực tiễn với thành phần có nhiều đại biểu Quốc hội đang tại nhiệm kể trên, sự độc lập trong hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia là khá khó khăn. Nhất là khi Luật bầu cử năm 2015 không quy định độc lập là một nguyên tắc hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và chế độ hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia là không chuyên trách.
về tổ chức nội bộ, Luật bầu cử năm 2015 quy định bộ máy giúp việc cho Hội đồng bầu cử quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định1 tuy nhiên cho phép Hội đồng bầu cử quốc gia tự thành lập các tiểu ban (Khoản 1 Điều 19 Luật bầu cử năm 2015 và Khoản 3 Điều 12 Luật bầu cử năm 2015) và trao quyền cho Hội đồng bầu cử quốc gia trung tập cán bộ, công chức của các cơ quan hữu quan để giúp việc cho Hội đồng bầu cử quốc gia (Khoản 2 Điều 19 Luật bầu cử năm 2015). Về tài chính, kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia lấy từ ngân sách nhà nước. Như vậy, sự độc lập về tổ chức nội bộ và tài chính của Hội đồng bầu cử quốc gia là tương đối phù hợp.
Tuy nhiên, như phân tích trên đây sự lệ thuộc về thành phần trên thực tế của Hội đồng bầu cử quốc gia về tổ chức và hoạt động là khá lớn và có thể ảnh hưởng tới tính khách quan của Hội đồng bầu cử quốc gia khi tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. Có thể nói, xem xét một cách tổng thể, Hội đồng bầu cử quốc gia của Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013 và Luật bầu cử năm 2015 vẫn chưa đạt được sự độc lập tương xứng với chức năng của mình.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)