Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015
– Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007
2. Vì sao cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân làm lây lan dịch bệnh?
Trong thực tiễn phòng, chống bệnh dịch Covid-19, xuất hiện rất nhiều những biểu hiện chủ quan, không tuân thủ quy định về giãn cách xã hội làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng của các cá nhân như trường hợp nam nhân viên tiếp viên hàng không Việt Nam Airline làm lây lan dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, BN4694 là công nhân khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang về quê không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, gây lây lan dịch bệnh Covid-19. Hay như trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch xảy ra ở quán bar Sunny tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối với các cá nhân có hành vi làm lây lan dịch bệnh thì cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Trong thời gian gần đây đã khởi tố vụ án, xét xử nghiêm minh các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm phòng chống dịch bệnh của người dân. Tuy nhiên, đối với pháp nhân có vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì quy định trách nhiệm hình sự còn bỏ ngỏ, nên nhiều pháp nhân còn lơ là, chủ quan làm tiềm ẩn các yếu tố lây lan dịch bệnh.
Theo Điều 7 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì không chỉ cá nhân mà các tổ chức cũng có trách nhiệm trách nhiệm tham gia phòng chống dịch, đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp Covid-19 đã được Chính phủ xếp vào nhóm A. Do đó, việc xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh là rất cần thiết. Thực tế trong thời gian qua cho thấy có trường hợp các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, massage, cơ sở thẩm mỹ… vẫn lén lút hoạt động mặc dù cơ quan chức năng đã có quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch. Hậu quả là làm lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng.
3. Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề pháp lý không mới trong pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 bắt đầu ghi nhận chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Về mặt hình thức thì pháp nhân không thể áp dụng các hình thức truy cứu trách nhiệm như cá nhân và áp dụng các hình phạt mang tính nhân thân như phạt tù, cấm đi khỏi nơi cư trú…
Tuy nhiên, về mặt thực tiễn pháp nhân là một chủ thể độc lập, có tài sản riêng, có trách nhiệm của riêng mình, theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự;
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy có thể thấy, pháp nhân là chủ thể độc lập và hoàn toàn có năng lực trách nhiệm hình sự khi vi phạm quy định của pháp luật. Hiện tại, Bộ luật Hình sự đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, tuy nhiên khái niệm pháp nhân trong bộ luật hình sự được quy định phạm vi hẹp hơn là “pháp nhân thương mại” tức là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận được chia cho các thành viên, bao gồm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Như vậy, các cơ quan nhà nước không phải là đối tượng chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội áp dụng với pháp nhân.
Như đã biết, để xử lý hình sự thì các tổ chức, cá nhân thực phải có hành vi gây nguy hiểm cho các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra tác hại khôn lường cho tính mạng người dân, kinh tế – xã hội của đất nước. Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để phòng, chống dịch bệnh lây lan. Do đó, các tổ chức, cá nhân làm lây lan dịch bệnh đều xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ vì thế phải xử lý nghiêm bằng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, phòng ngừa chung.
Xét về yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng thì pháp nhân thương mại khi không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch thì khả năng lây lan bệnh phạm vi rộng hơn, khó lường hơn, khó truy vết hơn. Ví dụ, như hiện tại các cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng kinh doanh các dịch không thiết yếu như karaoke, vũ trường… nhưng các đơn vị này vẫn lén lút kinh doanh, các khách hàng ra vào sẽ không nắm được, nhiều người vì ngại nên che dấu thông tin… làm chậm công tác khoanh vùng để dập dịch.
3.1. Xử lý vi phạm hành chính
Đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chinh theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định như sau:
|
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong hoạt động tư pháp, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong đó hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, đối với pháp nhân thương mại thì văn bản hướng dẫn không nêu rõ ràng, tuy nhiên tại mục 1.3 quy định “Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch Coivd-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015”. Như vậy, các cơ quan nhà nước cũng đã “manh nha” ý tưởng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, tuy nhiên vẫn giới hạn ở cá nhân là chủ cơ sở kinh doanh.
Trong hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã dẫn chiếu tới xử lý hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. Trong trường hợp các cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh bị phát hiện kịp thời chưa làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì xử lý trong trường hợp này là phù hợp.
Nhưng đối với các trường hợp tổ chức không triển khai, triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp vấp Covid-19 mà lây lan dịch bệnh mà xử lý hình theo Điều 295 Bộ luật Hình sự quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động là chưa thực sự thỏa đáng, chưa sát với hành vi “lây lan dịch bệnh” của cơ sở kinh doanh vi phạm, cần thiết phải áp dụng điều luật quy định lây lan dịch bệnh.
Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, cụ thể như sau:
|
Điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự đã dự liệu “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thể quy định của khoản này. Để làm rõ hơn các hành vi mà có thể làm lây lan dịch bệnh ta có thể căn cứ theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định như sau:
|
Như vậy, đối với các cơ sở kinh doanh vẫn hoạt động không tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước về giãn cách xã hội, không tập trung đông người, tạm thời đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu là hành vi “không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm”.
Qua phân tích các điều luật nêu trên và xét về cấu thành tội phạm của pháp nhân theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” cho thấy:
– Khách thể của tội phạm: Hành vi lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thuộc nhóm tội phạm về môi trường. Khi thực hiện hành vi sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người, tác động xấu đến môi trường.
– Chủ thể của tội phạm: Đối với cá nhân là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Đối với tổ chức là pháp nhân thương mại có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
– Mặt khách quan: Là thực hiện một hoặc nhiều hành vi không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, bệnh của cơ quan có thẩm quyền, hậu quả làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho con người ra cộng đồng.
– Mặt chủ quan: Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Các cá nhân, tổ chức nhận thức rõ hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng cố tình thực hiện.
4. Một số kiến nghị
Mặc dù các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống bệnh dịch Covid-19 nhưng có một bộ phận các cá nhân, tổ chức vẫn không có ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ quy định, làm lây lan dịch bệnh gây nguy hiểm cho bản thân cũng như cộng đồng. Do đó, bên cạnh biện pháp xử lý hành chính thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử công khai các vụ án liên quan đến lây lan dịch bệnh có tác dụng răn đe, cảnh cáo đến các đối tượng là cần thiết.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện. Do đó bên cạnh việc xử lý hình sự tội làm lây lan dịch bệnh đối với cá nhân thì cần có sự hướng dẫn để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại để nâng cao tinh thần, trách nhiệm phòng, dịch bệnh tiến tới đẩy lùi bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 được xây dựng mới trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, qua tình hình thực tế phòng, chống dịch bệnh và nghiên cứu một số hành vi của pháp nhân thương mại có thể làm lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Chính vì vậy, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành một số hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự theo hướng quy định các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh theo nội dung quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thứ hai, ban hành văn bản bổ sung nội dung vào mục 1.3 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như sau:
“Pháp nhân thương mại không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh viêm đường hô cấp Covid-19 làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự”.
Thứ ba, đề xuất bổ sung khoản 5 Điều 240 Bộ luật Hình sự như sau:
“5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 400.000.000 triệu đồng.
b. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm;
c. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của pháp nhân thương mại trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm hạn chế tối đa khả năng làm bùng phát dịch bệnh ở quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho người dân cũng như chi phí Nhà nước phải bỏ ra để ngăn chặn và khắc phục hậu quả.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập