1. Khái niệm quân đội

Quân đội là lực lượng vũ trang tập trung có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước.

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng và là một trong những lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ của đất nước.

 

2. Khái niệm quân đội nhân dân Việt Nam

Khái niệm quân đội chính thức được quy định từ Hiến pháp năm 1980.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam nói sứ mệnh của quân đội này là “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”

 

3. Khẩu hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam

Khẩu hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam là:Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng

Ngoài ra còn có khẩu hiệu khác là “Trung với nước, hiếu với dân”. Nhiều người thường bị nhầm lẫn câu nói này với câu nói bên trên. Đây thực ra là một câu nói khác, được thêu trên lá cờ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào năm 1946. Ở đây, “Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân”.[9].Khẩu hiệu được trích từ bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1964) vào tối ngày 29/12/1964 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (Hà Nội).

Hồ Chí Minh khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân, quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ trao cho, đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, chiến đấu anh dũng, công tác và lao động tích cực, tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn giản dị, đoàn kết nội bộ, đồng cam cộng khổ với nhân dân, luôn luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”. Nhà nước Việt Nam nói “ngoài mục tiêu, lý tưởng vì nhân dân phục vụ, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam không có mục tiêu, lý tưởng nào khác.”

 

4. Chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam

Theo quy định tại Điều 25 Luật Quốc phòng năm 2018 về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân được quy định cụ thể như sau:

– Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương.

Ngày 22 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân.

– Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

– Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

– Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

4.1 Chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân

Trong thời bình, Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện 3 chức năng cơ bản, đó là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Trong đó:

Đội quân chiến đấulà nhiệm vụ then chốt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Quân đội được tổ chức thành hai thành phần: Quân đội thường trực làm nòng cốt cùng lực lượng rộng rãi quần chúng vũ trang. Ba thứ quân: Bộ đội Chủ lực, Bộ đội Địa phương và Dân quân tự vệ.

Quân đội nhân dân tổ chức theo hướng tinh gọn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài phù hợp, thường xuyên thực hành huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, vững vàng bản chất chính trị, nắm chắc tình hình đất nước, khu vực và quốc tế để có các biện pháp tác chiến phù hợp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; phân tích, dự báo đúng các tình huống, các nguy cơ có thể dẫn đến biến động chính trị; tham mưu với Đảng và Nhà nước có chủ trương và đối sách kịp thời, không để xảy ra bất ngờ về chiến lược.

Đội quân công tác (Công tác phục vụ nhân dân): Quân đội nhân dân luôn gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ với nhân dân, có quan hệ máu thịt với nhân dân, là cầu nối vững chắc và tin cậy của chính quyền với nhân dân.

Là một trong các lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, giảm nhẹ thiên tai, xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân.

Quân đội còn có nhiệm vụ vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của chính quyền, phản bác lại các luận điểm bóp méo, bôi nhọ, không đúng sự thật.

Giải quyết hậu quả chiến tranh bao gồm: Rà, phá bom mìn, tẩy độc môi trường và các chính sách sau chiến tranh. Tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, quân đội chịu cả trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, đi đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng này, phổ cập giáo dục và chăm sóc y tế với người dân.

Đội quân sản xuất:Các đơn vị quân đội luôn tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực lao động, đất đai, kỹ thuật…để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống vật chất cho bộ đội.

Chức năng sản xuất của quân đội còn được thể hiện ở Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, các đơn vị làm kinh tế của quân đội… Hoạt động sản xuất kinh tế của lực lượng quân đội còn hướng tới giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, xây dựng ruộng lúa nước, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; hỗ trợ vốn làm nhà và cây con giống, giúp đỡ về kỹ thuật sản xuất, chống di dân và đón nhận dân ở tuyến sau đến định cư, giúp dân ổn định cuộc sống lâu dài.

 

4.2 Nhiệm vụ cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam

– Toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quán triệt, nắm chắc các nội dung, nguyên tắc, giải pháp của các Chiến lược, bám sát tình hình thực tiễn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chiến lược, sách lược, bảo đảm xử lý kịp thời, thắng lợi trong mọi tình huống về quân sự, quốc phòng.

Các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng đảm bảo luôn có cơ cấu, tổ chức hợp lý; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược có trình độ chuyên sâu về lý luận, kiến thức thực tiễn phong phú.

– Tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, năng lực tác chiến trong toàn quân. Đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm có thể đánh thắng ngay từ ngày đầu, trận đầu.

– Tiếp tục xây dựng Đảng bộ quân đội và các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức. Không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên.

– Làm tốt công tác dân vận trong toàn quân, vận động quần chúng, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân.

– Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện đa phương và song phương.

 

5. Cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam

Hệ thống chính trị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam có các cấp và tên gọi như sau:

– Tổng cục Chính trị ở cấp cao nhất.

– Cục Chính trị ở Bộ Tổng Tham mưu, ở cấp Quân khu, Quân chủng, Tổng cục, Quân đoàn, Binh chủng và tương đương.

– Phòng Chính trị ở cấp sư đoàn, cơ quan quân sự địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương.

– Ban Chính trị ở cấp trung đoàn, cơ quan quân sự địa phương huyện, thị xã và tương đương.

 

5.1 Tổng cục kỹ thuật

Là cơ quan quản lý kỹ thuật đầu ngành của Bộ Quốc phòng có chức năng tổ chức, quản lý, nghiên cứu đảm bảo vũ khí và phương tiện, trang bị kỹ thuật chiến đấu cho các quân, binh chủng.

 

5.2 Tổng cục tình báo

Là cơ quan tình báo chuyên trách chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam; cơ quan tình báo chuyên trách quân sự của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Tổng cục Tình báo Quốc phòng là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác tình báo ở cấp chiến lược; là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức lực lượng và hoạt động tình báo, đồng thời là cơ quan đầu ngành trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ tình báo đối với hệ thống quân báo – trinh sát toàn quân.

 

5.3 Tổng cục hậu cần

Là cơ quan đầu ngành về hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam; có chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm vật chất, bảo đảm sinh hoạt, bảo đảm quân y, bảo đảm vận tải… cho quân đội.

 

5.4 Tổng cục công nghiệp quốc phòng

Chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí, trang bị quân dụng cho quân đội và dân quân tự vệ. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm, Chính ủy và Phó Chính ủy, các cục chức năng, các nhà máy sản xuất vũ khí, khí tài, các trường dạy nghề, các đơn vị trực thuộc.

Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)