Tôi có các vấn đề về luật lao động nhờ Luật sư của LVN Group tư vấn. Tôi đang làm việc tại cty Việt Nam với vị trí nhân viên xuất nhập khẩu thuộc phòng Kinh Doanh ngày vào làm 27.02.2012.
Đến ngày 26.01.2015, tôi bị động thai và phải nhập viên để điều trị hết 20 ngày (có giấy của bệnh viện), hết thời hạn điều trị thì trùng với thời gian nghỉ tết. Sau đó tôi có xin cty nghỉ thêm 1 tháng không lương. Đến ngày 24.03.2015 tôi bắt đầu đi làm lại, thì cty thuyên chuyển xuống phòng sản xuất do vị trí của tôi đã có người thay thế. Tôi cũng nói thêm về vấn đề lương và hợp đồng lao động. Lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động của tôi là 3.000.000đ / tháng, còn thực lãnh trên bảng lương là 8.800.000d sau khi đã trừ BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn. Ở vị trí mới, lương tôi chỉ còn 5.500.000đ/ tháng và cty cũng không có ý định đưa tôi về vị trí cũ. Luật sư cho tôi hỏi: 1/ cty sẽ có trách nhiêm đóng BHYT, BHXH trong 2 tháng tôi nghỉ dưỡng thai hay tôi phải bỏ tiền túi để đóng. 2/ Với mức lương ở vị trí mới, cty có làm đúng luật lao động? Và tôi có thể khiếu nại được không?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư của LVN Group,
Người hỏi: Nguyễn Tường Vi
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật lao động của Công ty luật LVN Group,
>> Luật sư tư vấn lao động gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào chị! Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Bộ luật Lao động năm 2012.
Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động.
Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBX hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
Quyết định 1111/QĐ-BHXH quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
2. Nội dung phân tích:
2.1. Công ty sẽ có trách nhiệm đóng BHYT, BHXH trong 2 tháng nghỉ chị dưỡng thai hay chị phải bỏ tiền túi để đóng?
Thứ nhất, về vấn đề chị bị động thai và phải nhập viên để điều trị hết 20 ngày (có giấy của bệnh viện)
Căn cứ vào Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì điều kiện hưởng chế độ ốm đau: bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.(Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.) Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần
“3. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội trong tháng đó. Thời gian này không tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”
Chị bắt đầu nghỉ từ ngày 26/1/2014 do bị động thai phải nhập viện điều trị 20 ngày. Theo quy định của pháp luật thì thời gian hưởng chế độ ốm đau không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng tuần, nghỉ Tết thì trong tháng 2/2015 chị nghỉ trên 14 ngày làm việc. Như vậy, chị và công ty không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng 2.
Thứ hai, về việc chị nghỉ không lương 1 tháng
Khoản 2, Điều 54, Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 BHXH Việt Nam quy định:Trường hợp số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương, từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không tính đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tháng đó.
Như vậy, chị xin nghỉ không hưởng lương một tháng và đến ngày 24/3/2015 c đi làm lại, theo quy định, thời gian chị nghỉ trong tháng 3/2015 ( trên 14 ngày) không tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vậy nên chị, công ty chị không phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trong tháng này.
2.2. Với mức lương ở vị trí mới, công ty có làm đúng luật lao động? có thể khiếu nại được không?
Căn cứ vào quy định tại điều 31 của Bộ Luật Lao động năm 2012 khi chuyển người lao động vào công việc khác thì người sử dụng lao động phải có những lý do nhất định và khi chuyển phải đảm bảo điều kiện hưởng, quyền lợi hưởng cho người lao động.
“Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động”
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào Nghị định 05/2015/ND-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động
“Điều 8. Tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác
Người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Khoản 1 Điều 31 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
b) Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Sự cố điện, nước;
d) Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
2. Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
3. Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại Khoản 3 Điều này mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động.”
“Điều 21. Tiền lương
Tiền lương theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;
c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
2. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.”
+ Về tiền lương, tiền lương công việc mới của chị thấp hơn tiền lương công việc cũ thì chị được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Như vậy, chị phải được hưởng tiền lương công việc cũ (là 8.800.000 đồng) trong thời hạn 30 ngày làm việc. Cũng theo quy định trên thì tiền lương mà chị nhân được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, chất lượng, khối lượng công việc mà chị làm nên khi công ty trả chị trên mức tiền lương ghi trong hợp đồng ( mặc dù nhỏ hơn tiền lương mà chị nhận trước đó) thì tiền lương công việc mới do công ty trả không vi phạm pháp luật.
+ Về Thời gian chuyển người lao động sang làm công việc khác: Không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm (không cần phải có sự đồng ý của người lao động). Trên 60 ngày thì phải được sự đồng ý của người lao động. Vậy, công ty chuyển chị sang làm công việc khác quá 60 ngày mà không được sự đồng ý của chị là vi phạm pháp luật lao động.
Khi nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm chị có thể yêu cầu Hòa giải viên lao động thuộc Phòng LĐTBXH tiến hành hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại Điều 201 Bộ Luật Lao động năm 2012
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của chị. Rất cảm ơn chị đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group