Luật sư tư vấn:

Cảm ơn Bạn, vấn đề này Luật LVN Group xin được trao đổi như sau:

 

1. Tại sao phải cấm hoặc giới hạn cho vay ?

Các quy định về giới hạn (cấm cho vay) hoặc các giới hạn được nới lỏng dựa trên quan hệ lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh (quan hệ nội bộ và với các đối tác kinh doanh). Trong đó người quản lý doanh nghiệp về nguyên tắc phải mẫn cán, trung thực, khách quan khi thực thi các trách nhiệm của mình được các cổ đông, người góp vốn tin tưởng giao cho (Việc cho vay đối với người thân nguy cơ đẩy rủi ro cho doanh nghiệp, gây ra những thiệt hại khó lường).

Các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về các trách nhiệm liên đới đối với người quản lý tương đối cụ thể, rõ ràng (Xem: Điều 86 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Trong vấn đề này, pháp luật dân sự cũng được các nhà làm luật quan tâm, áp dụng khá thường xuyên trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay.

Ví dụ: Chẳng hạn, Bản án số 02/2018/KDTM-ST ngày 17/4/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng của Tòa án nhân dân quận Th.N, tỉnh C.Th đã tuyên buộc ông Nguyễn Văn c và bà Nguyễn Thị H phải có trách nhiệm liên đới thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần A số tiền vay nợ gốc là 400.000.000 đồng và lãi phát sinh. Theo tình huống này, trách nhiệm liên đới được đặt ra xuất phát từ quan hệ giữa ông c và bà H biết được khoản vay và sử dụng khoản vay đó. Phán quyết tuyên xử một trong hai người có trách nhiệm trả hết nợ giúp cho nghĩa vụ hoàn trả nợ ngân hàng được bảo đảm cao hơn.

Việc người có thẩm quyền của doanh nghiệp bao gồm cả người đại diện của doanh nghiệp đó (gọi chung là “người có thẩm quyền”) quyết định xác lập các giao dịch vi phạm nguyên tắc cơ bản sẽ phát sinh rủi ro, thiệt hại khó lường. Khắc phục hậu quả từ các quyết định quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp sai phạm không chỉ dừng lại ở phạm vi hợp đồng, giao dịch, mà còn áp dụng ngay chính trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề này ngày càng được các nhà làm luật quan tâm củng cố hoàn thiện, nâng tầm trước các yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế; xây dựng các doanh nghiệp xứng tầm hoạt động quy mô, chuyên nghiệp, có hiệu quả (chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, người quản lý công ty phải thực hiện các công việc thiện chí, vì lợi ích của công ty, nếu gây thiệt hại phải bồi thường).

Hoạt động cho vay trong lĩnh vực ngân hàng luôn mang đến những rủi ro cao. Các giới hạn cho vay được các nhà làm luật đặt ra như một công cụ để kiểm soát, bảo đảm an toàn vay, hạn chế những rủi ro đó. Quy định về cấm hoặc giới hạn cho vay đối với một nhóm chủ thể vay không làm cản trỗ quyền tự do kinh doanh, không cản trồ quyền tiếp cận tín dụng của các tổ chức, cá nhân. Mục đích của quy định nhằm phân tán rủi ro, bảo đảm giao dịch vay được khách quan, đạt chuẩn tín dụng theo quy định của pháp luật.

 

2. Quy định theo pháp luật về giới hạn cho vay tại Việt Nam

Pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ cho vay trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng dưới thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp không đề cập các chủ thể bị giới hạn cho vay. Quy định này trong bối cảnh kinh tế, chính trị lúc bấy giờ xuất phát từ lý do: Hoạt động cho vay của các ngân hàng nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế xã hội chủ nghĩa; Các khoản vay dựa theo chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế được phê duyệt, đăng ký của nhà nước, không tập trung cho vay cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào. Trải qua thời gian dài phát triển luật tín dụng ngân hàng, các nhà làm luật đã tiếp cận, kế thừa những kinh nghiệm, chuẩn mực cho vay, các quy định cấm, hạn chế cho vay được định rõ, tiệm cận với quy định pháp luật các nước như được viện dẫn.

Cụ thể trong vấn đề này, pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện hành quy định như sau:

i)  Quy định cấm cho vay: Áp dụng đối với những người làm công tác quản lý, là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc và các chức danh tương đương; những người thân thích: cha, mẹ, vợ, con của các chủ thể trên (quy định này không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô – hoạt động nhằm tương trợ hộ gia đình, người thu nhập thấp, hay các doanh nghiệp có quy mô nhỏ).

ii) Quy định không được cho vay không bảo đảm hoặc với các điều kiện ưu đãi: Áp dụng đối với tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, thanh tra đang thực hiện kiểm toán, thanh tra tại tổ chức tín dụng; kế toán trưởng của tổ chức tín dụng; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập. Tổng mức tín dụng cấp cho các đối tượng trên không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

iii) Quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng: Không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (tương tự như pháp luật Hoa Kỳ, Đức); tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tỷ lệ cho phép cấp tín dụng cao hơn (khoản 1 Điều 126; khoản 1, 2 Điều 127; khoản 1 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010).

Với việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã khắc phục những bất cập trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng. Theo đó, các cơ quan pháp luật, tổ chức cá nhân có quyền lợi liên quan dễ dàng xem xét các trách nhiệm của người phê duyệt quyết định cấp tín dụng, ký kết hợp đồng tín dụng vi phạm các quy định về giao dịch với người có liên quan theo những viện dẫn trên. Ngoài ra, pháp luật ngân hàng Việt Nam còn giới hạn không cho vay không bảo đảm hoặc với các điều kiện ưu đãi, áp dụng tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho phép đối với một khách hàng, song ở trường hợp này mục đích của quy định nhằm phân tán những rủi ro, không được quy trách nhiệm liên đới (Xem: khoản 1 Điều 126; khoản 1, 2 Điều 127; khoản 1 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010).

Mặc dù quy định tương đối cụ thể trong luật, song thực tiễn áp dụng, các quy định trên vẫn còn bộc lộ không ít những bất cập. Thực tế cho thấy, lãnh đạo các tổ chức tín dụng thường thành lập các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập, do các cá nhân có quan hệ thân thiết đứng tên thay. Những doanh nghiệp này xin vay vốn từ tổ chức tín dụng do chính mình đang quản lý, điều hành với những điều kiện vay khá dễ dàng, không đạt chuẩn, nới lỏng các biện pháp kiểm tra vốn vay… Hành vi này rõ ràng sai phạm, đe dọa đến sự an toàn của tổ chức tín dụng và cả hệ thống tín dụng ngân hàng, vi phạm các quy định về cấm hoặc giới hạn cho vay theo pháp luật Việt Nam. Vì vậy, tăng cường cồng tác kiểm soát, nhận diện sai phạm, kịp thời phát hiện các chủ thể vay vốn có lợi ích liên quan, vi phạm quy định bị cấm hoặc hạn chế cho vay để có các biện pháp xử lý là công việc thường xuyên, bắt buộc đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Như vậy, tùy vào pháp luật mỗi quốc gia, mức độ, năng lực quản lý, kiểm soát tín dụng khác nhau, các quy định trong vấn đề này cũng có những tương đồng, cũng như khác biệt, không đồng nhất. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật các nước trên thế giới, đều dựa vào mối quan hệ giữa bên vay và người có quyền quản trị, điều hành tổ chức tín dụng, có thẩm quyền xét duyệt cho vay (dựa trên quan hệ thân thích hoặc quan hệ phụ thuộc thông qua công việc), từ đó nhận diện mức độ, nguy cơ rủi ro có thể xảy ra làm căn cứ để ban hành quy định cấm hoặc hạn chế cho vay như viện dẫn. Đây là những ưu điểm của pháp luật Việt Nam trong các quy định về giới hạn cho vay. Yếu tố khách quan khi cho vay được các nhà làm luật Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài và đề cao trong luật Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với bản chất của quan hệ tín dụng (có tính hệ thống, mắt xích cần phân tán rủi ro). Đó là yêu cầu về một quy trình tín dụng diễn ra thông suốt, đúng quy chế cho vay, đúng pháp luật như các chủ thể vay bình thường khác.

Kể cả khi có rủi ro xảy ra, nhưng những rủi ro này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tín dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tổ chức tín dụng.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn… Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ Luật sư của LVN Group của Công ty luật LVN Group luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.