Cơ sở pháp lý:

Luật hàng hải Việt Nam năm 2015;

1. Quyền cầm giữ hàng hải

– Quyền cầm giữ hàng hải là quyền của người có khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật hàng hải được ưu tiên trong việc đòi bồi thường đối với chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu mà tàu biển đó đã làm phát sinh khiếu nại hàng hải.

Khiếu nại hàng hải là việc một bên yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải.

– Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật hàng hải có thứ tự ưu tiên cao hơn các khiếu nại hàng hải được bảo đảm bằng thế chấp tàu biển và các giao dịch bảo đảm khác.

– Quyền cầm giữ hàng hải được thực hiện thông qua Tòa án có thẩm quyền bằng quyết định bắt giữ tàu biển mà tàu biển đó liên quan đến khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.

– Người có khiếu nại hàng hải có quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển để bảo đảm cho các khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật hàng hải, mặc dù tàu biển đó đã được thế chấp hoặc chủ tàu đã thực hiện giao dịch bảo đảm khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trên cơ sở hợp đồng.

– Quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển không bị ảnh hưởng khi có sự thay đổi chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu dù người mua tàu biết hay không biết về việc tàu biển đã liên quan đến khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.

2. Khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải

– Khiếu nại hàng hải về tiền lương, chi phí hồi hương, chi phí đóng góp bảo hiểm xã hội và các khoản tiền khác phải trả cho thuyền trưởng, sĩ quan và các thuyền viên khác trong thuyền bộ của tàu biển.

– Khiếu nại hàng hải về tiền bồi thường tính mạng, thương tích và tổn hại khác về sức khỏe con người liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển.

– Khiếu nại hàng hải về phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải và về phí, lệ phí cảng biển khác.

– Khiếu nại hàng hải về tiền công cứu hộ tàu biển.

– Khiếu nại hàng hải về tổn thất và thiệt hại tài sản ngoài hợp đồng liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển.

3. Thứ tự ưu tiên giải quyết các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải

– Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải được ưu tiên giải quyết theo thứ tự các khiếu nại quy định tại Điều 41 của Bộ luật hàng hải; trường hợp khiếu nại hàng hải về tiền công cứu hộ tàu biển phát sinh sau thời điểm các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải khác thì xếp ưu tiên cao hơn các khiếu nại hàng hải đó.

– Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải trong cùng một khoản quy định tại Điều 41 của Bộ luật hàng hải được xếp ngang nhau; trường hợp khoản tiền phân chia không đủ để thanh toán giá trị của mỗi khiếu nại hàng hải thì được giải quyết theo tỷ lệ giá trị giữa các khiếu nại hàng hải đó.

– Các khiếu nại hàng hải phát sinh từ cùng một sự kiện được coi là phát sinh trong cùng một thời điểm.

– Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển liên quan đến chuyến đi cuối cùng được ưu tiên giải quyết trước các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải liên quan đến các chuyến đi khác.

– Các khiếu nại hàng hải phát sinh từ cùng một hợp đồng lao động liên quan đến nhiều chuyến đi được giải quyết cùng với các khiếu nại hàng hải liên quan đến chuyến đi cuối cùng.

– Trong trường hợp khiếu nại hàng hải về tiền công cứu hộ quy định tại khoản 4 Điều 41 của Bộ luật hàng hải thì khiếu nại hàng hải phát sinh sau được giải quyết trước các khiếu nại hàng hải khác.

4. Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải

– Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải là 01 năm kể từ thời điểm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.

– Thời điểm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải được tính như sau:

+ Từ ngày kết thúc hoạt động cứu hộ, trong trường hợp để giải quyết tiền công cứu hộ;

+ Từ ngày phát sinh tổn thất, trong trường hợp để giải quyết các tổn thất và thiệt hại gây ra do hoạt động của tàu biển;

+ Từ ngày phải thanh toán, trong trường hợp để giải quyết các khiếu nại hàng hải khác.

– Quyền cầm giữ hàng hải chấm dứt kể từ khi chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu đã thanh toán những khoản nợ phát sinh từ các khiếu nại hàng hải liên quan; nếu tiền thanh toán vẫn do thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền thay mặt chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu giữ để thanh toán các khoản nợ liên quan đến các khiếu nại hàng hải đó thì quyền cầm giữ hàng hải vẫn còn hiệu lực.

– Trường hợp Tòa án không thể thực hiện việc bắt giữ tàu biển trong phạm vi nội thủy, lãnh hải Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại hàng hải thường trú hoặc có trụ sở chính tại Việt Nam thì thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải kết thúc sau 30 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển Việt Nam đầu tiên, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.

5. Phân biệt maritime lien và maritime claim

Theo Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hàng hải VN, quyền cầm giữ hàng hải (Maritime Lien) là quyền của người có khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật này được ưu tiên trong việc đòi bồi thường đối với chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu mà tàu biển đó đã làm phát sinh khiếu nại hàng hải (Maritime Claim). Tiếp đó tại Khoản 5 Điều này quy định thêm: “Quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển không bị ảnh hưởng khi có sự thay đổi chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu dù người mua tàu biết hay không biết về việc tàu biển đã liên quan đến khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải”. Khoản 3 Điều luật này còn quy định quyền cầm giữ hàng hải được thực hiện thông qua Tòa án có thẩm quyền bằng quyết định bắt giữ tàu biển mà tàu biển đó liên quan đến khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.

Tinh thần và lời văn của quy định trên đây trong chừng mực nào đó cũng tương tự như trong luật Anh. Trong sách giáo khoa Maritime Law của Anh người ta nói Maritime Lien bám chặt lấy con tàu chẳng khác gì con đỉa bám vào da người (like a leech to human skin). Vì con tàu có thể thay đổi chủ sở hữu khi xảy ra khiếu nại do chưa xác định được ai là người chịu trách nhiệm nên trong luật Anh có chế định kiện bản thân con tàu, tức là kiện vật (Action in Rem) chứ chưa phải kiện người chịu trách nhiệm (Action in Personam), tuy nhiên khởi đầu của việc kiên vật đó cũng nhằm mục đích cuối cùng là tìm ra người chịu trách nhiệm về khiếu nại đã xảy ra. Vì vậy khi người khiếu nại yêu cầu tòa án bắt tàu để thực hiện quyền cầm giữ hàng hải thì tòa án đó phải xác định xem liệu có tồn tại hay không quyền cầm giữ hàng hải (Exhist or Non-Exhist of Maritime Lien) trong khiếu nại đó. Muốn làm được điều này tòa án phải kiểm tra xem khiếu nại này có nằm trong nhóm những khiếu nại cho phép bắt giữ tàu để thực hiện quyền cầm giữ hàng hải hay không. Những khiếu nại loại này được quy định trong Điều 41 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, chủ yếu là khiếu nại liên quan tới tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí hồi hương và các khoản khác phải trả cho thuyền viên; chi phí bồi thường tính mạng, tài sản thương tích và tổn hại về sức khỏe cho sỹ quan thủy thủ; lệ phí hoa tiêu, cầu cảng bến bãi; tiền công cứu hộ hoặc tổn thất ngoài hợp đồng liên quan tới hoạt động hàng hải của tàu biển.

Như vậy nếu khiếu nại không nằm trong nhóm này thì người khiếu nại không có quyền yêu cầu bắt tàu để thực hiện quyền cầm giữ hàng hải và tòa án sẽ thả tàu bác đơn kiện của người xin bắt giữ tàu. Ngược lại, với những khiếu nại hàng hải quy định tại Khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì người xin bắt giữ tàu không có quyền xin bắt tàu để thực hiện quyền cầm giữ hàng hải mà chỉ có thể xin bắt tàu để yêu cầu chủ tàu hoặc người vận chuyển phải ra tòa án để giải quyết khiếu nại và xác định xem ai phải chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường? Phần lớn nhóm khiếu nại này phát sinh từ hợp đồng thuê tàu; hợp đồng chở hàng hoặc hành khách kể cả hành lý; tổn thất chung; dịch vụ lai dắt và hoa tiêu cho tàu; phí bảo hiểm thân tàu; tiền hoa hồng môi giới; hàng hóa vật tư cung cấp cho hoạt động của con tàu; hoặc tranh chấp về tiền đóng mới, cải hoán sửa chữa tàu; tranh chấp liên quan tới sở hữu, cầm cố thế chấp và mua bán tàu. Ngoài ra những khiếu nại liên quan tới việc gây ô nhiễm môi trường, liên quan tới chi phí di chuyển, trục vớt, làm vô hại xác tàu cũng nằm trong quy định này.

Điều 139. Khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền bắt giữ tàu biển

Khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền bắt giữ tàu biển là khiếu nại trong các trường hợp sau đây:

1. Các trường hợp quy định tại Điều 41 của Bộ luật này;

2. Thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại do tàu biển gây ra cho môi trường hoặc các lợi ích liên quan; các biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa, hạn chế hoặc loại bỏ thiệt hại này; tiền bồi thường cho thiệt hại đó; chi phí hợp lý cho các biện pháp thực tế đã được áp dụng hoặc sẽ được áp dụng để khôi phục lại môi trường; tổn thất đã xảy ra hoặc có thể xảy ra đối với bên thứ ba liên quan đến thiệt hại đó; thiệt hại, chi phí hoặc tổn thất tương tự quy định tại khoản này;

3. Chi phí liên quan đến việc nâng, di chuyển, trục vớt, phá hủy hoặc làm vô hại xác tàu biển bị chìm đắm, mắc cạn hoặc bị từ bỏ, trong đó bao gồm bất kỳ đồ vật đang có hoặc đã có trên tàu biển và các chi phí hoặc phí tổn liên quan đến việc bảo quản tàu biển đã bị từ bỏ và chi phí cho thuyền viên của tàu biển;

4. Thỏa thuận liên quan đến việc sử dụng hoặc thuê tàu biển, mặc dù được quy định trong hợp đồng thuê tàu hay bằng hình thức khác;

5. Thỏa thuận liên quan đến vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách trên tàu biển, mặc dù có quy định trong hợp đồng thuê tàu hoặc bằng hình thức khác;

6. Tổn thất hoặc thiệt hại liên quan đến hàng hóa, bao gồm cả hành lý được vận chuyển trên tàu biển;

7. Tổn thất chung;

8. Lai dắt tàu biển;

9. Sử dụng hoa tiêu hàng hải;

Luật pháp của một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (Kể cả Hồng Kông) và Singapore cũng phân định 2 nhóm khiếu nại hàng hải như trên để cho phép khi nào thì người khiếu nại được phép bắt giữ tàu nhằm thực hiện quyền cầm giữ hàng hải và khi nào bắt giữ tàu chỉ để giải quyết khiếu nại hàng hải. Nếu không nắm vững các quy định này thì người khiếu nại có thể phạm sai lầm chết người dẫn tới tốn kém chi phí không nhỏ nhưng lại thất bại khi bắt giữ tàu.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)