1.Quy định về thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự

>>Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau:

– Vật chứng;

– Lời khai, lời trình bày;

– Dữ liệu điện tử;

– Kết luận giám định, định giá tài sản;

– Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

– Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

– Các tài liệu, đồ vật khác.

Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Quy định về thu thập chứng cứ tại điều 88 BLTTHS như sau:

1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật TTHS; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

2. Quá trình tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án

>> Xem thêm: Luật định nghĩa tội phạm, hình phạt và những yếu tố cấu thành tội phạm theo pháp luật Hoa Kỳ?

Một vụ án hình sự xảy ra bao giờ cũng để lại dấu vết và những dấu vết đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, mà những dấu xết này có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào những dấu vết đã thu thập được để khởi tố, truy tố hay xét xử một người đã có hành vi phạm tội. Nhưng dấu vết đó được gọi là chứng cứ.

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiếp nhận, lập biên bản và có thể hỏi người đã cung cấp về những vấn đề có liên quan đến chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó, rồi chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án. Người bào chữa cần nắm vững các quyền hạn mới này cùa Thẩm phán chủ tọa phiên tòa để có thể cung cấp, đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật phù hợp, phục vụ cho quá trình trợ giúp pháp lý cho khách hàng và chuẩn bị cho việc tranh tụng tại phiên tòa công khai.

Như vậy, việc tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật có ,liên quan đến vụ án là một việc được pháp luật quy định phải làm theo đúng thủ tục, trình tự, thời gian,… cho thấy tầm quan trọng của các chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Bởi vì đây là những đồ vật có thể kết tội, cũng như chứng minh vô tội cho bị cáo. Việc tiếp nhận, xem xét có thể làm ảnh hưởng đến một vụ án nếu xảy ra sai sót trong quá trình này mà có thể làm bỏ lọt tội phạm hay kết tội nhầm,…

3. Các loại nguồn chứng cứ

>> Xem thêm: Bản chất, căn nguyên của tội phạm và phân loại tội phạm theo pháp luật Hoa Kỳ ?

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nguồn chứng cứ gồm:

“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: a) Vật chứng; b) Lời khai, lời trình bày; c) Dữ liệu điện tử; d) Kết luận giám định, định giá tài sản; đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; g) Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự” (Điều 87 BLTTHS năm 2015).

So với Điều 64 BLTTHS năm cũ, thì Điều 87 BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm nguồn chứng cứ là: Dữ liệu điện tử, kết luận định giá tài sản, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác.

4. Thu thập chứng cứ

>> Xem thêm: Truy nã tội phạm là gì ? Quy định về truy nã tội phạm

Thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh. Nếu không có thu thập chứng cứ thì cũng không có kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thu thập chứng cứ.

Theo quy định tại Điều 88 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thu thập chứng cứ bằng cách: Triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Về thủ tục thu thập chứng cứ trong những trường hợp này phải tuân thủ những quy định như:

– Thủ tục giải thích quyền và nghĩa vụ cho đối tượng bị áp dụng: Thủ tục này được áp dụng trong các biện pháp hỏi cung; lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; khi tiến hành đối chất, nhận dạng, khám người, khám nơi làm việc, khám chỗ ở, địa điểm.

– Quy định về việc phải có người chứng kiến trong các trường hợp:

Đối với biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể bị can, bị hại, nhân chứng khám nghiệm hiện trường, khám nghiện tử thi, thực nghiệm điều tra, nhận dạng thì người chứng kiến là bất kỳ ai và chỉ cần một người (riêng biện pháp khám người, khám xét dấu vết trên thân thể, thì phải là người cùng giới).

Biện pháp khám chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm đòi hỏi phải có người láng giềng, đại diện chính quyền địa phương (nơi làm việc thì đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc) chứng kiến. Trường hợp vắng chủ nhà thì phải có hai người chứng kiến.

Biện pháp thu giữ thư tín, điện tín, bưu phẩm tại bưu điện thì phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan bưu điện…

Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Chứng cứ của Luật sư thu thập và đưa ra nhằm chứng minh, có giá trị “gỡ tội”, mang tính phản biện cao (một phần hoặc toàn bộ) đối với chứng cứ buộc tội và luận điểm của cơ quan tiến hành tố tụng. Để bào chữa có hiệu quả, Luật sư sẽ có những hoạt động thu thập chứng cứ và đưa ra những kiến nghị điều tra bổ sung, điều tra lại, đình chỉ điều tra, rút quyết định truy tố, thay đổi tội danh… Và những kiến nghị này của Luật sư cũng cần phải được các cơ quan xem xét một cách đầy đủ.

Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 88 BLTTHS năm 2015 cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

Vấn đề củng cố chứng cứ cũng là vấn đề hết sức quan trọng, đó là những phương pháp, cách thức làm cho chứng cứ, tài liệu thu thập được bảo đảm giá trị chứng minh, nói cách khác là bảo đảm ba thuộc tính: Hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Thực tiễn về vấn đề thu thập chứng cứ cần phải lưu ý một số trường hợp sau:

Thứ nhất, đối với dấu vết, khi thu thập thì các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ghi rõ trong biên bản: Dấu vết thu thập được là dấu vết gì, vị trí, đặc điểm ra sao?

Về tên của dấu vết cần ghi rõ đó là dấu vết gì: Là vân tay, vết máu, vết cày, vết cạy phá, dấu chân, dấu tay,… Trường hợp khó đặt tên ngắn gọn thì mô tả cụ thể nhưng phải phản ánh được nội dung chủ yếu, cơ bản.

Về đặc điểm của dấu vết: Cần mô tả các nội dung hình dáng, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác của dấu vết để phục vụ tốt cho công tác giám định làm rõ nguyên nhân…

Thứ hai, đối với vật chứng

Khi thu thập vật chứng trong mọi trường hợp đều phải ghi cụ thể trong biên bản thu giữ các nội dung sau:

Tên của vật là gì (con dao, khẩu súng, hay công cụ phương tiện khác) nếu là mô tô xe máy, thì phải ghi rõ biển số, số khung, số máy… Trường hợp vật chứng không phải là vật thông dụng, khó đặt tên, thì có thể đặt tên dạng mô tả hình dạng, kích thước, màu sắc…

Đặc điểm của vật, tùy từng loại vật mà có cách mô tả cụ thể, nhưng nhìn chung phải thể hiện được các nội dung: Số lượng, chất lượng, trọng lượng, khối lượng, hình dạng kích thước, màu sắc, mùi vị, tính nguyên vẹn và trạng thái mới, cũ của vật. Những dấu vết của tội phạm để lại trên vật chứng.

Trường hợp trên vật chứng có dấu vết thì phải mô tả dấu vết theo nội dung củng cố dấu vết đã nêu trên. Phải mô tả từng dấu vết, kích thước của dấu vết, màu sắc của dấu vết, chiều hướng của dấu vết…

Địa điểm tìm thấy vật: Địa điểm tìm thấy vật và cách thức giấu vật liên quan chặt chẽ tới giá trị chứng minh của chứng cứ, giá trị pháp lý của chứng cứ, làm nảy sinh căn cứ pháp lý để tiến hành các hoạt động tố tụng khác.

Thứ ba, đối với sự việc, khi cần ghi lại trong biên bản một sự việc cụ thể nào đó, cần phải ghi đầy đủ các nội dung sau:

Tên sự việc, thời gian xảy ra, hậu quả thiệt hại, nguyên nhân xảy ra sự việc, người biết việc.

Khi thu thập chứng cứ đối với các nguồn chứng cứ mới cần phải lưu ý:

– Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi bảo toàn dữ liệu của mình.

– Khi tiến hành thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ các phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc ngay trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành lập biên bản về sự việc thu thập dữ liệu và đưa vào hồ sơ vụ án.

– Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì mọi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử phải có trách nhiệm chuyển dữ liệu điện tử đó sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.

– Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của BLTTHS năm 2015. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử thì phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử hoặc bản sao dữ liệu điện tử.

Khắc phục bất cập về thẩm quyền thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án trong BLTTHS năm cũ, Điều 252 BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ.

Trong đó quy định: Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa, xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, định giá tài sản, trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, yêu cầu định giá lại tài sản là những hoạt động thuộc thẩm quyền của Tòa án từ khi thụ lý hồ sơ vụ án mà BLTTHS năm 2015 đã quy định.

Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng quy định, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án có quyền xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Điều 252 quy định lại các quyền này và có bổ sung việc Tòa án tiếp nhận hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Xét về bản chất thì đó cũng là các hoạt động điều tra của Tòa án trước khi xét xử vụ án. Tòa án sẽ thực hiện việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ khi Viện kiểm sát không bổ sung được theo yêu cầu của Tòa án, nghĩa là vụ án đã được trả để điều tra bổ sung nhưng không thực hiện được. Tòa án tự mình tiến hành một số hoạt động điều tra và khi đó trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Tòa án. Theo tôi, đây là quy định mới tiến bộ bảo đảm quyền độc lập của Tòa án nói chung và Hội đồng xét xử nói riêng, Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền xác minh, thu thập hoặc bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát. Nếu như quy định trước đây thì Tòa án chỉ được yêu cầu mà không có quyền quyết định, nên không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, không bảo đảm cho Tòa án thực hiện đầy đủ quyền tư pháp.

5. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ

>> Xem thêm: Tội phạm về môi trường là gì ? Tìm hiểu một số tội phạm về môi trường

Theo quy định tại Điều 108 BLTTHS năm 2015 thì:

“1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án”.

Đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự, là hoạt động tư duy của chủ thể tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS và các chủ thể khác có liên quan tiến hành xem xét, kiểm tra các chứng cứ đã thu thập được; từ đó đưa ra kết luận về tính xác thực hoặc không xác thực của chứng cứ, tính hợp pháp hoặc không hợp pháp, tính liên quan hoặc không liên quan đến vụ án của chứng cứ. Các chứng cứ được thu thập liên quan đến vụ án, đều phải được đánh giá riêng biệt và tổng thể; có như vậy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mới giải quyết được vụ án cần phải tiến hành đánh giá chứng cứ trên cơ sở phân tích và tổng hợp.

Phân tích chứng cứ là việc phân chia toàn bộ chứng cứ đã thu thập được về vụ án, phân biệt chứng cứ này với chứng cứ khác, phân chia từng chứng cứ riêng lẻ thành các bộ phận cấu thành của nó, chọn ra trong đó các sự kiện khẳng định, đặc điểm riêng, đối chiếu, so sánh các yếu tố riêng lẻ của từng chứng cứ với nhau và của chứng cứ này với chứng cứ khác.

Tổng hợp chứng cứ là rút ra kết luận từ các chứng cứ đã được thu thập về vụ án hình sự, từ việc xác định trên cơ sở của tất cả các chứng cứ, các sự kiện và các tình tiết của vụ án đang được điều tra và giải quyết.

Việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Đó chính là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhằm xác định: Tính xác thực, độ tin cậy và giá trị của các chứng cứ đã thu thập được; khả năng sử dụng chứng cứ này hay chứng cứ khác trong hệ thống chứng cứ để chứng minh vụ án hình sự; xác định tính chất, ý nghĩa và mức độ liên quan giữa chứng cứ được sử dụng với các chứng cứ khác; giá trị của từng chứng cứ đối với việc chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án; hướng sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng chứng cứ. Do vậy, hoạt động đánh giá chứng cứ của các chủ thể tiến hành tố tụng bao gồm các nội dung sau: Chủ thể đánh giá chứng cứ tiến hành kiểm tra, xem xét giá trị chứng minh của các chứng cứ đã thu thập; chủ thể đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan và làm rõ các tình tiết trong vụ án hình sự; chủ thể tiến hành tố tụng đánh giá chứng cứ để ra các quyết định tố tụng.

Đánh giá chứng cứ có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, người phạm tội và giải quyết các vụ án hình sự. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ là cơ sở quan trọng cho hoạt động thu thập, kiểm tra, sử dụng chứng cứ; kiểm tra, đánh giá chứng cứ có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án; đánh giá chứng cứ là căn cứ để đi đến kết luận và ra quyết định giải quyết thực chất vụ án hình sự.

Đối với việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử là hết sức quan trọng, bởi lẽ: Tại phiên tòa, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử mang tính công khai, toàn diện, bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa với với sự tham gia đầy đủ nhất của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng hình sự. Trong quá trình chứng minh, việc đánh giá chứng cứ trong các giai đoạn khởi tố, điều tra chỉ mang tính sơ bộ, còn đánh giá chứng cứ trong giai đoạn xét xử là chính thức. Bởi lẽ, ở giai đoạn điều tra mục đích đánh giá đó chưa có tính quyết định, chủ yếu hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhằm sử dụng làm căn cứ để ra bản kết luận điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố, Viện kiểm sát cũng kiểm tra, đánh giá chứng cứ chủ yếu phục vụ cho việc quyết định truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử và có thể bị thay đổi ở các giai đoạn tiếp theo. Dựa trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được, Hội đồng xét xử mới đánh giá tổng hợp để đưa ra kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo. Hoạt động đánh giá chứng cứ trong giai đoạn xét xử sẽ kết thúc quá trình chứng minh trong vụ án hình sự. Dựa vào kết quả đánh giá chứng cứ, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra được kết luận cuối cùng của vụ án xác định bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, tội gì và áp dụng hình phạt nào theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trong giai đoạn xét xử, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử mà xảy ra vi phạm thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, vì khác với kết luận của Cơ quan điều tra và bản cáo trạng của Viện kiểm sát, phán quyết của Tòa án là phán quyết cuối cùng, nhân danh Nhà nước, nhân danh công lý và quyết định số phận của một con người.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực hình sự, quý khách có thể liên hệ trao đổi trực tiếp với Luật sư của LVN Group tư vấn thông qua tổng đài tư vấn luật hình sự: 1900.0191 hoặc đặt lịch để được tư vấn pháp luật hình sự trực tiếp tại văn phòng Công ty luật LVN Group. Chúng tôi sẵn sàng cử Luật sư của LVN Group tham gia bào chữa khi bạn hoặc người thân bị cáo buộc phạm tội và đứng trước nguy cơ bị phạt tù.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

>> Xem thêm: Tội phạm về ma túy là gì ? Quy định pháp luật về tội phạm ma túy

1. Dịch vụ Luật sư của LVN Group, tư vấn pháp luật;

2. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự;

3. Dịch vụ Luật sư của LVN Group bào chữa tại tòa án;

4. Luật sư tranh tụng các vụ án hình sự;

5. Luật sư tư vấn thu hồi nợ cho doanh nghiệp;

6. Luật sư tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực hình sự;

>> Xem thêm: Luật phòng, chống ma túy là gì ? Tìm hiểu về luật phòng chống ma túy