1. Khái niệm thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

1.1 Khái niệm

Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi là một loại thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, áp dụng đối với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, thể hiện tính chất thân thiện, nhân đạo, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức, hướng tới sự bình đẳng thực chất cho những nhóm đối tượng yếu thế hơn trong tố tụng hình sự và đáp ứng các yêu cầu của chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

 

1.2 Đặc điểm của thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

– Đây là thủ tục dành riêng cho người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi; trong trường hợp khi phạm tội, khi bị tội phạm xâm hại, họ là người dưới 18 tuổi nhưng khi tham gia tố tụng, họ đã đủ 18 tuổi trở lên thì áp dụng thủ tục chung như đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

– Thủ tục này có những quy định riêng mà trong sự so sánh với người trên 18 tuổi, thể hiện rõ tính chất thân thiện, thể hiện sự ưu tiên hơn, nhân đạo hơn đối với người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng hình sự.

– Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đặt ra quy trình tố tụng để đáp ứng được các yêu cầu đặc thù về những vấn đề cần phải chứng minh trong tiên strinfh truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội và được quy định cụ thể tại Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như việc làm rõ các tình tiết định tội, các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tha miễn trách nhiệm hình sự,…

– Thủ tục này có những quy định riêng nhằm thực hiện chính sách hình sự đối với các nguyên tắc xử lý được luật nội dung nhấn mạnh nhưu linh hoạt trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng hạn chế truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội dưới 18 tuổi,….

 

2. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

Bao gồm các nguyên tắc sau đây:

– Nguyên tắc bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi. Đây là nguyên tắc được quy định tại Khoản 1 Điều 414 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nguyên tắc này đòi hỏi tất cả các quy trình, thủ tục tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp cho hoạt động tố tụng phải phù hợp với tâm lý, độ tuổi.

– Nguyên tắc bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 2 Điều 414 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 yêu cầu bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi, xuất phát từ việc người dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương từ dư luận xã hội bên ngoài cũng như từ tâm lý tự ti bên trong.

– Nguyên tắc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Đoàn thanh niên, chuyên gia về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt, nguyên tắc này được quy định tại Khoản 3 Điều 414 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Sự than gia tố tụng của người đại diện cho người dưới 18 tuổi, đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên, chuyên gia về tâm lý, cán bộ làm công tác xã họi, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức đúng về đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, điều kiện, hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội,…

– Nguyên tắc tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi và bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp viên pháp lý của người dưới 18 tuổi được quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 414 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Nguyên tắc này không những tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, đánh giá chứng cứ từ nguồn lời khai của người dưới 18 tuổi mà còn tạo cơ hội cho người bị buộc dưới 18 tuổi tự bào chữa và tự nhận thức được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, qua đó nhận ra sai lầm và rút ra những bào học cần thiết cho quá trình phục hồi nhân cách.

– Nguyên tắc bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật tố tụng hình sự với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa luật nội dung và luật hình thức, cụ thể: Các nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 phải được hiện thực hóa trong quá trình giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự. Do vậy Khoản 6 Điều 414 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 yêu cầu thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt với người dưới 18 tuổi phải đảm bảo các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với các đối tượng này.

– Nguyên tắc bảo đảm giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 7 Điều 414 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trong quá trình bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những lo lắng quá mức về mức án, về môi trường bị giam giữ, cải tạo, về sự lên án của dư luận xã hội cùng với tâm lý căng thẳng, xấu hổ khi phải đối mặt với cha mẹ, bạn bè, với người bị hại cộng thêm sự thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống, tất cả những yế tố đó tạo cho người dưới 18 tuổi tâm lý chán nản, mệt mỏi và bi quan hơn và khó lấy lại cân bằng hơn so với người thành niên. Do đó quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi phải đảm bảo nhanh chóng, kịp thời nhằm hạn chế các hành động tiêu cực nêu trên.

 

3. Đối tượng cần chứng minh trong vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội

Đối tượng chứng minh trong tiến trình truy cứu trách nhiệm hình sự người bị buộc tội dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, theo đó khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, sẽ có những vấn đề phải được làm rõ so với tiến hành tố tụng đối với người trên 18 tuổi, cụ thể bao gồm những nội dung như sau:

– Độ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi. Độ tuổi là một trong những cơ sở để làm rõ trình độ phát triển về thể chất và tâm thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi. Làm rõ sự phát triển về thể chất và tâm thần ở mức độ nào đó tại thời điểm phạm tội, cá thể hóa mức độ nhận thức về hành vi phạm tội sẽ giúp cho việc xác định chính xác tội danh, khung, mức hình phạt và các biện pháp tác động trong quá trình tố tụng, từ đó giá dục cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội.

– Điều kiện sinh sống và giáo dục.

– Có hay không có người từ đủ 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

– Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.

 

4. Các biện pháp ngăn chặn, giám sát đối với trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội

4.1 Biện pháp ngăn chặn

Người dưới 18 tuổi nếu bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là các biện pháp ngăn chặn có tính cưỡng chế nghiêm khắc thì những ảnh hưởng của các biện pháp này nghiêm trọng hơn so với người thành niên, do vậy, pháp luật quy định chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kể cả biện pháp cưỡng chế áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết.

Những trường hợp mà pháp luật tố tụng hình sự cho là thực sự cần thiết là những trường hợp mà việc áp dụng các biện pháp này là cuối cùng, khi không thể có cách xử lý nào khác, chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn không chỉ căn cứ vào các dấu hiệu trốn tránh và gây khó khăn cho hoạt động giải quyết vụ án mà còn phải lưu ý tới các vấn đề độ tuổi, loại tội phạm, mức độ tội phạm và nhân thân cụ thể của người phạm tội dưới 18 tuổi.

Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn:

– Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi phải ngắn hơn thời hạn áp dụng biện pháp này đối với người thành niên;

– Thời hạn tạm giam chỉ bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, tạm giữ, tạm giam được chia thành hai trường hợp theo nhóm tuổi với người bị buộc tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cụ thể, Điều 419 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đặt ra các căn cứ, giới hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế như sau:

– Thứ nhất, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với một số tội danh cụ thể) nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111, 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

– Thứ hai, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111, 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

– Thứ ba, đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý nhóm những người mới từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng đã có những đặc điểm như là đối tượng lang thang, không nơi cư trú rõ ràng, có tiền án, tiền sự, phạm tội mang tính chất lưu manh, côn đồ hoặc băng nhóm chuyên nghiệp, nếu không tạm giam thì nguy cơ tiếp tục phạm tội là rất cao.

 

4.2 Biện pháp giám sát

Điều 418 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Luật LVN Group (tổng hợp)