1.Các biện pháp khắc phục thương mại và tình trạng nền kinh tế thị trường
Chương liên quan đến các biện pháp khắc phục thương mại trong FTA Việt Nam-EU sẽ bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống đã tồn tại trong luật WTO (AD, CVD và tự vệ). Nguyên tắc chỉ đạo quan trọng liên quan đến các công cụ phòng vệ truyền thống nhằm mục đích tái khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng các quyền và nghĩa vụ đã được vạch ra trong luật WTO, trong khi đó đồng thời đưa ra những quy tắc để hạn chế việc sử dụng các công cụ này trong những tình huống cần thiết, và để đảm bảo đối xử công bằng cho tất cả các bên liên quan. Đó là những tiêu chuẩn trong luật EU. Ví dụ, FTA yêu cầu mức thuế quan phải thấp hơn so với toàn bộ số tiền bán phá giá hoặc trợ cấp, và ở mức độ vừa đủ để loại bỏ thiệt hại. Đồng thời, FTA cũng đưa ra các phương thức có thể kiểm nghiệm được lợi ích công, từ đó cân bằng với lợi ích khác, và xem xét tác động mà thuế quan có thể gây ra cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế, trước khi áp đặt bất kì biện pháp nào. Bên cạnh đó, FTA còn có các điều khoản nhằm tăng tính minh bạch của quá trình điều tra. Đồng thời, các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế, khi tham gia tố tụng, có thể đệ trình tài liệu bằng tiếng Anh. Việc này giúp các bên có thể thực thi tốt hơn các quyền phòng vệ của mình và tránh được chi phí dịch thuật tốn kém. Hiệp định sẽ bao gồm một điều khoản tự vệ song phương cho phép một trong hai bên tạm thời áp dụng mức thuế quan ưu đãi thông thường cho các thành viên WTO, trong trường hợp nhập khẩu tăng gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng. EU sẽ giám sát thị trường trong các lĩnh vực nhạy cảm và sẽ sẵn sàng kích hoạt các thủ tục tự vệ bất cứ khi nào các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ được đáp ứng. Đồng thời, khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ ban hành một bản Quy định (EU ‘Regulation’) về các thủ tục nhanh chóng và hiệu quả nhằm thực hiện điều khoản tự vệ song phương. Cuối cùng, Nhóm công tác về các biện pháp khắc phục thương mại đã được thành lập nhằm tạo ra một diễn đàn đối thoại về hợp tác liên quan đến các biện pháp khắc phục thương mại. Nhờ đó, các cơ quan điều tra của mỗi bên sẽ có hiểu biết rộng hơn về các thực tiễn tương ứng của mỗi bên và trao đổi ý kiến nhằm tăng cường các tiêu chuẩn được sử dụng trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
2. Thương mại dịch vụ và đầu tư
Các FTAs mới của EU chủ yếu dựa trên tiếp cận thị trường dịch vụ và cố gắng đạt được nhượng bộ thương mại vượt xa GATS. Cho tới thời điểm năm 2012, ngược lại với các FTAs của các nước khác, các FTAs của EU không thiết kế một chương riêng về thương mại dịch vụ và đầu tư. Hơn nữa, trong một mục tập hợp tất cả các nhượng bộ về dịch vụ và đầu tư, chúng chỉ được giới hạn ở phương thức hiện diện thương mại. Có thể Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo các quy tắc đầu tư quốc tế trong một chương về đầu tư. Điều này không khó đối với Việt Nam, vì Việt Nam đã tham gia nhiều BITs với một số nước thành viên EU. Tiêu đề dịch vụ bao gồm khoảng 6-7 chương. Chương đầu tiên đưa ra các quy định chung. Chương thứ hai giải quyết vấn đề hiện diện thương mại, thành lập doanh nghiệp, áp dụng theo các hiệp định mẫu của NAFTA đối với cả hoạt động kinh tế dịch vụ và phi dịch vụ. Chương thứ ba liên quan đến thương mại dịch vụ qua biên giới. Chương thứ tư giải quyết vấn đề dịch chuyển tạm thời của thể nhân, và chương thứ năm đưa ra các khuôn khổ pháp luật. Chương thứ sáu giải quyết vấn đề thương mại điện tử; chương thứ bảy đưa ra các gói hợp tác (viện trợ thương mại) cho dịch vụ. Bên cạnh đó, các FTAs của EU còn bao gồm các phụ lục cụ thể về các ngành kinh tế được lựa chọn, như giao thông vận tải, viễn thông, tài chính, dịch vụ pháp luật, dịch vụ môi trường, vận tải biển và xây dựng. Bên cạnh tiêu đề dịch vụ, các FTAs của EU cũng bao gồm các quy định về tự do dịch chuyển vốn, nhằm đảm bảo cho các hiệp định được thực hiện thuận lợi. Những hiệp định này bao gồm các biện pháp tự vệ tiêu chuẩn cho cả hai bên, nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
3. Mua sắm chính phủ
Trong tất cả các FTAs của EU đều có một chương về mua sắm chính phủ. Chương này điều chỉnh hoạt động mua sắm công đối với cả hàng hoá và dịch vụ. Trong chiến lược ‘châu Âu toàn cầu’, EU xác định mua sắm chính phủ là lĩnh vực chính sách then chốt giúp các công ty của EU cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đàm phán FTA, có lẽ có hai động cơ giải thích tại sao EU mong muốn đưa chương mua sắm chính phủ vào trong FTA. Thứ nhất và thẳng thắn nhất, nó giúp EU nâng cao khả năng tiếp cận thị trường mua sắm công của các đối tác trong FTA. Thứ hai, tạo nền tảng để thúc đẩy các lợi ích kinh tế tiềm năng đối với một phần các nước đối tác FTA, thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, giúp chống tham nhũng, cải thiện khuôn khổ pháp luật và thủ tục hành chính trong nước.
4. Cạnh tranh
Trong nhiều FTAs của EU có một chương về cạnh tranh. Trong chương cạnh tranh, các bên đồng ý cấm và áp dụng chế tài đối với một số thực tiễn và giao dịch hàng hoá, dịch vụ gây tác động bóp méo cạnh tranh và thương mại. Điều này ngụ ý rằng các hành vi hạn chế cạnh tranh (như các-ten) hoặc các công ty có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và sáp nhập phi cạnh tranh, sẽ không được các bên chấp nhận và sẽ bị cưỡng chế, vì những hành vi này gây hại cho người tiêu dùng và làm cho người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. Phần lớn sự hợp tác là tự nguyện. Tuy nhiên, có những quy tắc phải được tôn trọng khi hợp tác. Ví dụ, các cơ quan cạnh tranh của hai bên được yêu cầu phải thông báo cho nhau về việc thực thi thủ tục tố tụng đối với hoạt động kinh doanh phi cạnh tranh thuộc phạm vi của chương này và đang diễn ra trong lãnh thổ của các bên. Trong FTA EU-Hàn Quốc, có một mục về trợ cấp, theo đó các bên đồng ý khắc phục hay loại bỏ các trợ cấp gây tác động bóp méo cạnh tranh và thương mại quốc tế. Mục này đặc biệt quan trọng, vì nó cấm các loại trợ cấp được cho là đặc biệt bóp méo cạnh tranh. Đó là:
Trợ cấp bao gồm các khoản nợ hoặc nợ phải trả của doanh nghiệp mà không có bất kì giới hạn nào, trong pháp luật hoặc trong thực tế, về số lượng hoặc thời gian; – Trợ cấp cho các doanh nghiệp yếu kém, mà không có một kế hoạch tái cơ cấu đáng tin cậy nào dựa trên các giả định thực tế, theo đó có thể giúp cho người nhận trợ cấp duy trì được sự tồn tại trong dài hạn mà không cần phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước.
5.Quyền sở hữu trí tuệ (IPRs), thương mại và phát triển bền vững
Quyền sở hữu trí tuệ (IPRs)
Việc bảo hộ và thực thi IPRs là vấn đề sống còn đối với khả năng cạnh tranh của EU. Để duy trì các tiêu chuẩn bảo hộ được áp dụng ở các nước EU, các FTAs của EU đều quy định một chương về IPRs, có cấu trúc khác nhau, tùy thuộc vào từng đối tác. Chương IPRs tham vọng nhất đã được quy định trong FTA EU-Hàn Quốc, chứa đựng các điều khoản rất phát triển, nhất là về quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lí nhằm bổ sung và cập nhật Hiệp định TRIPS. Chương này cũng bao gồm một phần quan trọng về thực thi IPRs dựa trên các quy tắc nội bộ của EU quy định trong Chỉ thị về thực thi IPRs của EU.
Thương mại và phát triển bền vững
Các FTAs của EU bao gồm những điều khoản quy định các cam kết và khuôn khổ hợp tác về thương mại và phát triển bền vững. Các hiệp định tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực thương mại và phát triển bền vững, tạo diễn đàn đối thoại chặt chẽ và tiếp tục các cam kết giữa EU và các nước đối tác trong lĩnh vực môi trường và lao động. Chương về thương mại và phát triển bền vững bao gồm cam kết mạnh mẽ của cả hai bên về các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Các hiệp định cũng thiết lập cấu trúc thiết chế để thực thi và giám sát các cam kết giữa các bên, bao gồm sự tham gia của xã hội dân sự.
Hải quan và thuận lợi hoá thương mại
Hải quan và thuận lợi hoá thương mại là thành phần quan trọng của thương mại quốc tế. Thật vậy, sự thiếu hiệu quả và sự chậm trễ trong các hoạt động hải quan hoặc logistics thường được coi là một trong những rào cản chính đối với thương mại. Các FTAs của EU bao gồm một chương nhằm mục đích giảm chi phí và tăng hiệu quả của thủ tục hải quan, bằng cách tăng cường hoạt động hợp tác song phương về hải quan và các vấn đề liên quan đến hải quan. Đặc biệt, EU và Việt Nam có thể cam kết: (i) Hài hoà các yêu cầu về tài liệu và dữ liệu; (ii) Tăng cường việc giao tiếp hiệu quả với khu vực doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ nhau trong các vấn đề liên quan đến phân loại thuế quan, xác định trị giá tính thuế hải quan và xuất xứ ưu đãi của hàng hoá; (iv) Thúc đẩy việc thực thi IPRs trong hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh một cách mạnh mẽ và hiệu quả; và (v) Tăng cường an ninh cho vận tải biển và nhập khẩu hàng hoá bằng đường biển, chuyển tàu hoặc quá cảnh tại các bên, nhưng đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại.
Phương án khác
Trong trường hợp các cuộc đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam không đi đến thoả thuận cuối cùng, phương án thay thế duy nhất cho FTA được WTO cho phép, đó là duy trì hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (‘GSP’) dành cho tất cả các DCs. GSP này bao gồm: (i) Một thoả thuận chung; (ii) Một thoả thuận khuyến khích đặc biệt dành cho phát triển bền vững và quản lí tốt, gọi là ‘GSP+’; (iii) Một thoả thuận đặc biệt dành cho các LDCs. Thoả thuận chung miễn thuế quan cho các sản phẩm không nhạy cảm, và giảm thuế quan từ 3,5% đến 20% cho các sản phẩm nhạy cảm (Uỷ ban châu Âu có thẩm quyền ấn định danh sách các sản phẩm nhạy cảm). Thoả thuận khuyến khích đặc biệt ‘GSP+’ miễn thuế quan cho gần như tất cả các sản phẩm, nhạy cảm hoặc không nhạy cảm. Chỉ có một số nước được thụ hưởng ‘GSP+’, theo điều kiện phải phê chuẩn và thực hiện một số điều ước quốc tế về nhân quyền, quyền lao động, môi trường và các nguyên tắc quản lí tốt. Việt Nam hiện nay được thụ hưởng GSP của EU; tuy nhiên, không giống FTA, các ưu đãi GSP được xem xét lại theo định kì. GSP của EU dành cho Việt Nam đã được sửa đổi năm 2008. FTAViệt Nam-EU sẽ giúp cho Việt Nam có thể tự do tiếp cận thị trường EU, nhưng không giống GSP, FTA sẽ được thực hiện trên cơ sở có đi có lại và bắt buộc Việt Nam phải mở cửa thị trường nhập khẩu cho EU. Ngoài ra, cần cân nhắc một số yếu tố khác rất quan trọng: khía cạnh chính trị, và sự tác động đối với hội nhập khu vực ASEAN, hiện tượng tái xuất khẩu, bản chất đơn phương của GSP, trong khi đó đặc điểm của các ưu đãi từ FTA là thương lượng.
Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)