1. Room tín dụng là gì? Hạn mức cấp tín dụng được quy định thế nào?

Nguồn gốc của thuật ngữ room tín dụng được bắt nguồn từ nghĩa đen của khái niệm room – căn phòng, sức chứa, dung lượng,… Căn phòng có giới hạn chính là diện tích của căn phòng – sức chứa của căn phòng. Từ đó có thể hiểu room tín dụng là giới hạn cho vay của các ngân hàng – giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng.

Giới hạn cấp tín dụng là khả năng của ngân hàng (bên cho vay) trong phạm vi tài chính nhất định, thoả thuận, cam kết cung cấp nguồn tài chính cho bên vay. Giới hạn cấp tín dụng của từng ngân hàng phụ thuộc vào vốn tự có của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Hạn mức cấp tín dụng, theo quy định tại Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật số 17/2017/sửa đổi, bổ sung năm Luật các tổ chức tín dụng được quy định như sau:

– Đối với các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô – đây là một trong các loại hình tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức công ty TNHH nhằm thực hiện một số hoạt động ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân, hộ gia đình thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ:

+) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng tối đa không vượt quá 15% vốn tự có.

+) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho 1 khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có.

– Đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 25% vốn tự có và không quá 50% đối với khách hàng và người có liên quan.

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 128, mức dư nợ cấp tín dụng này chỉ bao gồm khoản vay tín dụng, tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.

Ví dụ: Giả sử, vốn tự có của ngân hàng A là 5000 tỷ đồng. Vậy room tín dụng – hạn mức cấp tín dụng – giới hạn cho vay của ngân hàng A cho một khách hàng là 15% x 5000 tỷ = 750 tỷ. Các khách hàng sẽ được vay trong giới hạn 750 tỷ đó.

– Một số trường hợp đặc biệt

+) Nếu nhu cầu vay tín dụng của khách hàng và người có liên quan vượt hạn mức cho vay nêu trên thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể cấp tín dụng theo hình thức hợp vốn để có giới hạn room tín dụng rộng hơn, đảm bảo nhu cầu vay của khách hàng.

+) Trong một số dự án, nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội mà khả năng cung cấp tín dụng, khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc cấp tín dụng vượt hạn mức nhưng phải đảm bảo điều kiện theo quy định của Thủ tưởng Chính phủ.

Các trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng:

Không được cấp tín dụng (Tham khảo Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng) Hạn chế cấp tín dụng (Tham khảo Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng)

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho các cá nhân, tổ chức dưới đây:

– Thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên BKS, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh khác tương đương trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng.

– Cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người nêu trên hoặc các khách hàng khác trên cơ sở bảo đảm của những người trên.

– Pháp nhân là cổ đông có người đại diện quản lý phần vốn góp nằm trong thành viên HĐQT, BKS của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

– Pháp nhân là thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu tổ chức tín dụng là công ty TNHH.

– Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán do tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

Tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng ưu đãi với các đối tượng dưới đây:

– Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức của mình, thanh tra viên đang thanh tra tổ chức của mình.

– Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Chủ tịch và thành viên HĐQT; Trưởng ban và thành viên khác trong BKS, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân.

– Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập.

– Doanh nghiệp có một trong các đối tượng sau sỏ hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó: Thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên BKS, Tổng giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng giám đốc/Phó giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài.

– Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng.

– Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đó nắm quyền kiểm soát

 

2. Tại sao lại áp room tín dụng ?

Room tín dụng – Hạn mức tín dụng là công cụ quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng đã được Nhà nước sử dụng và duy trì trong suốt 11 năm qua (kể từ thời điểm năm 2011 cho đến nay). Giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế luôn là nhiệm vụ kép của Ngân hàng nhà nước trung ương được giao phó nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Hạn mức tín dụng là một trong các công cụ được Ngân hàng nhà nước trung ương sử dụng để điều tiết chính sách tiền tệ trong giai đoạn khó khăn của tình hình kinh tế – xã hội hiện nay. Hạn mức tính dụng có những vai trò nhất định như sau:

Thứ nhất, các chính sách định hướng tăng trưởng tín dụng và hạn mức cấp tín dụng sẽ góp phần ổn định lãi suất, cân đối hoạt động của ngân hàng. Vốn tự có của ngân hàng là tổng giá trị thực của vốn điều lệ và các quý dự trữ cùng các tài sản nợ khác của ngân hàng theo quy định pháp luật. Việc cho vay quá hạn mức mà không cân đối đến nguồn dự trữ về lâu dài sẽ khiến quỹ dự trữ của ngân hàng và các tổ chức tin dụng khác bị thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chính hoạt động bình thường của tổ chức. Khi cho vay vượt hạn mức dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn, các tổ chức tín dụng lại lâm vào vòng xoáy huy động vốn với lãi suất cao – cho vay với lãi suất cao (nhằm bù trừ phần nào các khoản lỗ từ huy động vốn). Điều này dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng, khi các khách hàng không trả được khoản vay, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng cũng không trả được cá khoản huy động vốn. Tuy nhiên, chính sách Hạn mức cấp tín dụng đã hạn chế được tình trạng này, giúp các ngân hàng và tổ chức tín dụng luôn duy trì các khoản cấp tin dụng trong hạn mức cho phép, cân đối so với các quỹ dự trữ và không lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Khi thị trưởng tiền tệ ổn định, các yếu tố như chi phí vay vốn, giá thành nguyên vật liệu ổn định dẫn đến lạm phát được kìm giữ. 

Thứ hai, hạn mức cấp tín dụng giúp định hướng dòng vốn tín dụng và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lành mạnh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ví dụ, đối với các dự án nhằm thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, sẽ được cấp tín dụng tối đa vượt hạn mức quy định tại Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng. Đây là một trong các chính sách ưu tiên nhằm mục tiêu khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, hạn mức cấp tín dụng giúp tăng trưởng tín dụng an toàn, ổn định và bền vững. Việc đưa ra hạn mức cấp tín dụng dựa trên khả năng nguồn vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã làm hạn chế tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng khi các tổ chức đó sử dụng hành vi cạnh tranh lãi suất không lãi suất không lành mạnh, tự cấp tín dụng vượt hạn mức nhằm tăng lãi suất vay hoặc cấp tín dụng cho đối với các lĩnh vực tiếm ẩn rủi ro mà không cân đối tới khả năng nguồn vốn của ngân hàng.

 

3. Có nên nới room tín dụng ?

Nhiều chuyên gia cho rằng, hạn mức tín dụng này mang hơi hướng của thời bao cấp, làm hạn chế, chững lại tốc độ tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, nhiều ngân hàng đang tiến dần đến việc cạn room tín dụng, dẫn đến các khách hàng cũ hoặc tiềm năng khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay vượt mức room còn lại của ngân hàng, điều này tạo áp lực lên chính ngân hàng đó nếu khách hàng chuyển sang vay tín dụng tại các ngân hàng khác. Đặc biệt trong những năm 2020, 2021, khi Việt Nam phải đối diện với nhiều đợt dịch Covid 19 khủng khiếp, gây ảnh hưởng nặng lên mọi mặt kinh tế – xã hội khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế gặp nhiều ảnh hưởng. Năm 2022, kinh tế Việt Nam có những bước đi dần dần hồi phục sau đại dịch Covid, các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có nhu cầu bức thiết về vốn để phát triển. Rất nhiều ý kiến về việc nới room tín dụng hoặc bỏ room tín dụng đã được ra để trao đổi, thảo luận. 

Xét nghĩ, công cụ quản lý hành chính nhà nước nào cũng có mặt tích cực và mặt hạn chế của nó. Về mặt tích cực, đó chính các các vai trò, lợi ích mà room tín dụng mang lại, tựu chung là room tín dụng giúp đảm bảo cho hoạt động ngân hàng diễn ra một cách an toàn, hiệu quả, là nền tảng cho việc tăng trưởng tín dụng bền vững. Mặt hạn chế là đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tốt, có các hoạt động an toàn, lành mạnh, việc giới hạn mức cấp tín dụng, đặc biệt là tình trạng cạn room tín dụng hiện nay thực tế không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhiều khách hàng lớn, khiến các khách hàng này phải lựa chọn vay tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác có room tín dụng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các tổ chức, tín dụng đang cạn room hoặc đã hết room tín dụng.

Tuy nhiên, thực tế, việc cạn room tín dụng nóng lên trong giai đoạn gây đây nguyên nhân mấu chốt bởi nước ta đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau những tổn thất, thiệt hại từ đại dịch Covid 19 gây ra do vậy nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh của các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp mới đột ngột tăng vọt. Tuy nhiên, khi nền kinh tế khôi phục,sản xuất, kinh doanh đã hoạt động ổn định trở lại, nhu cầu vay vốn tuy vẫn còn những sẽ không bất ổn như hiện nay. Giới hạn cấp tín dụng là một trong các công cụ rất hữu hiệu trong thực hiện chính sách tiền tệ, giúp tăng trưởng tín dụng ổn địch và bền vững. Giới hạn cấp tín dụng không phải là một công cụ quản lý hành chính giáo điều, cứng nhắc mà được sử dụng hết sức linh hoạt thông qua việc các Giới hạn cấp tín dụng có thể được nới lỏng – nơi room tín dụng. Cụ thể là trong một số trường hợp, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có thể cho vay vượt hạn mức hoặc hợp vốn để có giới hạn cấp tín dụng cao hơn theo quy định của Thủ tưởng Chính phủ. 

Xét trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu vay vốn nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh tăng cao, thiết nghĩ, việc nới room tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, việc nới room cần được thực hiện phù hợp với nhiệm vụ kinh tế trong tình hình hiện tại và tuân theo các nguyên tắc, lộ trình phù hợp vì song song với việc nới room tín dụng, cần kiểm soát được tình trạng lạm phát và ổn định nền kinh tế và phù hợp với khả năng của các ngân hàng và tổ chức chính dụng. Bởi thực tế, không phải tổ chức tín dụng hay ngân hàng nào cũng tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Nếu không phân loại và đánh giá được tình hình tài chính của từng tổ chức tín dụng mà áp mức tăng room tín dụng đồng loạt có thể khiến chính các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng kém lâm vào tình trạng cho vay quá khả năng của các quỹ dự trự, làm các quỹ này cạn kiệt dẫn đến mất khả năng thanh khoản. Việc mất khả năng thanh khoản, trước tiên làm chính các ngân hàng, tổ chức tín dụng thiếu hụt nguồn vốn cho các hoạt động nội bộ, không chi trả được các khoản vay huy động đến hạn. Dần dần làm giảm uy tín trong hoạt động ngân hàng. Nghiêm trọng hơn có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền ra toàn hệ thống khiến chính ngân hàng, tổ chức tín dụng đó bị phá sản, kéo theo đó có thể khiến các ngân hàng cho vay cũng lao đao điêu đứng theo. Bởi vậy, việc nới room tín dụng trong giai đoạn này thực sự cần được cân nhắc, lên kế hoạch và có phương án thực thi hợp lý.

Trên đây là ý kiến của chúng tôi, mọi vướng mắc hoặc góp ý, mời quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến 1900.0191 để được hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn!