1. Phòng vệ chính đáng là gì ?

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

 

2. Tình thế cấp thiết là gì ?

Khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gâythiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm”.

 

3. Điểm giống nhau giữa phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết

+ Cả hai hành vi này đều được quy định trong Bộ luật hình sự và không bị coi là tội phạm nên đều không phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Mục đích của phòng vệ chính đáng (PVCĐ) và tình thế cấp thiết đều nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của công dân, để ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp được pháp luật hình sự bảo vệ.

+ Phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết đều phải thỏa mãn những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật hình sự.

+ Hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng hay vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Do mục đích của phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết là tích cực, phù hợp với lợi ích của xã hội, vì vậy đều được khuyến khích mọi công dân thực hiện và có hành vi nếu vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

4. Điểm khác nhau giữa phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết?

+ Nguồn gốc gây nguy hiểm: Trong phòng vệ chính đáng nguồn gốc gây nguy hiểm là do con người gây nên. Còn trong tình thế cấp thiết nguồn gốc gây nguy hiểm đa dạng hơn, có thể do nhiều nguyên nhân gây nên như do con người, thiên nhiên, súc vật, máy móc…

+ Đối tượng gây thiệt hại: Trong phòng vệ chính đáng, đối tượng gây thiệt hại là cho chính bản thân người có hành vi xâm hại, còn trong tình thế cấp thiết là gây thiệt hại cho một lợi ích hợp pháp khác.

+ Biện pháp thực hiện: Trong phòng vệ chính đáng người phòng vệ có thể lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau, còn trong tình thế cấp thiết thì người ở trong tình thế cấp thiết “không còn cách nào khác”, tức là chỉ có một biện pháp thực hiện duy nhất.

+ Hậu quả: Trong phòng vệ chính đáng, thiệt hại mà hành vi phòng vệ gây ra cho người có hành vi xâm hại có thể nhỏ hơn, ngang bằng hoặc lớn hơn còn trong tình thế cấp thiết chỉ được thừa nhận là tình thế cấp thiết nếu thiệt hại gây ra nhỏ hơn thiệt hại cần ngán ngừa.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến.