>> Luật sư tư vấn pháp luật Hành chính, gọi: 1900.0191
Luật sư tư vấn:
1. Khái niệm về hoạt động công chứng
– Định nghĩa Công chứng
Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
2. Đặc điểm của hoạt động công chứng:
+ Hoạt động công chứng đảm bảo an toàn pháp lí cho các hợp đồng, giao dịch
+ Hoạt động công chứng tạo lập các văn bản có giá trị chứng cứ
+ Hoạt động công chứng là hoạt động mang tính chuyên môn, nghề nghiệp
+ Hoạt động công chứng chịu sự quản lí chặt chẽ của Nhà nước
- Các tổ chức, cá nhân liên quan:
+ Chủ thể thực hiện hoạt động Công chứng:Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
+ Chủ thể yêu cầu công chứng: Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này.
+ Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm: Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Một số nhận xét, đánh giá, giải pháp về sự hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam.
Hoạt động công chứng hình thành ở Việt Nam khá chậm so với các nước khác trên thế giới. Công chứng ra đời giúp Nhà nước tăng cường quản lý bằng pháp luật, xây dựng thể chế, tạo môi trường pháp lý, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực công chứng. Xã hội hoá công chứng góp phần phục vụ kịp thời các nhu cầu về công chứng, tạo điều kiện để mọi người dân, với địa vị xã hội, khả năng kinh tế khác nhau đều bình đẳng, dễ tiếp cận với dịch vụ công chứng, xoá bỏ tâm lý e ngại khi người dân tiếp cận với công chứng.
Xã hội hoá công chứng là một quá trình lâu dài với những bước đi phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, trình độ dân trí, quá trình dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội, năng lực quản lý của nhà nước, khả năng của xã hội và nhu cầu của xã hội đối với công chứng. Vì thế, xã hội hoá công chứng không giống nh một cuộc cách mạng xã hội, không tạo sự thay đổi đột ngột làm mất ổn định xã hội.
Một số giải pháp:
Thứ nhất, xã hội hoá công chứng phải xác định phạm vi, nội dung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện quan trọng, mang tính quyết định đối với tính khả thi, sự thành công của quá trình xã hội hoá công chứng ở Việt Nam.Có thể nói ở nước ta hiện nay, xã hội hoá dịch vụ công nói chung, xã hội hoá công chứng nói riêng là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nên phải tiến hành thận trọng, tránh chủ quan, duy ý chí, tránh sự sao chép, vay mượn bất cứ một hình mẫu công chứng nào để áp đặt vào Việt Nam. Cần phải thấy rằng, mô hình công chứng hiệu quả nhất có thể không phải là mô hình tiên tiến nhất, hiện đại nhất trên thế giới, mà phải là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam, đồng thời, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi không chỉ có điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, đặc điểm tâm lý, truyền thống dân tộc mà cả xu thế hội nhập quốc tế và khu vực cũng đang tác động mạnh mẽ đến quá trình xã hội hoá công chứng ở nước ta; đặt ra yêu cầu “quốc tế hoá” lĩnh vực công chứng, khắc phục những “dị biệt” của thiết chế công chứng Việt Nam so với các hệ thống công chứng trên thế giới hiện nay.
Thứ hai, xã hội hoá công chứng phải được coi là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính và chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Ở nước ta, công chứng còn đang là một thiết chế nhà nước, được tổ chức như một cơ quan công quyền, với chức năng bổ trợ tư pháp. Vì thế, xã hội hoá công chứng vừa là yêu cầu, vừa là một nội dung của cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Có thể xem mối quan hệ giữa cải cách công chứng và cải cách hành chính, cải cách tư pháp là mối quan hệ giữa bộ phận và toàn bộ, có sự tác động qua lại lẫn nhau, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện; tránh được sự mâu thuẫn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, chắp vá, bị động với các giải pháp tình thế trong quá trình thực hiện cải cách công chứng nói riêng, cải cách hành chính và cải cách tư pháp nói chung.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp
Đặc trưng của hệ thống chính trị nước ta là một đảng duy nhất cầm quyền; xã hội hoá công chứng là một nội dung của cải cách hành chính, cải cách tư pháp, vì thế không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, nhằm định hướng, bảo đảm sự ổn định chính trị, giữ vững bản chất của nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân trong suốt quá trình thực hiện xã hội hoá công chứng.
Thứ tư, xã hội hoá công chứng phải được tiến hành theo những bước đi phù hợp, có mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể xuất phát từ tình hình thực tế, trình độ phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội và truyền thống pháp lý Việt Nam; kế thừa những thành tựu đã có, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là kinh nghiệm xã hội hoá công chứng ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Xác định nội dung, bước đi không chỉ tính đến tình hình xã hội hiện tại, mà còn phải dự báo được xu thế của phát triển trong tương lai.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!