1. Trường công lập là gì?

Theo quy định của Luật giáo dục 2019, Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

– Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông. 

Nhà trường công lập là trường do nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu. 

2. Nguyên tắc xác định học phí

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định: Uỷ ban nhân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, định mức chi phí áp dụng trong lĩnh vực giáo dục. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý để áp dụng tại địa phương.

Như vậy, có thể hiểu rằng mỗi một tỉnh sẽ có khung hoặc mức học phí khác nhau. do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh té xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ rình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

3. Thu học phí

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định: Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp học phí được thu tối đa 10 tháng/năm.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp học phí vào ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc nhà nước để quản lý, sử dụng. Trong trường hợp phát sinh khoản thu học phí bằng tiền mặt thì định kỳ, đơn vị phải làm thủ tục chuyển (nộp) toàn bộ học phí đã thu bằng tiền mặt còn dư tại quỹ vào tài khoản của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý.

4. Quản lý và sử dụng học phí

Cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và tổng hợp vào báo cáo tài chính hằng năm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục thực hiện quản lý các khoản thu, chi học phí theo chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định pháp luật; Thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin tài liệu cung cấp.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức thu học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khoá học, công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.

5. Khoản thu theo thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường

Ngoài các khoản thu học phí được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh các khoản thu và mức thu thì còn có những khoản là sự thoả thuận tự nguyện giữa Nhà trường và phụ huynh học sinh như: Thu tiền phụ vụ bán trú, nước uống, các khoản tiền viện trợ, quà biếu…

Khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản sau:

– Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện;

– các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Như vậy, suất ăn bán trú cho học sinh tại các trường tiểu học không phải là khoản không được quyên góp. Khoản này là sự thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh về mức thu, phương thức thu cũng như cách thức, lộ trình sử dụng số tiền mà Nhà trường đã thu của phụ huynh học sinh. 

6. Lựa chọn nhà cung cấp “suất ăn bán trú” có bắt buộc phải thực hiện đấu thầu?

Luật đấu thầu 2013 quy định rõ phạm vi điều chỉnh được áp dụng đối với những dự án sau:

– Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

– Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; 

– Dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;

– Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuọc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

– Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;

– Mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;

– Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập……

Như vậy, có thể thấy lựa chọn một nhà cung cấp “suất ăn bán trú” cho học sinh không phải là đối tượng áp dụng của Luật đấu thầu 2013. Tuy nhiên, vẫn có thể thực hiện lựa chọn đấu thầu nếu muốn thực hiện. 

Trên thực tế, để đảm bảo tính minh bạch, lựa chọn được những đơn vị đem đến chất lượng tốt nhất và giá thành phù hợp nhất thì nhiều Nhà trường vấn tổ chức lựa chọn nhà cung cấp suất ăn thông qua hình thức đấu thầu. Ngoài ra, nhà trường cũng phải xem xét và thoả thuận cụ thể với phụ huynh học sinh về nội dung này. Nếu trong bản thoả thuận với phụ huynh học sinh mà nêu rõ Nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh thông qua hình thức đấu thầu thì Nhà trường phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp thức ăn theo thoả thuận đã ký với phụ huynh học sinh.

Nếu còn bất kỳ vấn đề nào vướng mắc, mời bạn đọc liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.0191 để được giải đáp nhanh chóng.