Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự về nguyên tắc “suy đoán vô tội”, Luật LVN Group cung cấp tới bạn đọc chuỗi bài viết về “suy đoán vô tội” tại một số quốc gia thuộc Châu Âu. Bài viết dưới đây là nội dung về “suy đoán vô tội” theo quy định của nước Cộng hòa Pháp. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung vào lịch sử ghi nhận về “suy đoán vô tội” và “quyền được tôn trọng suy đoán vô tội” theo quy định của nước Cộng hòa Pháp.
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trước tiên để bạn đọc hiểu được nội dung chúng tôi đang đề cập tới. Chúng tôi sẽ lý giải cách hiểu “suy đoán vô tội” là gì?
1. Suy đoán vô tội là gì?
Suy đoán vô tội là nguyên tắc mà theo đó bị can, bị cáo được coi là vô tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự, khi lỗi của người đó chưa được chứng minh theo trình tự, thủ tục luật quy định và chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật,
Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc quan trọng của tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, loại trừ việc buộc tội và kết án thiếu căn cứ. Việc suy đoán vô tội chỉ bị bác bỏ bằng việc tuyên bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, thẩm vấn và xác minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện tại phiên toà xét xử chứng minh lỗi của bị cáo theo trình tự luật định.
2. Ghi nhận đầu tiên về Suy đoán vô tội trong pháp luật nước Cộng hòa Pháp
Thường được xem như là quy tắc cơ bản và cần thiết trong xã hội dân chủ, suy đoán (giả định) vô tội là nguyên tắc được pháp luật Cộng hoà Pháp khẳng định một cách vững chắc.
Điều 9 của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 lần đầu tiên đề cập đến “suy đoán vô tội”. Theo đó: “Bất kỳ ai cũng được cho là vô tội cho đến khi bị tuyên bố là có tội. Trong trường hợp phải bắt giữ, mọi hành vi sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để bắt và giam giữ sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng”. Cách mạng Pháp tuyên bố một cách long trọng nguyên tắc suy đoán vô tội để cấm mọi hình thức bắt bớ tuỳ tiện và cũng là chấm dứt mọi hành vi lạm quyền của chế độ quần chủ.
Học lý hình sự nâng suy đoán vô tội thành nguyên tắc nền tảng và mang tính chỉ đạo của tố tụng hình sự; một nguyên tắc được xem là mặc nhiên suốt hơn hai thế kỷ. Trong một thời gian dài, Bộ luật tố tụng hình sự Pháp không đề cập đến suy đoán vô tội, như thể việc đưa nguyên tắc này vào luật là thừa thãi. Tuy nhiên, vào năm 2000, cải cách quan trọng về thủ tục tố tụng hình sự của Pháp đã ghi nhận ngay trong điều mở đầu các nguyên tắc cơ bản, trong đó có suy đoán vô tội. Theo đó: “bất kỳ ai bị nghi ngờ hoặc bị buộc tội đều được xem là vô tội cho đến khi sự có tội của người này được chứng minh”.
Được công nhận là nguyên tắc có giá trị hiến định, suy đoán vô tội cũng được pháp luật liên minh châu Âu đề cao: Công ước châu Âu về quyền con người quy định “bất kỳ ai bị cáo buộc phạm tội đều được giả định là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội”; Suy đoán vô tội cũng được quy định trong Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu và gần đây là một chỉ thị của Liên minh châu Âu ngày 9 tháng 3 năm 2016.
3. Bảo đảm áp dụng suy đoán vô tội trên thực tế như thế nào?
3.1. Suy đoán vô tội được hiểu là gì?
Suy đoán vô tội có nghĩa rằng, trong quá trình xét xử vụ án hình sự, người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi bằng chứng về hành vi phạm tội của người này được toà án chứng minh. Ở đây, nghĩa phổ biến của thuật ngữ “suy đoán” (présomption) không có nghĩa là cá nhân đó vô tội mà người ta giả định người này vô tội cho tới khi có bằng chứng ngược lại.
Tiền đề này dẫn tới một số quy tắc kỹ thuật theo đó người bị buộc tội không phải bị đối xử như là người có tội trong quá trình tố tụng. Do đó, giả định vô tội xuất hiện như một nguyên tắc bảo vệ, có lợi cho người bị buộc tội và đưa ra những ràng buộc với cảnh sát và cơ quan tư pháp tham gia tố tụng.
3.2. Vi phạm về nguyên tắc suy đoán vô tội ở nước Pháp
Tuy nhiên, việc bảo vệ bằng các quy tắc thuần tuý thủ tục là không đủ. Trên thực tế, các vi phạm nguyên tắc suy đoán thường không đến từ những người tham gia tố tụng mà đến từ những người bình luận về tiến trình tố tụng, đặc biệt là từ báo chí khi phổ biến các thông tin liên quan đến vụ việc và tạo ra nguy cơ làm cho công chúng nhìn nhận một người liên can đến vụ án như là thủ phạm.
Trên thực tế, bí mật của quá trình điều tra không được tôn trọng. Cho nên, vào năm 1993 các nhà làm luật đã tạo ra một tầm vóc và ý nghĩa mới cho “suy đoán vô tội”. Theo đó, một cá nhân liên quan đến vụ việc tố tụng hình sự không bị đối xử một cách công khai như là người có tội cho đến khi việc phạm tội của người này được toà án tuyên bố thực sự.
3.3. Ghi nhận quyền được tôn trọng về suy đoán vô tội
Việc bảo vệ uy tín và danh dự này đã được hiện thực hóa thông qua việc ghi nhận “quyền được tôn trọng về suy đoán vô tội” trong Bộ luật dân sự. Bằng cách khẳng định rằng, “mọi người đều có quyền tôn trọng sự suy đoán vô tội”, luật pháp không bảo vệ một thực tế mà bảo vệ vẻ bề ngoài, nghĩa là mọi cá nhân phải được coi là vô tội và được nhìn nhận là vô tội khi toà án chưa chứng minh được người này có tội.
Như vậy, suy đoán vô tội không đơn giản là một nguyên tắc mang tính thủ tục mà nó đã trở thành một quyền mang tính nội dụng gắn liền với con người và có giá trị bắt buộc đối với mọi chủ thể khác, đặc biệt là giới truyền thông. Do đó, suy đoán vô tội chứa đựng các đặc trưng của một quyền nhân thân được bảo vệ. Câu hỏi được đặt ra là liệu cơ chế bảo vệ mà các quy định pháp luật đề ra có hiệu lực trên thực tế hay không?
Trong đa số trường hợp, các hành vi vi phạm suy đoán vô tội được thực hiện bởí các cá nhân. Thường thì đó là các nhà báo. Nhưng một cá nhân sử dụng tiếng nói của phưong tiện truyền thông hoặc bất kỳ phương tiện công khai nào khác cũng có thể vi phạm quyền này. Điều thú vị và đáng lưu ý là, không có sự miễn trừ vì lý do tư cách đặc biệt người bình luận. Cũng không có ngoại lệ cho dù tác giả của sự vi phạm suy đoán vô tội là một trong những nhân vật chính của vụ án hoặc nhận mình là nạn nhân của hành vi phạm tội được xét xử. Ngoài phòng xử án, không có miễn trừ đối với các bình luận chống lại đối thủ.
Các nhân vật công chúng các đại diện của Nhà nước cũng phải tôn trọng quyền tôn trọng sự suy đoán vô tội. Chỉ thị của Liên minh châu Âu ngày 9 tháng 3 năm 2016 nhắc lại yêu cầu này. Theo các điều khoản của chỉ thị, các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng, các tuyên bố công khai của các cơ quan công quyền, cũng như các quyết định tư pháp, ngoài trừ những người tham gia xét xử, không xem một nghi can hay một người bị truy tố như là thủ phạm khi hành vi phạm tội của người này chưa được pháp luật chứng minh một.
4. Nội dung của quyền được tôn trọng về suy đoán vô tội
Khi thừa nhận quyền tôn trọng suy đoán vô tội, một quyền nhân thân bất kỳ ai cũng được thụ hưởng và được mọi chủ thể khác tôn trọng, Điều 9-1 của Bộ luật Dân sự dường như đưa ra một sự bảo vệ khá rộng rãi. Tuy nhiên, việc phân tích nội dung của quyền này phần sẽ làm làm thay đổi nhận định trên.
Khi luật ngày 4 tháng 1 năm 1993 ghi nhận quyền tôn trọng sự suy đoán vô tội trong Bộ luật Dân sự, đã có không ít bình luận về quyền này. Trong các cuộc thảo luận tại quốc hội, có nghị sĩ đề xuất trừng phạt việc công bố tên hoặc bất kỳ yếu tố nhận dạng nào của một người bị truy tố hình sự. Đề xuất này có giá trị bảo vệ suy đoán vô tội rất cao, nhưng hạn chế quyền thông tin về các thủ tục đang tiến hành, về thủ tục hiện tại. Đề xuất này rốt cuộc bị từ chối.
Do đó, hoàn toàn có thể công bố danh tính của một người bị nghi ngờ hoặc bị truy tố, cũng như mô tả chi tiết các sự việc mà người này bị cáo buộc. Điều 9-1 của Bộ luật Dân sự nghiêm cấm “trình bày, giới thiệu một người như là thủ phạm của các vụ việc đang là đối tượng của điều tra và thẩm cứu”. Chúng ta nên hiểu quy định này như thế nào? Án lệ thông qua nhiều án lệ trong những năm qua cho phép xác định bản chất và tiêu chí đánh giá sự vi phạm quyền suy đoán vô tội. Tuy nhiên, ấn tượng chung rút ra từ các án lệ là việc vi phạm này rất khó để mô tả, điều này làm giảm đáng kể mức độ bảo vệ quyền tôn trọng suy đoán vô tội.
Toàn bộ hiệu quả của cơ chế bảo vệ quyền phụ thuộc vào cách đánh giá cái gọi là “giới thiệu như là có tội”. Đối với án lệ, việc vi phạm suy đoán vô tội chỉ phát sinh nếu có “kết luận dứt khoát cho thấy tồn tại định kiến về sự có tội của một người”.
Cách giải thích này của án lệ tạo cho quyền suy đoán vô tội một nội dung hẹp. Nó không ngăn chặn bất kỳ sự ám chỉ nào về sự có tội có thể có và chỉ xử lý về mặt pháp lý được những tuyên bố rất rõ ràng, cụ thể, không ám chỉ, mơ hồ. Nói cách khác, việc xâm phạm quyền tôn trọng suy đoán vô tội chỉ cấu thành nếu việc buộc tội được khẳng định một cách dứt khoát và làm nảy sinh sự tin chắc trong tâm trí của công chúng.
Ví dụ, việc tác giả của một cuốn sách liên tục trình bày người bạn đời của con gái mình là “kẻ giết người” và “kẻ sát nhân” trong khi quá trình tố tụng đang được tiến hành, tạo thành sự khẳng định một niềm tin về việc có tội, xâm phạm tới suy đoán vô tội.
Tương tự như vậy, việc một bài báo đã đề cập rõ ràng từ “có tội” được gắn vào tên của bị cáo (trong trường hợp này là một thẩm phán bị truy tố vì tội trộm cắp thẻ tín dụng), không kèm theo bất kỳ yếu tố gỡ tội nào, cũng không sử dụng thể điều kiện, cấu tạo vi phạm suy đoán vô tội vì toàn bộ bài viết khiến độc giả cho rằng cá nhân đó có tội.
Mặt khác, những nhận xét mà qua đó chỉ tạo nên một “ấn tượng cho thấy sự phạm tội” đựợc chấp nhận vì những nhận xét này không chứa đựng một sự khẳng định chắc chắn về hành vi phạm tội.
Vì vậy, pháp luật không cấm nêu lên tính có tội căn cứ vào các yếu tố khách quan của quá trình tố tụng. Do đó, án lệ chấp nhận các lời lẽ khách quan chỉ mô tả các sự kiện vật chất hoặc các hành vi tố tụng như việc tạm giữ hay tạm giam. Do vậy, sẽ không cấu thành tội xâm phạm suy đoán vô tội, nếu bài báo chí đề cập rằng một cá nhân được xác định “sẽ phải trả lời về tội ấu dâm” vì nó chỉ nêu cụ thể tên gọi của hành vi bị truy tố mà không đưa ra định kiến về thủ phạm.
Cũng không cấm nêu ra các thủ phạm tiềm năng kèm sự nghi ngờ về điều này. Cụ thể, việc sử dụng bảo lưu trong bài phát biểu thì sẽ không xâm phạm quyền suy đoán vô tôi, với điều kiện không có sự khẳng định rõ ràng về người phạm tội. Án lệ đánh giá đồng thời cả nội dung lẫn hình thức của các lời lẽ bị kiện.
Việc sử dụng dấu ngoặc kép để trích dẫn các tuyên bố và sử dụng thể điều kiện được khuyến nghị. Để tránh các rắc rối pháp lý, báo chí thường sử dụng thuật ngữ “kẻ giết người giả định”, “kẻ hiếp dâm suy đoán” hay chung hơn là “kẻ phạm tội suy đoán”. Những công thức ngôn ngữ này thể hiện sự cẩn trọng về ngôn từ và cách viết và thường xuyên bị chỉ trích vì làm sai lệch ý nghĩa của giả định. Tuy nhiên, án lệ chấp nhận những lạm dụng ngôn ngữ này, điều này dẫn đến việc chúng ta nói rằng, trên thực quyền tôn trọng sự suy đoán vô tội có một phạm vi tương đối.
Ngoài phạm vi truyền thông báo chí, người ta có thể liên tưởng tới những giả thuyết khác giống như một sự buộc tội trước khi phán xét. Ví dụ, có thể xem là vi phạm quyền suy đoán vô tội khi một nhân viên bị sa thải dựa trên các sự kiện là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự? Tòa phá án cho rằng, đầy không phải là trường hợp xâm phạm quyền suy đoán vô tội, vì quyền suy đoán vô tội không cấm người sử dụng lao động dựa vào những sự việc mà người này biết để đưa ra chế tài kỷ luật, dù quy trình tố tụng hình sự đang được tiến hành liên quan đến cùng một sự việc.
Lập luận tương tự được áp dụng với tư cách là một biện pháp bảo vệ. Ví dụ, việc đình chỉ tạm thời của một Luật sư của LVN Group bị khởi tố vì giúp đỡ người nhập cư bất hợp không bị xem là vi phạm suy đoán vô tội .
Như vậy, thông qua một vài ví dụ chúng ta có thể hiểu rằng khó mô tả việc xâm phạm quyền tôn trọng suy đoán vô tội trong thực tế. Án lệ xác định một nội dung hẹp bằng cách đòi hỏi phải có các kết luận dứt khoát để quy kết một người có hành vi xậm phạn quyền này. Ở đây chúng ta thấy được dấu hiệu của sự yếu kém, thậm chí là không hiệu quả của quyền được Bộ luật Dân sự thừa nhận. Tuy nhiên, khi vi phạm quyền này được pháp luật khẳng định, chế tài xử phạt có thể được áp dụng.
Trên đây là bài viết của chúng tôi về nội dung “Suy đoán vô tội theo quy định của Cộng hòa Pháp và quyền được tôn trọng suy đoán vô tội”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập