Chào công ty Luật LVN Group. Em tên là Nga hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học công đoàn. Hiện tại em đang có một đề tài nghiên cứu về “suy đoán vô tội” ở Việt Nam. Sau khi tìm hiểu các tài liệu liên quan thì em nhận thấy một vấn đề rằng có 2 thuật ngữ được sử dụng đề cập đến nội dung này đó là: có bài viết thì viết là “suy đoán vô tội” và có bài viết lại sử dụng “giả định vô tội”. Vậy Luật sư của LVN Group cho em hỏi cách sử dụng nào là phù hợp hơn ạ? Rất mong nhận được giải đáp của Luật sư của LVN Group. Em xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đặng Nga – Hà Nội
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
– Hiến pháp năm 2013
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
1. Quy định về suy đoán vô tội hiện hành ở Việt Nam
Suy đoán vô tội là nguyên tắc hiến định. Cụ thể tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013:
“1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Suy đoán vô tội là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2013 như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
2. Cách sử dụng thuật ngữ “suy đoán” hay “giả định”?
Trước hết, cần phải khẳng định các Hiến pháp Việt Nam không sử dụng thuật ngữ “suy đoán vô tội” mà sử dụng một câu diễn đạt nội hàm của nguyên tắc suy đoán vô tội. Nguyên tắc này lần đầu tiên được Việt Nam chính thức ghi nhận tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự 1988: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Sau đó, nguyên tắc suy đoán vô tội được hiến định tại Điều 2 Hiến pháp 1992: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Gần đây, Hiến pháp 2013 một lần nữa khẳng tịnh và làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội tại khoản 1 Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Chúng ta thấy thuật ngữ “suy đoán vô tội” đã được dịch từ thuật ngữ “presumption of innocence” trong các tài liệu khoa học hay cụm từ “the right to be Presumed innocent” trong các văn kiện quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người 1948 nêu “Everyone charged with a penal offence has the right to be presumed innocent until proved guilty” (khoản 1, Điều 11), và tương tự, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966 nêu “Everyone charged with a criminal offence shall have the right to be presumed innocent until proved guilty” (khoản 2 Điều 14).
Theo các từ điển tiếng Anh cũng như Anh – Việt, động từ “presume” có hai nghĩa, một là “dự đoán”, “suy đoán” và hai là “giả định”.
3.1. Suy đoán vô tội
Theo nghĩa thứ nhất, từ điển Longman định nghĩa “presume” là “nghĩ rằng điều gì là đúng, mặc dù không chắc chắn”. Cách định nghĩa này gần với từ “đoán chừng” trong tiếng Việt. Ở mức độ chắc chắn cao hơn so với “đoán chừng”, “presume” có thể hiểu là “suy đoán”, tức là “đoán ra điều chưa biết, căn cứ vào những điều đã biết”. Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất của từ “presume”, “the right to be presumed innocent” là quyền được “suy đoán vô tội” của người bị buộc tội. Đại Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “suy đoán” là “dựa vào điều đã biết mà đoán ra điều chưa biết”. “Suy đoán” đòi hỏi phải có thông tin, dữ kiện, tài liệu, chứng cứ để khiến con người tin vào một điều gì đó. Nếu hiểu như vậy, cơ quan điều tra rất khó có thể suy đoán vô tội và trên nguyên tắc việc bắt và khởi tố bị can phải có chứng cứ khiến họ tin là bị can có tội.
Vì vậy, tác giả bài viết cho rằng, khoa học pháp lý không sử dụng khái niệm “presume” theo nghĩa “suy đoán” như trên.
2.2. Giả định vô tội
Từ điển tiếng Anh Longman nêu rõ trong lĩnh vực luật, “presume” được hiểu là “chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng”. Đây chính là khái niệm giả định, giả thiết trong tiếng Việt. Theo Đại Từ điểnTiếng Việt, “giả định” là “đưa ra một khả năng như có thật”. Như vậy, “the right to be presumed innocent” cần được dịch là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được tòa án rằng bị cáo đã phạm tội. Quyền này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải coi (giả định) bị can, bị cáo không phạm tội, mặc dù cơ quan chức năng có thể tin (suy đoán) rằng bị can, bị cáo phạm tội. Như Thomas Weigend lập luận, quyền giả định vô tội không phải là một sự suy đoán mà là sự giả định hoặc sự giả tưởng pháp lý (legal fiction): chúng ta làm ra vẻ (pretend) một người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm không thực hiện tội phạm đó. Hay nói cách khác, quyền giả định vô tội đòi hỏi cơ quan tố tụng đối xử với nghi phạm như là người vô tội, mặc dù có sự nghi ngờ dựa trên những chứng cứ đáng tin cậy là người đó đã thực hiện hành vi phạm tội. Nguyên tắc giả định vô tội nghiêm cấm công chức nhà nước có hành vi, thái độ thể hiện rằng bị can, bị cáo phạm tội (mặc dù họ có thể chủ quan suy nghĩ người đó phạm tội).
Phân tích ở trên cho thấy ngữ nghĩa tiếng Việt của “suy đoán” và “giả định” khác nhau. Việc sử dụng cụm từ “suy đoán vô tội” là chưa chuẩn xác, có khả năng cao dẫn đến sự hiểu sai về bản chất của quyền. Cách dùng từ này khó thuyết phục được cơ quan điều tra và viện kiểm sát khi họ vốn tin vào việc phạm tội của bị can, bị cáo thông qua những bằng chứng thu thập được. Đứng về phía những cơ quan này, việc suy đoán có tội là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Suy đoán có tội là việc bình thường vì nếu không dựa vào chứng cứ để cho rằng nghi phạm có tội làm sao có cơ sở để khởi tố bị can. Trong khi đó, giả định có tội mới là việc bị cấm theo luật quốc tế và các hiến pháp. Do đó, nguyên tắc “presumption of innocence” cần được dịch là “giả định vô tội” mới sát nghĩa và tránh gây hiểu lầm. Việc hiểu đúng đắn về khái niệm này sẽ khiến các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận và thực hiện nguyên tắc này trên thực tế tốt hơn.
Các Hiến pháp Việt Nam 1992 và 2013 đã nội luật hóa khá chuẩn xác nguyên tắc “presumption of innocence” trong luật quốc tế. Các Hiến pháp đã chính xác khi dùng thuật ngữ “được coi” (đồng nghĩa vớí “được giả định”) khi diễn đạt quyền này. Thuật ngữ “suy đoán”, vốn là cách dịch chưa chuẩn xác và gây hiểu lầm, chủ yếu tồn tại trong các sách báo pháp lý khoa học. Tuy nhiên, đáng tiếc Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã “luật hóa” cách dịch chưa chính xác này bằng cách đặt tên Điều 10 là “Suy đoán vô tội”, mặc dù nội dung điều luật này rất đúng đắn. Có lẽ đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ghi nhận cụm từ này. Thiết nghĩ, vấn đề ngôn ngữ thường không quan trọng bằng nội dung, nhưng như đã phân tích ở trên, cách sử dụng thuật ngữ làm sai lệch bản chất có nguy cơ gây cản trở cho việc thực hiện đúng đắn nội dung.
3. Thực tiễn áp dụng “giả định vô tội” qua vụ thảm sát ở Bình Phước
Chỉ sau vài ngày vụ án diễn ra, cơ quan điều tra đã thu thập được những chứng cứ để có thể kết luận rằng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến là hai nghi can thực hiện hành vi giết 6 người và cướp tài sản tại Bình Phước. Dựa vào những thông tin mà cơ quan điều tra đã cung cấp cho báo chí, có lẽ đa số dân chúng tin rằng hai bị can Dương và Tiến phạm tội và phải chịu án tử hình. Và nếu không có gì bất thường xảy ra, lực lượng cảnh sát điều tra sẽ công bố kết luận điều tra để khẳng định điều đó. Nếu việc đi tìm sự thật khách quan của các vụ án hình sự vốn dĩ đơn giản, có lẽ thế giới văn minh đã không cần giai đoạn truy tố và xét xử. Theo đó, bị can sẽ bị thi hành án ngay sau khi điều tra. Trái lại, vì cuộc sống vốn phức tạp, quá trình điều tra vẫn chỉ là giai đoạn ban đầu nhằm đi tìm sự thật khách quan của vụ án.
Theo luật quốc tế và Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt Nam, quyền được giả định vô tội của bị can, bị cáo trong vụ án này cần được đảm bảo. Một khi chưa có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật khẳng định bị cáo phạm tội, các nghi phạm vẫn phải được hưởng quyền giả định vô tội. Vậy, quyền giả định vô tội đưa ra những đòi hỏi cụ thể nào liên quan đến vụ án này? Bài viết này tập trung vào việc đảm bảo quyền giả định vô tội ở giai đoạn điều tra (vốn là một giai đoạn trong nhiều giai đoạn tố tụng hình sự).
Các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) phải giả định rằng bị can, bị cáo vô tội cho đến khi tòa án bị thuyết phục rằng chắc chắn bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội (thể hiện qua việc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật). Nguyên tắc “giả định vô tội” có nghĩa là người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được tòa án rằng bị cáo đã phạm tội. Dựa trên những chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra có cơ sở để tin rằng hai bị can Dương và Tiến đã phạm tội, nhưng theo Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự, họ vẫn phải giả định hai bị can vô tội ở thời điểm này.
Đối với một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vậy, khi toàn xã hội đều chú ý vào diễn biến vụ việc, những phát ngôn báo chí của những người đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng cần rất cẩn trọng. Pháp luật Liên minh châu Âu đã có những hướng dẫn khá cụ thể. Theo đó, phát ngôn của các cơ quan tiến hành tố tụng không được phép khiến cho công chúng tin chắc rằng các nghi can chính là thủ phạm. Các cơ quan này cần tránh đưa ra những phát ngôn báo chí có khả năng dẫn đến những thành kiến lớn, làm ảnh hưởng đến sự công bằng của quy trình tố tụng. Các thông tin về vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng cần tránh làm tổn hại đến quyền được giả định vô tội của bị can, bị cáo.
Tuy vậy, theo những thông tin trên báo chí, dường như cơ quan điều tra chưa cẩn trọng về ngôn từ, khiến cho nguyên tắc giả định vô tội chưa được đảm bảo đầy đủ. Trong buổi họp báo ngày 11/7/2015, đại diện Bộ Công an cho rằng: “Với tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai nhận tội của các nghi can, cơ quan điều tra có đủ căn cứ khẳng định Dương và Tiến đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng”. Cơ quan điều tra không thể làm thay nhiệm vụ xét xử của tòa án. Có lẽ nên nói rằng: “cơ quan điều tra có đủ căn cứ để cáo buộc Dương và Tiến đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng”. Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định: “Trong vụ án này không thể có oan sai, bởi các chứng cứ về vật chất rất rõ ràng. Đến giờ cơ bản chúng tôi đã thu được tất cả tài liệu, chứng cứ, không còn vướng mắc như các vụ án khác”. Có lẽ việc khẳng định rằng vụ án không thể có oan sai nên là một nhận định nội bộ trong cơ quan điều tra mà không nên tuyên bố trước công chúng. Ngoài ra, một thiếu sót nữa là một số từ dùng để chỉ hai nghi can chưa phù hợp: “Hai hung thủ này chưa có tiền án, tiền sự và không có dấu hiệu nghiện. Trước khi gây án, chúng chỉ uống một ít rượu nhưng không ảnh hưởng đến vần đề thần kinh”. Nên thay “hung thủ” bằng “nghi can”, “nghi phạm” hoặc “bị can”; và cũng nên thay “chúng” bằng “họ”.
Bài viết đề xuất rằng cần quan niệm đúng đắn về bản chất của quyền giả định vô tội, vốn được dịch thuật một cách chưa chuẩn xác thành quyền suy đoán vô tội.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Suy đoán vô tội hay là giả định vô tội? Sự phù hợp khi sử dụng thuật ngữ “suy đoán” và “giả định”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập