1. Ý nghĩa của thị trường liên quan

Việc xác định được thị trường liên quan làm cơ sở quan trọng để các cơ quan thực thi luật kết luận một hành vi cụ thể là có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Nói cách khác, xác định thị trường liên quan là công đoạn đầu tiên trong chuỗi tác nghiệp thực thi Luật Cạnh tranh liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh. Luật Cạnh tranh đã đưa ra khái niệm về thị trường liên quan như sau: Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”.

Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận.

Điều 3 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định về thị trường liên quan cụ thể như sau:

“Điều 3. Thị trường liên quan

1. Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

2. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn”.

 

2. Sự thay thế cung cầu

Việc xác định thị trường liên quan phụ thuộc vào những sản phẩm nào trong thị trường nào có thể thay thế cho nhau. Trong trường hợp có 2 sản phẩm thay thế hoàn hảo cho nhau, nhà sản xuất sẽ không có sức mạnh thị trường, sẽ không khai thác tính độc quyền bằng việc tăng giá sản phẩm vì người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng sản phẩm thay thế.

Có hai khía cạnh của tính thay thế cho nhau:

  • Thay thế về cầu liên quan đến khả năng người sử dụng sản phẩm chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế.
  • Thay thế về cung liên quan đến khả năng người cung cấp sản phẩm tương tự sản xuất ra sản phẩm.

Cạnh tranh tiềm năng cũng là nhân tố rất quan trọng cần được tính đến trong thị trường liên quan. Một doanh nghiệp trên thị trường sẽ không thể hành động tùy tiện nếu các đối thủ cạnh tranh tiềm năng có thể dễ dàng tham gia thị trường. Tuy nhiên, cạnh tranh tiềm năng thường được xem xét không phải ở giai đoạn định nghĩa thị trường mà ở giai đoạn sau, cụ thể là khi xem xét vị trí của doanh nghiệp trên thị trường. Khi xác định thị trường liên quan, cần phải xem xét cả hai khía cạnh thay thế về cung và thay thế về cầu mặc dù trên thực tế các cơ quan cạnh tranh ở nhiều nước chủ yếu tập trung đánh giá sự thay thế về mặt cầu.

Đứng dưới góc độ của nền kinh tế trong việc xác định thị trường liên quan, sự thay thế về cầu tạo ra áp lực nhanh và hiệu quả nhất đối với các nhà cung cấp của một sản phẩm nhất định, nhất là trong việc định giá, xác định giá của sản phẩm trong thị trường. Một công ty hoặc một nhóm các công ty trên thị trường không thể có bất kỳ một tác động đáng kể nào đối với những điều kiện hiện chiếm ưu thế của việc bán hàng (như là tác động về giá cả) nếu khách hàng tiêu dùng của họ dễ dàng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế hoặc chuyển sang mua sản phẩm của các nhà cung cấp khác.

=> Như vậy ở đây ta có thể nhận thấy việc xác định thị trường liên quan là việc nhận dạng các nguồn cung cấp có thể thay thế hiệu quả đối với khách hàng của công ty cả về mặt sản phẩm/dịch vụ và cả về vị trí địa lý của nhà cung cấp. Sự thay thế về nguồn cung nói chung ít tạo ra sức ép trực tiếp như từ sự thay thế về cầu và trong bất kỳ trường hợp nào cần phân tích thêm những nhân tố bổ sung khác.

 

 3. Sự thay thế về cầu

3.1 Những cách xác định thay thế về cầu

Thay thế về cầu có thể hiểu là việc xác định đâu là sản phẩm mà người tiêu dùng cân nhắc làm sản phẩm thay thế. Trừ khi các sản phẩm là hoàn toàn đồng nhất, còn không sẽ không được coi là sản phẩm thay thế hòan hảo. Tuy nhiên, hầu hết mọi sản phẩm đều có sản phẩm thay thế cùng loại. Việc xác định sản phẩm thay thế phụ thuộc vào một số nhân tố như sau: 

  • Việc người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển sang dùng sản phẩm tương tự;
  • Một thời gian để người tiêu dùng thích ứng;
  • Sự giống nhau về chất lượng hoặc giá cả không;
  • Sản phẩm thay thế có sẵn (dễ mua).

Những vấn đề cần xác định nêu trên sẽ trở nên phức tạp trong một số trường hợp cụ thể như sau:

  • Chỉ có một nhóm người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế;
  • Có sản phẩm thay thế nhưng không thay thế cho tất cả công dụng của một sản phẩm.

Cách thức kiểm tra được quy định tại Khoản 5 của Điều 4 Nghị định số 116/2005/ NĐ-CP. Cụ thể là giả sử có một mức tăng giá nhẹ (hơn 10%) của một sản phẩm so với giá bán lẻ hiện tại và thời hạn tăng giá là 6 tháng liên tiếp (không phải là tăng giá quá độ). Sau đó, sẽ xem xét câu hỏi liệu việc tăng giá này có khiến cho khách hàng đang dùng sản phẩm đó chuyển sang dùng sản phẩm khác không, hoặc khách hàng có mua sản phẩm đó từ các nhà cung cấp ở những khu vực khác không.

 

3.2 Đặc tính và mục đích sử dụng

Đặc tính và mục đích sử dụng đã được diễn giải thêm trong Nghị định số 116/2005/ NĐ-CP và Nghị định số 35/2020/NĐ-CP. Việc xác định sự tương tự về đặc tính của sản phẩm đòi hỏi phải phân tích các yếu tố trong cấu tạo vật chất của sản phẩm như các yếu tố lý hoá, các tác dụng phụ đối với người sử dụng,… Bởi lẽ các sản phẩm không tương đồng nhau về những yếu tố trên thì không thể thay thế cho nhau, ví dụ các loại Vitamin không thể thay thế cho nhau bởi các thành phần dinh dưỡng, đặc tính vật lý, nguyên lý chuyển hoá chất khi sử dụng… của chúng không giống nhau. Việc xác định sự tương đồng về các yếu tố vật chất lý hoá của sản phẩm là khâu quan trọng hàng đầu trong việc điều tra thị trường liên quan trong trường hợp cần thiết làm cơ sở để cơ quan điều tra khoanh vùng các sản phẩm có khả năng nằm trong một vùng thị trường và thực hiện các bước điều tra tiếp theo. Theo Nghị định số 116/2005/NĐ-CP “hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hoá, dịch vụ đó có nhiều tính chất về vật lý, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP. 65 hoá học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng và khả năng hấp thụ giống nhau” .

 Các sản phẩm được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng, về đặc tính nếu như chúng có mục đích sử dụng, có nhiều tính chất vật lý, tính chất hoá học, tác động phụ với người sử dụng giống nhau. Nói cách khác, các sản phẩm được coi là cạnh tranh với nhau khi tính chất của nó giống nhau.

 

3.3 Chuỗi hoạt động thay thế

 Sự thay thế về cầu có thể trở nên phức tạp vì sự tồn tại của “chuỗi hoạt động thay thế”, khi mà B là sản phẩm thay thế của A và C là sản phẩm thay thế của B. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong thị trường địa lý cũng như thị trường sản phẩm.

 

3.4 Nhóm khách hàng riêng biệt

Khách hàng nói chung thường có những thiên vị riêng nhưng khi áp dụng định nghĩa thị trường phải công nhận một thực tế: một nhóm khách hàng có thể chuyển sang sử dụng một sản phẩm tương tự để phản ứng lại việc tăng giá, trong khi nhóm tiêu dùng khác là không thể.

 

3.5 Thị trường trong nền kinh tế mới

 Luật Cạnh tranh mà trước đây là Luật chống độc quyền ra đời từ thế kỷ 19 trên cơ sở bối cảnh và nền tảng kinh tế của thời kỳ đó. Hiện nay, sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã hình thành nên một khái niệm mới – nền kinh tế tri thức hay nền kinh tế mới. Nền kinh tế mới đặt ra rất nhiều vấn đề lớn và khó cho việc thực thi Luật Cạnh tranh. Một trong số đó là việc áp dụng các nguyên tắc thông thường của định nghĩa thị trường.

Định nghĩa thị trường trong nền kinh tế mới là một trở ngại trong thực thi luật, đặc biệt trong trường hợp sáp nhập, nơi mà các bên sáp nhập có thể hy vọng tạo ra những sản phẩm cải tiến mà những sản phẩm này chưa hề tồn tại trên thị trường.

 

3.6 Cấu trúc của cung cầu

Cấu trúc cung cầu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thị trường liên quan và cũng có thể tạo ra những sản phẩm đồng nhất trong các thị trường khác nhau.

 

4. Sự thay thế về cung

Nghị định số 116/2005/NĐ-CP cũng đề cập đến sự thay thế về cung như một yếu tố có thể tham khảo để xác định thuộc tính có thể thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ. Theo kinh nghiệm của châu Âu (vụ Continental Car) thì thị trường được xác định khi tham chiếu tới cả thay thế cung và cầu. Nếu nhà sản xuất của một sản phẩm dễ dàng chuyển sang sản xuất những sản phẩm khác thì cả hai sản phẩm đó có thể cùng nằm trong một thị trường. Khó khăn ở đây là việc phân biệt thay thế về cung với cạnh tranh tiềm năng.

 

5. Thị trường địa lý

Điều 7 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP miêu tả thị trường địa lý là một khu vực có các điều kiện cạnh tranh tương tự. Cách tiếp cận để xác định tính tương tự sẽ dựa vào chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển và sự hiện diện của các rào cản gia nhập như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp; chi phí đầu tư vào sản xuất, phân phối, xúc tiến thương mại hoặc khả năng tiếp cận với các nguồn cung cấp tài chính; quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước; các quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; các chuẩn mực nghề nghiệp; thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu và tập quán của người tiêu dùng.

Cách xác định thị trường địa lý có thể hiểu như sau: cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh sẽ xem xét sơ bộ phạm vi của thị trường địa lý trên cơ sở những chỉ số khái quát về phân phối thị phần giữa các nhà sản xuất và đối thủ của họ, cũng như phân tích sơ bộ việc định giá và sự khác biệt về giá ở các vùng, miền khác nhau. Thử nghiệm lý thuyết lại dựa trên sự thay thế nảy sinh từ thay đổi giá tương đối, và câu hỏi cần trả lời lần nữa là liệu khách hàng có chuyển sang sử dụng sản phẩm từ các doanh nghiệp ở vị trí địa lý khác trong thời gian ngắn và tại mức chi phí không thay đổi đáng kể không. Nếu cần thiết, sẽ tiến hành kiểm tra kỹ hơn các nhân tố cung cấp để đảm bảo rằng những doanh nghiệp có trụ sở ở các khu vực khác không đối mặt với những cản trở trong việc phát triển doanh thu qua toàn bộ thị trường địa lý. Phân tích này sẽ bao gồm việc kiểm tra đối với từng rào cản gia nhập đã nêu ở trên. Tóm lại, cần xác minh những khó khăn của các doanh nghiệp tại một khu vực xác định so với sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài khu vực đó, để quyết định ranh giới địa lý của thị trường.

Luật LVN Group (tổng hợp)