Thôn tính, sự thôn tín, cuộc thôn tính (takeover) là sự sáp nhập hai hay nhiều doanh nghiệp, nhưng khác với sự hợp nhất (merger) ở chỗ nó không được thực hiện trên cơ sở nhất trí giữa các doanh nghiệp, mà thường diễn ra dưới hình thức một doanh nghiệp mua toàn bộ một hay nhiều doanh nghiệp khác, cho dù không có sự nhất trí hoàn toàn của doanh nghiệp bị mua. Đối với các Công ty có cổ phiếu được mua bán công khai trên thị trường chứng khoán, điều này thường xảy ra dưới hình thức một công ty mua được số cổ phiếu kiểm soát (mặc dù về cơ bản công ty mua muốn mua tất cả cổ phiếu) của công ty khác.

Có ba dạng thôn tính chủ yếu:

(a) thôn tính ngang, trong đó công ty thôn tính cạnh tranh trực tiếp với công ty bị thôn tính trên cùng một thị trường;

(b) thôn tính dọc, trong đó công ty thôn tính quan hệ với công ty bị thôn tính theo kiểu nhà cung cấp – khách hàng; và

(c) thôn tính hỗn hợp, trong đó công ty thôn tính và Công ty bị thôn tính hoạt động trên những thị trường không có quan hệ gì với nhau, và vì vậy sau khi thôn tính, công ty mới có thể đa dạng hoá hoạt động của mình.

Đứng trên quan điểm của doanh nghiệp, sự thôn tính có thể đem lại lợi thế về chi phí sản xuất và phân phối, phạm vi hoạt động (mở rộng hay chuyển sang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mới). Xét về ảnh hưởng rộng rãi hơn tới diễn biến của các quá trình thị trường, thì một mặt sự thôn tính thúc đẩy việc đạt được hiệu quả cao hơn trong sử dụng nguồn lực, nhưng mặt khác, nó có thể làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực do làm giảm cạnh tranh. Việc một hành vi thôn tính cụ thể có lợi hay không đòi hỏi phải đánh giá những lợi ích đôi khi xung đột nhau của cổ đông, giám đốc, người lao động, chủ nợ và khách hàng. Tóm lại, sự thôn tính có thể có lợi hoặc có hại.