1. Thủ khoa là gì?
Ở thời phong kiến xưa, thủ khoa là thuật ngữ dùng để chỉ người đỗ đầu trong khoa thi hương. Ngày nay, thủ khoa là danh hiệu dành cho những người đứng đầu các kỳ thi có quy mô lớn, trên phạm vi toàn quốc hoặc những sinh viên, học viên có thành tích xuất sắc nhất của một khóa, một ngành sau khi tốt nghiệp chương trình học của mình.
Cụ thể, khái niệm thủ khoa ngày nay được sử dụng và được chia thành hai loại bao gồm: Thủ khoa đầu vào và thủ khoa đầu ra. Song trên thực tế, khi nhắc đến thuật ngữ thủ khoa, người ta sẽ thường chỉ nghĩ nhiều đến danh hiệu thủ khoa đầu vào. Đây là danh hiệu dành cho thí sinh có điểm số cao nhất trong kỳ thi kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia hiện nay. Còn thủ khoa đầu ra thực chất là danh hiệu dành cho các sinh viên, học viên có điểm tổng kết tốt nghiệp cao nhất khi tốt nghiệp của một trường đại học, cao đẳng hoặc học viện nào đó.
Ví dụ: Thủ khoa khối A toàn quốc kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2022; Thủ khoa đầu vào ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội; Thủ khoa đầu ra khóa 43 Trường Đại học Luật Hà Nội; …
Ngoài ra, trong các kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay, người ta cũng có danh hiệu thủ khoa đầu vào hay thủ khoa lớp 10 dành cho từng trường, hoặc trong kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia, … cũng có danh hiệu thủ khoa cho thí sinh đạt điểm cao nhất và thí sinh đó sẽ được gọi là thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia, …
Việc lựa chọn thủ khoa phải dựa trên tiêu chí công bằng về điểm số (đối với các kỳ thi), thành tích cũng như hoạt động ngoại khóa của mỗi người (đối với thủ khoa đầu ra của các chương trình, khóa học).
2. Cách xác định thủ khoa
Như đã đề cập ở phần trên, việc lựa chọn thủ khoa ngày nay phải dựa trên tiêu chí công bằng về điểm số (đối với các kỳ thi), thành tích cũng như hoạt động ngoại khóa của mỗi người (đối với thủ khoa đầu ra của các chương trình, khóa học). Theo đó:
- Đối với thủ khoa đầu vào đại học, thủ khoa đầu vào lớp 10 hay thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực, thì việc lựa chọn dựa trên tiêu chí công bằng, đó là bằng tổng điểm 03 môn thi của khối thi cộng lại (hay còn gọi là điểm trần) hoặc tổng điểm của bài thi, mà không lựa chọn thí sinh có điểm thi cao nhất nhờ vào điểm ưu tiên, điểm thưởng.
- Còn đối với danh hiệu thủ khoa đầu ra, việc lựa chọn thủ khoa phải dựa trên bảng điểm tổng kết toàn khóa của tất cả sinh viên, học viên thuộc khóa đó. Đồng thời có thể bổ sung thêm các tiêu chí phụ như số tín chỉ tối thiểu (hay tối đa), số tín đã học hay thi lại, các thành tích và hoạt động ngoại khóa khác, … để làm tiêu chí lựa chọn ra thủ khoa đầu ra toàn khóa học của các trường đại học, cao đẳng hoặc học viện.
3. Lợi ích của việc trở thành thủ khoa
Có thể thấy, việc trở thành thủ khoa đầu vào của các trường đại học, cao đẳng hay học viện giúp thí sinh nhận được khá nhiều “đặc quyền” đến từ nhà trường như: Được nhận học bổng (hoặc tiền thưởng), nhận giấy khen, được tuyên dương trước toàn trường trong buổi lễ khai giảng, … Bên cạnh đó, các thí sinh cũng có thể được tuyên dương ở trường trung học đã từng theo học trước đó, cũng như được tuyên dương tại địa phương nơi các thí sinh sinh sống. Đồng thời, tùy vào từng địa phương, từng nhà trường mà các mức thưởng, quà tặng dành cho tân thủ khoa có thể sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ, những ưu đãi đối với thủ khoa đầu vào để các sinh viên là thủ khoa có thể tiếp tục yên tâm học tập, phát huy khả năng và thành tích của mình.
Tương tự như thủ khoa đầu vào, thì việc trở thành thủ khoa đầu ra của các trường đại học, cao đẳng hay học viện cũng giúp các sinh viên, học viên được hưởng những “đặc quyền” khá lớn. Theo đó, bên cạnh giấy khen, bằng khen và tiền thưởng, cũng như được tuyên dương trong buổi lễ bế giảng, các bạn thủ khoa đầu ra sẽ có cơ hội được các doanh nghiệp, công ty lớn biết đến, có cơ hội việc làm rộng mở hơn, đồng thời cũng có thể được tuyên dương, khen ngợi ở địa phương nơi các bạn sinh sống.
4. Thủ khoa ngày xưa làm gì?
Lịch sử khoa cử nước ta bắt đầu vào năm 1075, khi vua Lý Nhân Tông cho mở kỳ thi đầu tiên lấy tên là “Minh kinh bác học và nho học tam trường”. Tại kỳ thi này, triều đình nhà Lý lấy đỗ 20 người. Người đỗ đầu kỳ thi (thủ khoa) là Lê Văn Thịnh, quê huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Thủ khoa ngày xưa hầu hết đều ra làm quan cho triều đình sau khi đỗ đạt. Ban đầu, Lê Văn Thịnh là thầy dạy của vua, sau đó thăng dần tới các chức quan khác nhau như nội cấp sự, thị lang bộ binh rồi cuối cùng là thái sư – chức quan đứng đầu triều đình. Là vị thủ khoa đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà, Lê Văn Thịnh có nhiều đóng góp cho dân tộc trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là việc ông đòi lại cho nhà Lý vùng đất gồm 06 huyện và 03 động thuộc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) do nhà Tống chiếm giữ.
Sau Lê Văn Thịnh, thủ khoa nổi tiếng thứ hai là Nguyễn Quán Quang – người được khắc tên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với tư cách trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Nguyễn Quán Quang cũng là người Bắc Ninh. Ông đỗ trạng nguyên vào năm 1246. Dù năm 1247 triều đình nhà Trần mới chính thức lấy danh hiệu trạng nguyên, Nguyễn Quán Quang vẫn được suy tôn là trạng nguyên đầu tiên vì ông đỗ đầu ở kỳ thi trước đó chỉ một năm. Cũng như Lê Văn Thịnh, sau khi đỗ đầu, Nguyễn Quán Quang đã có nhiều đóng góp to lớn cho triều Trần. Ông từng “đuổi giặc Mông Cổ chỉ bằng một viên đá” và làm quan đến chức tể tướng.
Một người đặc biệt nữa phải kể đến đó là thủ khoa trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà – Nguyễn Hiền. Ông quê ở xã Nam Trực, huyện Nam Thắng, tỉnh Nam Định ngày nay. Sinh năm 1234, Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên năm 1247 khi mới chỉ 13 tuổi. Đây chính là kỳ thi đầu tiên trong lịch sử nước ta, triều đình định ra chế Tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Vì đỗ trạng lúc còn quá bé, Nguyễn Hiền được vua Trần Thái Tông cho về nhà 3 năm tu dưỡng, chờ khi lớn ra làm quan cho triều đình. Sau này, ông ra làm thượng thư bộ công, nhưng tiếc là nhân tài mệnh yểu, ông mất khi mới 21 tuổi.
Đó là ba trong rất nhiều người đỗ đầu mà nền giáo dục nước nhà từng sản sinh ra bên cạnh những kỳ tài như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, … Điểm chung của họ là đều đỗ thủ khoa và về sau đều trở thành rường cột của nước nhà.
Có thể thấy, lịch sử khoa bảng nước ta từ năm 1075 đến 1919 có tổng cộng 184 kỳ thi, tương đương 184 người đỗ đầu. Trong đó, 54 người đạt danh hiệu trạng nguyên, 2.785 người đỗ tiến sĩ. Theo quy chế thi cử, tất cả người đỗ đạt sẽ được triều đình bổ nhiệm làm quan. Trong đó, thủ khoa thường giữ những chức vụ cao. Gần như tất cả 184 thủ khoa đều làm quan trong triều. Nhiều người được triều đình trọng dụng, giữ chức vụ rất cao, tiêu biểu như các thủ khoa Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quán Quang, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Vũ Kiệt, …
Và chỉ có một số ít thủ khoa, người đỗ đạt không ra làm quan, tiêu biểu như cụ Nguyễn Khuyến, hoặc một số người vì những lý do khác nhau đã cáo quan về ở ẩn, mở trường dạy học như trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trên đây là toàn văn bài viết của Luật LVN Group về thủ khoa là gì? Thủ khoa được xác định như thế nào? Hi vọng chúng tôi đã mang đến những thông tin hữu cho các bạn. Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn.