1. Thư tín dụng là gì ?

L/C là gì? Thư tín dụng ( Letter of Credit – L/C) hay tín dụng thư là thư do ngân hàng phát hành, theo yêu cầu của người nhập khẩu, cam kết với người bán về việc thanh toán một khoản tiền nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu người bán xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ, đúng theo quy định trong L/C.

Tóm lại, L/C là thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền cho người xuất khẩu. Các đối tác ký kết hợp đồng thường có trụ sở ở những quốc gia khác nhau nên giữa các bên vẫn tồn tại sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, phương thức tín dụng chứng từ giúp hai bên yên tâm về quyền lợi của mình. Thông qua hình thức này, người nhập khẩu áp dụng những chuẩn mực thanh toán quốc tế (hiện hành là: UCP 600 – các quy tắc và thực hành thống nhất về Tín dụng thư từ do Phòng thương mại quốc tế phát hành).

 

2. Thư tín dụng dự phòng (STANDBY LETTER OF CREDIT) là gì ?

Thư tín dụng dự phòng là tín dụng thư thể hiện một khoản nợ bởi ngân hàng phát hành đối với bên thứ ba được chỉ định (Bên hưởng lợi) phụ thuộc vào việc khách hàng của ngân hàng không thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng với bên hưởng lợi. Cũng được gọi là cam kế thực thi. Thư tín dụng dự phòng thường được sử dụng để khuyến khích tín dụng, với hiểu biết rằng, trong đa số trường hợp nó sẽ không bao giờ được rút hay được cấp vốn.

 

3. Các bên tham gia trong thư tín dụng – L/C

– Applicant (người yêu cầu mở L/C): Chính là người mua hàng hay nhà nhập khẩu

– Beneficiary (Người hưởng lợi/thụ hưởng L/C ): Chính là người xuất khẩu (Shipper/Exporter)

–  Issuing or Opening Bank (Ngân hàng phát hành/Ngân hàng mở L/C ): là Bank đại diện cho nhà nhập khẩu/ người mua. Đây là ngân hàng bên nước NK

– Advising Bank hay Notifying bank (Ngân hàng thông báo L/C): Thường là chi nhánh hoặc một ngân hàng có quan hệ với ngân hàng bên mở L/C. Ngân hàng này chỉ đóng vai trò thông báo cho Người hưởng lợi là L/C đã được mở tại ngân hàng phát hành cho người thụ hưởng theo các điều kiện của L/C.
Lưu ý: Ngân hàng này chỉ có chức năng thông báo, không có chức năng/nghĩa vụ thanh toán.

– Confirming Bank (Ngân hàng xác nhận ): Vai trò của ông này là ngân hàng xác nhận trách nhiệm của mình sẽ cùng ngân hàng mở L/C để đảm bảo việc trả tiền cho người bán trong trường hợp ngân hàng mở L/C không có đủ khả năng thanh toán. Bank này có thể là ngân hàng phát hành yêu cầu chỉ định.

– Negotiating Bank (Ngân hàng chiết khấu/ngân hàng thương lượng thanh toán): Là ngân hàng được yêu cầu, chỉ định chiết khấu hối phiếu.

– Reimbursing or Paying Bank (Ngân hàng trả tiền): Có thể là ngân hàng mở L/C hoặc có thể là một bank khác mà ngân hàng mở L/C chỉ định thay mình trả tiền nhà xuất khẩu hay chiết khấu hối phiếu. (trường hợp này Bank số 7 này và số 3 có vai trò như nhau)

Đối với Confirming Bank, Negotiating Bank và Reimbursing or Paying Bank này có thể có hoặc không tùy thuộc vào yêu cầu của người mở L/C (là người mua hàng) trong đơn xin mở L/C + Ngân hàng mở L/C chỉ định.

 

4. Điều kiện để thanh toán bằng thư tín dụng

Nếu nhà nhập khẩu muốn yêu cầu ngân hàng mở L/C thì bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Nguồn vốn đảm bảo thanh toán L/C

Trong hợp đồng đối với điều khoản thanh toán bằng LC, khách hàng cần quy định và xem xét thật kỹ về nguồn vốn để thanh toán LC cho mình và yêu cầu NHCTVN mở:

– L/C phát hành bằng nguồn vốn tự có, khách hàng phải ký quỹ 100%;

– L/C phát hành bằng vốn tự có, khách hàng không ký quỹ đủ 100% hoặc có yêu cầu miễn, giảm mức ký quỹ. Lúc này, khách hàng sẽ phải liên hệ với bộ phận tín dụng thẩm định nghiên cứu xem xét và được giám đốc hoặc người được giám đốc ủy quyền phê duyệt;

– L/C phát hành bằng vốn vay của NHCTVN, khách hàng liên hệ với bộ phận tín dụng thẩm định để được xem xét.

Yêu cầu mở L/C

Để có thể yêu cầu mở L/C, bạn phải điền đầy đủ các thông tin vào mẫu đơn yêu cầu mở L/C. Hồ sơ bao gồm:

 Đơn yêu cầu mở LC.

– Quyết định thành lập doanh nghiệp (đối với các doanh nghiệp lần đầu thực hiện giao dịch).

– Giấy đăng ký kinh doanh (đối với các doanh nghiệp lần đầu thực hiện giao dịch).

– Đăng ký mã số xuất nhập khẩu – nếu có (đối với các doanh nghiệp lần đầu thực hiện giao dịch).

– Bản gốc hợp đồng ngoại thương (nếu ký hợp đồng qua FAX thì phải ký và đóng dấu trên bản photo).

– Hợp đồng nhập khẩu ủy thác (nếu có).

– Giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương Mại (trong trường hợp mặt hàng nhập khẩu thuộc danh mục quản lý quy định tại Quyết định điều hành xuất nhập khẩu hàng năm của Thủ tướng Chính phủ).

– Cam kết thanh toán, hợp đồng tín dụng (trong trường hợp vay vốn), công văn phê duyệt cho mở LC trả chậm của NHCTVN (trong trường hợp mở LC trả chậm).

– Hợp đồng mua bán ngoại tệ (nếu có).

– Bản giải trình mở LC do phòng tín dụng của chi nhánh lập và được giám đốc chi nhánh hoặc người được giám đốc ủy quyền phê duyệt (trường hợp ký quỹ dưới 100% trị giá LC).

Các loại giấy tờ trên phải nộp bản photo có đóng dấu treo của doanh nghiệp và xuất trình bản gốc. Còn đối với các giấy tờ sau bắt buộc phải nộp bản gốc:

– Cam kết thanh toán.

– Hợp đồng vay vốn.

– Hợp đồng mua bán ngoại tệ.

– Đơn xin mở LC của khách hàng.

– Bản giải trình mở LC.

 

5. Quy trình thanh toán bằng L/C 

LC được hiểu là một bức thư do ngân hàng đại diện của người nhập khẩu (bên mua) lập ra theo yêu cầu của người nhập khẩu (bên mua) cam kết sẽ trả một số tiền nhất định cho bên bán tại một thời điểm cụ thể, nếu người bán xuất trình bộ chứng từ thanh toán phù hợp với các điều khoản được nêu trong thư tín dụng.

Bên bán cũng có một ngân hàng đại diện cho mình và bên bán sẽ chuyển bộ chứng từ hợp lệ này cho ngân hàng đại diện của mình tại quốc gia xuất khẩu.

Như vậy người mua, người bán và ngân hàng là những cá thể tham gia vào quá trình thanh toán bằng LC. LC được viết tắt bởi từ Letter of Credit. Ngoài ra để nhấn mạnh đến thanh toán mà ngân hàng sẽ giữ bộ chứng từ người ta còn có tên gọi khác là Documentary Letter of Credit để nhấn mạnh đến chứng từ và phương thức thanh toán.

Vậy quy trình thanh toán bằng L/C sẽ được diễn ra như sau:

Bước 1: Nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu tiến hành ký kết hợp đồng ngoại thương, trong đó quy định thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ (LC).

Bước 2: Căn cứ vào hợp đồng ngoại thương đã ký, Nhà nhập khẩu gửi đơn yêu cầu mở thư tín dụng đến Ngân hàng phát hành và tiến hành ký quỹ (nếu có). Ký quỹ có thể 100% hoặc  dưới 100% tùy mức độ uy tín của doanh nghiệp theo đánh giá của Ngân hàng nơi mở LC.

Bước 3: Ngân hàng phát hành thư tín dụng sẽ xem xét hồ sơ mở LC, nếu hợp lệ sẽ phát hành thư tín dụng qua Ngân hàng thông báo cho Người Xuất khẩu hưởng lợi.

Bước 4: Ngân hàng đại lý sẽ tiến hành thông báo thư tín dụng và chuyển bản gốc thư tín dụng cho Người hưởng lợi (người xuất khẩu).

Bước 5: Nhà xuất khẩu tiến hành kiểm tra LC, đến thời gian giao hàng theo quy định, nhà xuất khẩu tiến hành giao hàng cho nhà nhập khẩu.

Bước 6: Nhà xuất khẩu xuất trình chứng từ cho ngân hàng thông báo để gửi cho ngân hàng phát hành LC.

Bước 7: Ngân hàng thông báo sau khi đã kiểm tra chứng từ thì chuyển bộ chứng từ do nhà nhập khẩu chuyển sang để ngân hàng mở LC xem xét trả tiền. Bộ chứng từ thông thường được gửi qua đường chuyển phát nhanh từ ngân hàng bên xuất khẩu đến ngân hàng bên nhập khẩu.

Bước 8: Ngân hàng phát hành kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra bộ chứng từ cho người yêu cầu.

Bước 9: Người yêu cầu sau (người nhập khẩu) sau khi được thông báo về chứng từ nếu trường hợp chứng từ có sự khác biệt đề nghị tu chỉnh hoặc chấp nhận thanh toán đồng thời nhận bộ chứng từ để đi nhận hàng.

Bước 10: Ngân hàng phát hành yêu cầu Ngân hàng thông báo thanh toán tiền cho Nhà xuất khẩu (người thụ hưởng)

Bước 11: Ngân hàng phát hành tiến hành chính thức ghi có trong tài khoản của người hưởng lợi.

 

6. Án lệ về thanh toán thư tín dụng

Theo án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị huỷ bỏ

Án lệ số 13/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tại đơn khởi kiện đề ngày 15-9-2011, đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung ngày 22-9-2011 và quá trình tố tụng, nguyên đơn do bà Mai Thị Tuyết N – người đại diện hợp pháp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên A trình bày:

Ngày 07-6-2011, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên A (gọi tắt là Bên mua, Công ty A) và Công ty B (gọi tắt là Bên bán) có ký hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế số FARCOM/RCN/IVC/036/2011 ngày 07-6-2011 (gọi tắt là Hợp đồng mua bán ngày 07-6-2011). Theo nội dung Hợp đồng mua bán ngày 07-6-2011, Bên mua mua hạt điều thô nguồn gốc lvory Coast, số lượng là 1000 tấn x 1.385,50 USD/tấn theo phương thức thanh toán 98% L/C trả chậm trong vòng 90 ngày kể từ ngày giao hàng dựa trên vận tải đơn (B/L) theo tiêu chuẩn chất lượng như sau:

– Thu hồi 47 lbs/80kg và có quyền từ chối nhận hàng khi thu hồi dưới 45 lbs/80kg.

– Hạt: số hạt tối đa là 205/kg. Từ chối là 220 hạt/kg.

– Độ ẩm tối đa là 10%. Từ chối độ ẩm là trên 12%.

Hàng hóa sẽ được Vinacontrol giám định chất lượng và khối lượng tại thời điểm giao hàng tại Cảng đến là Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (L/C) trả chậm trong vòng 90 ngày, nên ngày 07-7-2011, Bên mua đã yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần E chi nhánh Đ mở L/C trả chậm số 1801ILUEIB110002 (sau đây gọi tắt là L/C số 1801) để Bên mua hoàn thiện thủ tục mua lô hàng từ Bên bán.

Sau khi nhận hàng, theo Điều 8 của Hợp đồng, Bên mua đã kiểm tra lại chất lượng và khối lượng lô hàng tại Cảng dỡ hàng là Cảng Cát Lái Thành phố Hồ Chí Minh với sự giám sát của Vinacontrol thì phát hiện hàng hóa của Bên bán không đảm bảo chất lượng. Cụ thể theo hai chứng thư của Vinacontrol số 11G04HN05957-01 và số 11G04HN05939-01 ngày 31-8-2011 giám định về khối lượng, phẩm chất và tình trạng hàng hóa thì kết quả giám định thể hiện tỷ lệ bình quân nhân thu hồi hạt điều cho hai lần cắt mẫu hạt điều là 37,615 1bs/80kg (tỷ lệ này quá thấp so với điều kiện để từ chối gần 10 1bs). Trước sự việc gian lận thương mại đó, Bên mua đã nhiều lần cố gắng liên lạc với Bên bán để giải quyết vấn đề phát sinh về chất lượng lô hàng hạt điều nhập khẩu nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Bên bán.

Do đó, ngày 15-9-2011 Bên mua nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Tòa án buộc Bên bán nhận lại lô hàng hạt điều 1.000 tấn vì chất lượng nhân thu hồi nằm trong điều kiện từ chối nhận hàng của Hợp đồng là dưới 45 lbs, không đồng ý thanh toán tiền mua hàng, đồng thời yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần E tạm ngưng thanh toán cho Bên bán số tiền 1.313.308,85 USD của L/C số 1801 theo cam kết thanh toán của Bên mua cho đến khi có quyết định khác của Tòa án.

Ngày 12-8-2013 Bên mua đã đóng tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu khởi kiện bổ sung là yêu cầu hủy bỏ Hợp đồng mua bán ngày 07-6-2011, đồng thời yêu cầu hủy bỏ L/C số 1801.

Tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 29/2015/QĐPT-KDTM ngày 26-8-2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 40/2014/TLKDTM-PT ngày 18-8-2014 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.

 2. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 356/2014/KDTM-ST ngày 07-4-2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 26-8-2015.

Ngoài ra, Tòa án còn quyết định về án phí.

Ngày 10-9-2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần E có đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. 

Tại Quyết định số 11/2016/KN-KDTM ngày 07-3-2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại số 29/2015/QĐPT-KDTM ngày 26-8-2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 29/2015/QĐPT-KDTM ngày 26-8-2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 356/2014/KDTM-ST ngày 07-4-2014 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật. Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề về Thư tín dụng (STANDBY LETTER OF CREDIT). Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng cảm ơn!