Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Câu hỏi của bạn được chúng tôi nghiên cứu và trả lời cụ thể như sau:
Căn cứ pháp lý:
– Luật doanh nghiệp 2020;
– Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010;
– Nghị định 73/2016/NĐ-CP;
1. Chia doanh nghiệp
Chia doanh nghiệp là một loại hình tổ chức lại doanh nghiệp được pháp luật quy định áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, theo đó Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.
Để chia doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần cần có một trong các điều kiện sau:
– Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;
– Kết hợp cả hai trường hợp kể trên.
Khi đủ điều kiện chia doanh nghiệp, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thỏa thuận, thông qua nghị quyết chia công ty.
Sau khi chia xong thì công ty bị chia chấm dứt sự tồn tại và các công ty được chia bắt đầu hoạt động. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.
Khi các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả, thì chủ nợ có quyền yêu cầu một trong các công ty mới được thành lập từ công ty bị chia thanh toán. Công ty được yêu cầu phải thanh toán khoản nợ đến hạn đó, đồng thời có quyền yêu cầu các công ty còn lại hoàn trả lại phần tương ứng mà họ phải gánh chịu.
2. Tách doanh nghiệp
Tách doanh nghiệp được coi là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Tách doanh nghiệp được hiểu là việc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
– Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.
– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.
– Kết hợp cả hai trường hợp trên.
3. Hợp nhất doanh nghiệp
Hợp nhất doanh nghiệp là hình thức mà một số công ty (công ty bị sáp nhập) có thể hợp nhất thành một công ty mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt sự hoạt động của các công ty bị hợp nhất.
Sau khi đăng ký doanh nghiệp, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.
– Trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty bị hợp nhất phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
– Cấm các trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
4. Sáp nhập doanh nghiệp
Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức mà một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập. Công ty bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại sau khi bị sáp nhập.
Sau khi đăng ký doanh nghiệp, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.
5. Điều kiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm
Điều 22 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải bảo đảm:
– Không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người lao động và Nhà nước;
– Tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan;
– Có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính (không áp dụng đối với trường hợp chuyển nhượng dưới 10% vốn điều lệ);
– Tổ chức, cá nhân dự kiến góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định 73/2016/NĐ-CP (tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp);
– Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hình thành sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định 73/2016/NĐ-CP (tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp được thành lập sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp).
6. Thủ tục chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp bảo hiểm
* Hồ sơ đề nghị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp từ 10% vốn điều lệ trở lên bao gồm:
– Văn bản đề nghị được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;
– Văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp;
– Báo cáo về phương án phân chia, xử lý hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ với Nhà nước, cam kết với người lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua, bán, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
– Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) góp vốn, vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hình thành sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp;
– Bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc về hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng (trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng);
– Ý kiến của cơ quan thẩm định giá, trong đó nêu rõ việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cổ phần hoặc định giá phần vốn góp (đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập); xác định giá trị tài sản phân chia cho các bên (đối với trường hợp chia, tách);
– Bản sao công chứng báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho 03 năm liền kề trước năm đề nghị hợp nhất, sáp nhập của tổ chức sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
– Các tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân góp vốn, người quản trị điều hành và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập sau khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
– Doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng không phải nộp các tài liệu sau:
+ Danh sách cổ đông (hoặc thành viên) góp vốn, vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hình thành sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp;
+ Bản sao công chứng hợp đồng nguyên tắc về hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng.
+ Các tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân góp vốn, người quản trị điều hành và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập sau khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức đáp ứng các quy định về tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
* Thời gian giải quyết:
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chia tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp theo phương án đã được chấp thuận, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện. Doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần niêm yết và đại chúng nộp các tài liệu quy định tại điểm d, điểm đ và điểm h khoản 1 Điều 22 Nghị định 73/2016/NĐ-CP. Trường hợp không thực hiện được phương án đã được chấp thuận, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính phương án xử lý.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm về kết quả thực hiện phương án chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức, Bộ Tài chính cấp Giấy phép hoặc Giấy phép điều chỉnh.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.