Luật sư tư vấn:

1. Ngân hàng thương mại là gì? Ngân hàng thương mại cổ phần là gì?

Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Ngân hàng thương mại cổ phần là loại hình ngân hàng thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

 

2. Điều kiện cấp Giấy phép ngân hàng thương mại cổ phần

Căn cứ quy định tại Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định (Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP, mức vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng)

Thứ hai, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Thứ ba, người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;

Thứ tư, có điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Thứ năm, có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

 

3. Điều kiện về cổ đông sáng lập:

Trong đó điều kiện về cổ đông sáng lập quy định tại khoản 2 Thông tư 40/2011/TT-NHNN được sửa đổi tại Thông tư 17/2018/TT-NHNN như sau:

Một là, không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác;

Hai là, Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập;”.

Ba là, cổ đông sáng lập là cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Mang quốc tịch Việt Nam;

+ Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

+ Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân để góp vốn;

+ Là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoặc có bằng đại học, trên đại học chuyên ngành kinh tế hoặc luật;.

Bốn là, cổ đông sáng lập là tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

+ Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay, của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;

+ Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Kinh doanh có lãi trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

+ Trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề thời điểm gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp là tổ chức được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;

+ Trường hợp là ngân hàng thương mại: Có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép; Không vi phạm các tỷ lệ về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép; Tuân thủ điều kiện, giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 103 Luật các tổ chức tín dụng; Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần.

 

4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần

Căn cứ quy định tại Điều 15 Thông tư 40/2011/TT-NHNN hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động như sau:

 

4.1. Hồ sơ nộp trước khi có văn bản chấp thuận nguyên tắc

Thứ nhất, thành phần hồ sơ tại Điều 14 Thông tư 40/2011/TT-NHNN gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại do các cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 02a Thông tư này.

+ Dự thảo Điều lệ.

+ Đề án thành lập ngân hàng thương mại, bao gồm tối thiểu các nội dung sau: Sự cần thiết thành lập ngân hàng thương mại; Tên ngân hàng thương mại, tên tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến đặt trụ sở chính, thời gian hoạt động, vốn điều lệ khi thành lập, nội dung hoạt động; Năng lực tài chính của các cổ đông góp vốn thành lập, thành viên góp vốn; Sơ đồ tổ chức và mạng lưới hoạt động của ngân hàng dự kiến trong 03 năm đầu tiên; Danh sách nhân sự dự kiến trong đó mô tả chi tiết trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và quản trị rủi ro đáp ứng được các yêu cầu của từng vị trí, chức danh; Chính sách quản lý rủi ro; Công nghệ thông tin; Khả năng đứng vững và phát triển của ngân hàng trên thị trường: Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ:

+ Tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến: Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định; lý lịch tư pháp (hoặc văn bản tương đương) theo quy định của pháp luật;Bản sao có chứng thực các văn bằng chứng minh trình độ chuyên môn; Các tài liệu khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật; Trường hợp người dự kiến được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) không có quốc tịch Việt Nam, ngoài các văn bản nêu trên, phải có văn bản cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cư trú và làm việc tại Việt Nam.

+ Biên bản cuộc họp cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập hoặc văn bản của chủ sở hữu về việc lựa chọn Ban trù bị, Trưởng Ban trù bị, thông qua dự thảo Điều lệ, đề án thành lập ngân hàng và danh sách các chức danh quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến.

Thứ hai, danh sách các cổ đông sáng lập và dự kiến danh sách các cổ đông góp vốn thành lập theo mẫu quy định.

Thứ ba, hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập:

+ Đối với cá nhân: Đơn mua cổ phần đối với cá nhân theo mẫu quy định; Bảng kê khai người có liên quan theo mẫu quy định; Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 Thông tư này; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (Phiếu lý lịch tư pháp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 tháng); Báo cáo tài chính 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp do cổ đông sáng lập quản lý hoặc Bản sao văn bằng đại học hoặc trên đại học chuyên ngành kinh tế hoặc luật; Bảng kê khai các loại tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, các khoản nợ và tài liệu chứng minh liên quan của cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 07 Thông tư này;”

+ Đối với tổ chức: Đơn mua cổ phần theo mẫu quy định; Bảng kê khai người có liên quan theo mẫu quy định tại; Giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản tương đương; Văn bản ủy quyền người đại diện vốn góp tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; Điều lệ tổ chức và hoạt động; Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp của tổ chức tại ngân hàng; Sơ yếu lý lịch của người đại diện vốn góp theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 Thông tư này; Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư này; Báo cáo tài chính 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đã được kiểm toán độc lập bởi công ty kiểm toán thuộc danh sách các tổ chức kiểm toán đã được Bộ Tài chính công bố đủ tiêu chuẩn kiểm toán doanh nghiệp và các báo cáo tài chính này không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán; Bảng xác định khả năng về tài chính để góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục 08 Thông tư này; Văn bản của cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội của tổ chức.

 

4.2. Hồ sơ nộp sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc

Thứ năm, sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc, Ban trù bị phải nộp bổ sung các văn bản sau:

+ Điều lệ tổ chức và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua;

+ Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu tiên;

+ Biên bản họp Hội đồng quản trị thông qua các nội dung về việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị; Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu chức danh Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát chuyên trách;

+ Quyết định của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng;

+ Danh sách các cổ đông góp vốn thành lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 Thông tư này;

+ Văn bản của một ngân hàng thương mại nơi Ban trù bị mở tài khoản góp vốn xác nhận số tiền góp vốn của các cổ đông góp vốn thành lập;

+ Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp trụ sở chính của ngân hàng thương mại cổ phần;

+ Các Quy định nội bộ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần quy định tại điểm i khoản 3 Điều 14 Thông tư này đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị thông qua;

+ Báo cáo của cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại trong nước về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm g khoản 2 Điều 9 Thông tư này từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đến thời điểm nộp bổ sung văn bản.

 

5. Thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy phép

Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 40/2011 thì Thẩm quyền quyết định cấp và thu hồi Giấy phép đối với ngân hàng thương mại cổ phần là:

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp Giấy phép theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi Giấy phép đã cấp trong các trường hợp quy định tại Điều 28 Luật các tổ chức tín dụng. Việc thu hồi giấy phép thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “thủ tục xin cấp phép thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần”.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191để được giải đáp.