Thưa Luật sư của LVN Group, trong thời gian vừa qua đọc thông tin báo đài tôi có biết nhiều vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ cho vay nặng lãi đối với các con nợ khủng bố tin thần. Vậy Luật sư của LVN Group cho tôi hỏi vay nặng nãi hay còn gọi là cho vay tín dụng đen là gì? Nguyên nhân của thực trạng này do đâu?

Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư của LVN Group. Xin chân thành cảm ơn!

(Nguyễn Ngọc – Lai Châu)

 

Luật sư tư vấn:

1. Tín dụng đen là gì?

Tín dụng đen là hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao cùng với các quy định chi trả do một cá nhân, nhóm cá nhân hay tổ chức nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật đề ra.  Họ không đăng ký kinh doanh cũng như chưa từng được ấp phép hay chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào đối với hoạt động cho vay này. 

Do vậy những hoạt động tín dụng có tính pháp lý bảo vệ người vay và người cho vay, được quy định tại pháp luật còn được gọi là “tín dụng trắng”, trái ngược với tín dụng đen không kiểm soát được các vấn đề.

 

2. Quy định về cho vay tín dụng đen

Không có định nghĩa nào của pháp luật về tín dụng đen, nhưng có thể xác định tín dụng đen là một hoạt động cho vay thường là có ít nhất 2 trong số 3 yếu tố bất hợp pháp là: cho vay bất hợp pháp, lãi suất trái luật và đòi nợ phạm pháp.

Thứ nhất, cho vay bất hợp pháp là hoạt động cho vay thường xuyên, với mục đích kinh doanh, nhưng không có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tín dụng hoặc dịch vụ cầm đồ và kể cả trường

hợp tuy được phép cho vay nhưng lại cho vay vượt phạm vi được phép hoạt động.

Cho vay bất hợp pháp cũng có thể là việc lừa dối, đe dọa, cưỡng ép người vay làm cho khách hàng nhận thức nhầm rằng việc đi vay là sự tự nguyện thởa thuận, việc cho vay và các điều kiện kèm theo là hợp pháp;

Thứ hai, lãi suất trái luật là mức vượt quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, tín dụng đen thường có lãi suất cao gấp đôi mức này trở lên. Từ ngày 05/11/2010 đến ngày 31/12/2016, lãi suất trái luật là vượt quá 13,5%/năm (quá 150% lãi suất cơ bản).

Năm 1987, lãi suất cho vay của ngân hàng đã lên tới 118,8%/năm (9,9%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn lên tới 252%/năm (21%/tháng). Năm 1989 lãi tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng cũng đã từng lên tới 144%/năm (12%/tháng).

Chỉ tính trong khoảng thời gian từ 2009 – 2019 đã liên tục có sự thay đổi lãi suất cho vay cao nhất và thay đổi lãi suất phạm tội (vượt quá 5 lần, lên 10 lần rồi lại xuống 5 lần lãi suất cao nhất). Cụ thể từ ngày 01/02/2009 đến hết ngày 30/11/2009 là 105%/năm, từ ngày 01/01/2010 đến hết ngày 04/11/2010 là 120%/năm (12% X 10 lần), từ ngày 05/11/2010 đến hết ngày 31/12/2016 là 135%/năm (13,5% X 10 lần), từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2017 là 200%/năm (20% X 10 lần) và từ ngày 01/01/2018 trở đi là 100%/năm (20% X 5 lần);

Thứ ba, đòi nợ phạm pháp là việc bên cho vay hoặc thông qua bên thứ ba đòi nợ bằng cách gây sức ép kiểu đe doạ, cưỡng ép, khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khởe, tính mạng của người vay và thân nhân họ.

Như vậy, tuy cá nhân hay pháp nhân nào đó hoạt động cho vay bất hợp pháp, nhưng chỉ cho vay với mức lãi suất không quá 20%/năm và không đòi nợ phạm pháp thì cũng chưa thể gọi là tín dụng đen. Hay nếu ai đó chỉ cho người khác vay một vài triệu đồng với lãi suất 100%/năm cũng chưa đến mức là tín dụng đen.

Một trong các cách thức hoạt động tín dụng đen là lập lờ sử dụng các cụm từ “công ty tài chính” hoặc “dịch vụ tài chính” gây nhầm lẫn cho người khác hiểu rằng đó là tổ chức tín dụng. Việc này đã vi phạm vào quy định, nếu không phải là tổ chức tín dụng thì không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “công ty tài chính”. Đến cuối năm 2018, chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang hoạt động hợp pháp (Điều 5 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010)

Không phải tất cả các hoạt động tín dụng bất hợp pháp đều là tín dụng đen, nhưng đã là tín dụng đen thì luôn là bất hợp pháp và đến một mức độ bất hợp pháp tương đối nghiêm trọng, mà điển hình là tội cho vay lãi nặng.

Một trong các trường hợp điển hình mập mờ cả về tên gọi và kinh doanh dịch vụ cho vay mà không được phép, đó là Công ty tài chính Nam Long (Tập đoàn Nam Long, có trụ sở tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), đã bị khởi tố điều tra về tội cho vay lãi nặng vào cuối năm 2018. Mặc dù đơn vị này không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về kinh doanh dịch vụ cầm đồ hay bất kỳ giấy phép nào khác về hoạt động cho vay, nhưng đã kinh doanh hoạt động cho vay trên phạm vi toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước, với mức lãi suất một số khoản vay lên đến 1.043%/ năm (2,857%/ngày).

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức 100%), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. (Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017)

Việc đưa thêm cụm từ “trong giao dịch dân sự” vào tên điều luật là không cần thiết, vì không có tội cho vay lãi nặng ngoài giao dịch dân sự.

Cả hai Bộ luật Dân sự năm 2005, 2015 và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 đều sử dụng từ “nặng lãi” (khoản 3 ĐIều 479 BLDS năm 2005, khoản 4 Điều 471 BLDS năm 2015 và khoản 1 Điều 12 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010). Trong khi đó cả ba Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 và 2015 lại đều sử dụng từ “lãi nặng”.(Lần lượt Điều 171, Điều 163, Điều 201 Bộ luật hình sự năm 1985, 1999 và 2015 sửa đổi năm 2017)

 

3. Tôi phạm về tín dụng đen

3.1. Thực trạng tội phạm về tín dụng đen

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, từ năm 2015 đến hết năm 2018, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Hệ lụy của “tín dụng đen” kéo theo nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội như: giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hay gây rối trật tự công cộng…

Theo thống kê của Bộ Công an, từ 15-4-2019 đến 15-4-2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Đã khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can; xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng.

Hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nguyên nhân gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, là nguồn gốc của nhiều tội phạm khác như: bắt giam giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương còn lúng túng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Sau đại dịch COVID-19, tình hình tội phạm “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội, đòi hỏi phải giải quyết triệt để, quyết liệt với nhiều biện pháp đấu tranh mới.

 

3.2. Nguyên nhân dẫn đến hoạt động mạnh mẽ của tín dụng đen

Thực tế cho thấy, do nhu cầu vay vốn làm ăn, kinh doanh trên thị trường hiện nay rất “nóng”, nhất là sau đại dịch COVID-19. Mà thực tế, không phải người dân và doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn “tín dụng đen” ở ngoài xã hội lại quá dễ dàng. Người có nhu cầu vay vốn chỉ cần có các giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu và một số loại giấy tờ tùy thân có giá trị khác như thẻ sinh viên, thẻ ATM, bằng cấp là có thể vay được tiền trong thời gian rất ngắn (thông thường chỉ khoảng từ 30 phút). Mặc dù người tham gia vay tiền biết rõ mức lãi suất cao, khả năng hoàn trả không dễ dàng, song do túng bấn, lại thấy thủ tục quá dễ dàng nên đã ký vào các hợp đồng vay tiền.

Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động mạnh mẽ của tín dụng đen, trong đó có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản như: hệ thống ngân hàng, thương mại, các tổ chức huy động trong dân cư hoạt động chưa hiệu quả, thủ tục cho vay rườm rà, khó tiếp cận; Trong khi đó, thực tế hiện nay quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đối tượng nhởn nhơ, coi thường pháp luật…

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!