1. Chủ nghĩa công lợi là gì?
Chủ nghĩa vị lợi, hay chủ nghĩa công lợi còn gọi là thuyết duy lợi hay thuyết công lợi (tiếng Anh: Utilitarianism) là một triết lý đạo đức, một trường phái triết học xã hội và cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành khoa học kinh tế. Chủ nghĩa này cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích. “Lợi ích” được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, thường là theo thuật ngữ “hạnh phúc của các sinh vật sống”, như là con người hay các động vật khác.
2. Sự hình thành thuyết công lợi theo quan điểm của John Stuart Mill
John Stuart Mill cho rằng mình là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “thuyết công lợi” theo nghĩa chung nhất, tổng quát nhất. John Stuart Mill không phát minh ra nó mà đọc được trong cuốn Biên niên sử giáo xứ của Galt. Sau khi sử dụng thuật ngữ “thuyết công lợi” trong một vài năm, Galt và một số người khác đã từ bỏ nó bởi vì họ không muốn phát triển thuật ngữ này thành tên hay châm ngôn của một trường phái tư tưởng. Galt muốn thuật ngữ này được sử dụng với tư cách một chuẩn mực và chỉ tới John Stuart Mill, điều đó mới thành hiện thực. Trong tác phẩm Thuyết công lợi, John Stuart Mill trình bày học thuyết đạo đức của mình một cách cụ thể và gọi đó là học thuyết về cuộc sống (theory of life). Mục đích sống của con người là khát khao một cuộc đời hạnh phúc và không có khổ đau. Một học thuyết như vậy bình thường sẽ được gọi là “chủ nghĩa khoái lạc”. Tuy nhiên, John Stuart Mill định nghĩa người theo thuyết công lợi cũng là những người theo thuyết khoái lạc.
Cách định nghĩa thuật ngữ “thuyết công lợi” của John Stuart Mill khiến cho nhiều độc giả hiện đại bối rối. Ngày nay, chúng ta thường phân biệt rằng thuyết khoái lạc là học thuyết về điều thiện còn thuyết công lợi là học thuyết về kết quả lô-gích của lẽ phải. Với John Stuart Mill, hai học thuyết này gắn kết gần gũi với nhau. Vì vậy, ông dùng thuật ngữ “thuyết công lợi” để biểu thị cả hai học thuyết này. Một mặt, John Stuart Mill cho rằng học thuyết công lợi xem hạnh phúc là cái đáng được khao khát, và là điều duy nhất đáng được khao khát với tư cách là mục đích tối hậu của cuộc sống. Mặt khác, ông coi thuyết công lợi là một học thuyết theo đó hành động là đúng khi nó hướng tới thúc đẩy hạnh phúc. Theo John Stuart Mill, nguyên tắc hạnh phúc cực đại của Bentham đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành các học thuyết luân lý khác – kể cả những học thuyết phê phán gay gắt nguyên tắc này.
3. Quan niệm về thuyết theo quan điểm của John Stuart Mill
Trong tác phẩm Thuyết công lợi, John Stuart Mill đã dành cả chương 2 với tiêu đề “Thuyết công lợi là gì?” để lập luận, phản biện bảo vệ cho học thuyết công lợi của Bentham trước những luồng ý kiến phản đối. Theo ông, những quan điểm này đã hiểu sai nội dung và bản chất của thuyết công lợi.
John Stuart Mill đưa ra một số quan điểm được coi là sai lầm như sau:
Một là, các quan điểm phản đối và ủng hộ thuyết công lợi thường nhầm lẫn mối quan hệ giữa tính công lợi và khoái lạc. Những quan điểm này chia làm ba xu hướng sau: Xu hướng thứ nhất là những người có quan điểm cho rằng thuyết công lợi chỉ là học thuyết kiểm tra tính đúng, sai của hành vi. Những người này đã vô tình thu hẹp ý nghĩa của thuật ngữ “thuyết công lợi” và coi khoái lạc là những gì xấu xa nhất. Đối với họ, tính công lợi là những gì mang lại hành vi đúng trong khi đó, theo Mill, thực ra thuyết công lợi coi một hành động là có lợi khi nó mang lại khoái lạc và khoái lạc này hướng tới việc mang lại hạnh phúc chung cho nhiều người nhất. Xu hướng thứ hai phản đối thuyết công lợi cho rằng học thuyết này quy tất cả mọi thứ về khoái lạc. Theo Mill, quan điểm này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đó là một sự nhầm lẫn và đã gán cho thuyết công lợi “một gánh nặng quá lớn”. Xu hướng thứ ba đến từ những người khen ngợi và ủng hộ thuyết công lợi một cách thiếu hiểu biết. Những người này coi tính công lợi chỉ đơn thuần là điều gì đó tốt hơn mức bình thường hoặc chỉ là những khoái lạc trong khoảnh khắc. Theo Mill, tính công lợi chỉ bao gồm những điều đó nhưng không phải toàn bộ tính công lợi chỉ có như thế. Như đã phân tích ở trên, John Stuart Mill khẳng đinh không cần phân biệt người theo thuyết công lợi và người theo thuyết khoái lạc trong học thuyết đạo đức của ông. Theo lập luận của ông, một khoái lạc đem lại cho con người sự vui sướng, không khổ đau tức là đem lại hạnh phúc và bản thân nó là một lợi ích. Vì vậy, trong tác phẩm Thuyết công lợi, Mill không đòi hỏi chúng ta phải phân biệt một cách rạch ròi sự khác nhau giữa hai khái niệm: lợi ích và hạnh phúc.
Hai là quan điểm cho rằng, hạnh phúc dù dưới bất kì hình thức nào cũng không thể là mục tiêu mà lý trí của con người hướng đến trong đời sống và hành động của mình. Thứ nhất, những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, trên thực tế, con người không thể đạt tới được. Thứ hai, theo họ, con người có thể làm mọi thứ mà không cần đến hạnh phúc. Tuy nhiên, theo John Stuart Mill, thuyết công lợi không chỉ bao gồm mưu cầu hạnh phúc mà còn bao gồm cả việc ngăn ngừa, giảm bớt những bất hạnh. Ông khẳng định nếu mục tiêu tối đa hóa hạnh phúc là ảo tưởng, thì nhân loại vẫn còn có những mục tiêu cao quý hơn và cần thiết cấp bách hơn cho sau này, đó là tối giảm hóa sự đau khổ. Những người phản đối có thể sẽ không tin rằng những người theo thuyết hạnh phúc sẽ thấy hài lòng với cách phân chia và đón nhận hạnh phúc một cách điều độ. Trên thực tế, Mill cho rằng phần lớn nhân loại đã và đang hài lòng với một mức độ còn thấp hơn. Ông đưa ra hai yếu tố tạo nên một cuộc sống viên mãn, đó là: điềm tĩnh và hưng phấn. Khi con người càng điềm tĩnh thì họ càng dễ dàng bằng lòng với những khoái lạc, dù là rất nhỏ. Khi con người càng hưng phấn nhiều thì họ càng có khả năng kiên nhẫn chịu đựng những nỗi đau lớn.
Ba là, một số người khác cho rằng, khiếm khuyết của thuyết công lợi là đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho nhân loại. Theo họ, việc đòi hỏi mọi người phải luôn hành động vì mục đích thúc đẩy hoặc đối đa hóa lợi ích chung của toàn xã hội là quá sức. Theo John Stuart Mill, trên thực tế, phần lớn các hành động tốt đẹp, đúng đắn đều “không hướng tới lợi ích của nhân loại, mà trước hết là vì lợi ích của các cá nhân – những thành phần mà từ đó tạo ra lợi ích toàn cầu”. Theo đạo đức công lợi, mục tiêu của đức hạnh là làm cho hạnh phúc được tăng lên gấp bội và chỉ khi ai đó hoạt động từ thiện hoặc làm việc thiện vì cộng đồng thì lúc đó ta mới có thể kêu gọi anh ta quan tâm tới cái lợi chung; còn trong tất cả các trường hợp khác, tất cả những gì người đó cần chú trọng chăm lo chính là lợi ích của bản thân hoặc của những người mà anh ta quan tâm.
Bốn là, quan điểm cho rằng thuyết công lợi làm cho con người trở nên lạnh lùng và vô cảm, làm nhụt đi tình cảm luân lý của họ đối với các cá nhân, khiến cho họ chỉ lưu tâm đến việc cân nhắc một cách khô khan về kết quả của việc làm, mà bỏ quên sự đánh luân lý của mình đối với phẩm chất của động cơ hành động. Nếu những người có những nhận định như trên không có ý phán xét một hành động là đúng hay sai dựa trên quan điểm của họ về phẩm hạnh của người thực hiện hành vi, thì họ không chỉ phản đối thuyết công lợi, mà còn chống lại hầu hết các chuẩn mực đạo đức, bởi vì chắc chắn không có một chuẩn mực đạo đức nào lại phân xử một hành động là tốt hay xấu chỉ bởi vì nó được thực hiện bởi một người tử tế hay bất lương. Những nhận định như vậy chỉ thích hợp để đánh giá về con người chứ không phải về hành động. Hầu hết những người theo thuyết công lợi nhận thức rằng ngoài đức hạnh còn có những sở hữu và phẩm chất khác đáng khao khát, và họ hoàn toàn bằng lòng thừa nhận tất cả giá trị đầy đủ của chúng. Họ cũng nhận thức được rằng một hành động đúng mà không nhất thiết phải bao hàm đức hạnh và những hành động đáng khiển trách vẫn có thể xuất phát từ những phẩm chất cá nhân cao quý đáng được ca ngợi. Khi điều này trở thành hiển nhiên trong các trường hợp cụ thể thì nó sẽ thay đổi cách đánh giá của người theo thuyết công lợi không phải về hành động, mà là động cơ. Những người theo thuyết công lợi cho rằng rốt cuộc một tính cách tốt sẽ được minh chứng tốt nhất bởi những hành động tốt và họ sẽ kiên quyết khước từ việc xem xét những mục đích, ý định ban đầu là tốt, nhưng có xu hướng tạo ra những hành vi xấu là điều thiện. John Stuart Mill công nhận rằng điều này làm cho thuyết công lợi không nổi tiếng với nhiều người. Tuy nhiên, việc không được quần chúng ưa chuộng chính là điều mà những người theo thuyết công lợi muốn chia sẻ với tất cả những ai quan tâm tới sự khác biệt giữa ñúng và sai một cách nghiêm túc. Bởi vậy, theo Mill, một người theo thuyết công lợi tận tâm không lo sợ trước những lời phê phán mà luôn sẵn sàng đón nhận chúng.
Năm là quan điểm phản đối cho rằng những người theo thuyết công lợi khi nhìn nhận các hành động đạo đức chỉ quan tâm tới những tiêu chuẩn của họ và không nhấn mạnh đến các đức tính tốt đẹp khác – những điều khiến cho một người trở nên dễ mến và đáng ngưỡng mộ. John Stuart Mill không phủ nhận quan điểm này. Theo Mill, những người theo thuyết công lợi tu dưỡng tình cảm luân lý của họ chứ không phải là sự cảm thông hay nhận thức thẩm mỹ, vì vậy, họ phạm phải sai lầm này.
Sáu là quan điểm coi thuyết công lợi là một học thuyết vô thần. Những người theo quan điểm này cho rằng thuyết công lợi không công nhận ý định mặc khải của Chúa với tư cách là luật tối cao của đạo đức. John Stuart Mill khẳng định người theo thuyết công lợi tin vào tính thiện và sự thông thái hoàn hảo của Chúa thì sẽ tin rằng Thiên Chúa đã có ý mặc khải các vấn đề đạo đức một cách thích hợp. Tuy nhiên, ngoài thuyết công lợi, còn có những người thuộc học phái khác có quan điểm rằng: Sự Mặc Khải của Kitô giáo là có mục đích và phù hợp để truyền tới trái tim và tâm trí của nhân loại một tinh thần có thể giúp cho họ tìm thấy chân thiện nơi chính mình và khiến cho họ làm điều tốt khi có thể.
Bảy là quan điểm gán cho Thuyết công lợi tên gọi “Cái lợi” (expediency, khác với cái lợi của tính công lợi là utility) nhằm mục đích quy kết thuyết công lợi như là một học thuyết trái đạo đức. Tuy nhiên, John Stuart Mill cho rằng, khi được xem xét trong sự đối lập với với “Cái thiện”, thuật ngữ “Tính có lợi” (The expedient) đã đề cập đến điều gì đó liên quan đến quyền lợi riêng của một người, chẳng hạn như khi một bộ trưởng cấp cao hy sinh lợi ích của đất nước để giữ được cương vị của mình. Như vậy, những điều có lợi cho một số đối tượng trực tiếp hoặc những mục đích tạm thời, nhưng vi phạm một quy tắc phải tuân thủ thì thực chất là cái lợi có tính thủ đoạn.
Theo cách hiểu này của Mill, “Tính có lợi” (The expedient) thay vì tương đồng với “Tính hữu dụng” thì lại là một nhánh của “Tính có hại”. John Stuart Mill đã minh họa cụ thể hơn cho “tính có lợi” (expedient) bằng ví dụ về việc nói dối. Một lời nói dối để vượt qua những khó khăn tạm thời hay để đạt tới điều gì đó có lợi ngay tức khắc cho chúng ta hoặc cho người khác thì được xem là có lợi (expedient). Tuy nhiên, theo Mill, việc rèn luyện đức tính trung thực là một trong những việc làm hữu ích nhất mà con người cần khuyến khích và sự giả dối là một trong những điều có hại nhất. Việc ủng hộ phúc lợi xã hội là do con người có lòng tin vào người khác và chỉ cần thiếu đi niềm tin đó là đã có thể cản trở mọi thứ mà hạnh phúc nhân loại phụ thuộc vào trên phạm vi rộng lớn. Như vậy, bất kỳ sự sai lệch nào so với sự thật – dù là không cố ý – cũng sẽ khiến cho niềm tin vào những quyết định của con người bị suy giảm. Vì vậy, việc vi phạm một luật lệ dành cho một lợi ích lâu dài mà đáng lẽ không được phép chống lại chỉ vì một cái lợi trước mắt là không thích hợp. Tuy nhiên, tất cả những người giảng dạy luân lý đều thừa nhận mặc dù quy tắc về việc nói thật là rất thiêng liêng nhưng cũng không tránh khỏi trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, một người muốn che giấu sự thật như thông tin về một kẻ bất lương hay tin xấu dành cho một người bị bệnh hiểm nghèo vì việc làm này có thể sẽ cứu một người tránh khỏi tai họa lớn mà họ không đáng phải gánh chịu và để giấu họ, thì không có cách nào khác ngoài nói dối. John Stuart Mill khẳng định phải vạch rõ giới hạn cho những trường hợp ngoại lệ này để nó không bị lạm dụng quá mức và tránh làm giảm niềm tin vào tính chân thực.
Tám là quan điểm cho rằng: trước khi hành động, con người không có thời gian để tính toán và cân nhắc những ảnh hưởng của các quy tắc ứng xử đối với hạnh phúc chung. Theo John Stuart Mill, điều này chẳng khác nào nói rằng Kitô giáo sẽ không thể chỉ dẫn cho những hành vi của con người bởi nhân loại sẽ không có thời gian để đọc hết Kinh Cực Ước và Tân Ước. Trên thực tế, con người đã tích lũy được kinh nghiệm về các khuynh hướng hành động trong một khoảng thời gian dài mà Mill gọi là “chặng đường đã qua” của lịch sử nhân loại.
Cuối cùng là quan điểm cho rằng: Kể cả khi nhân loại thống nhất xem thuyết công lợi là thước đo phẩm hạnh, họ sẽ vẫn không có bất kỳ sự thỏa hiệp về việc cái gì là có lợi nên sẽ không có biện pháp nào để đưa ra các khái niệm của mình về chủ đề này để có thể dạy cho hậu bối, và họ thực thi theo pháp luật và dư luận. Theo John Stuart Mill, nhân loại thời điểm này đã có được niềm tin tích cực đối với ảnh hưởng của những hành vi tới hạnh phúc của họ. Niềm tin đó được truyền lại như là những quy tắc đạo đức cho dân chúng, trong đó có các triết gia cho tới khi họ thành công trong việc tìm thấy một điều gì đó tốt hơn. Trong tác phẩm Thuyết công lợi, John Stuart Mill viết như sau: “mặc dù đã nói ở trên, nhưng những triết gia có thể dễ dàng tìm thấy điều gì đó tốt hơn trong nhiều vấn đề; rằng: việc chấp nhận những quy tắc đạo đức không phải là nhờ ơn Trời; và rằng nhân loại vẫn còn rất nhiều thứ phải học về việc làm thế nào các dạng thức hành vi khác nhau lại có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc chung. Hệ quả tất yếu từ thuyết công lợi, cũng giống như châm ngôn của tất cả các nghệ thuật thực tiễn có thể được mở mang vô tận và khi trí tuệ con người bước vào một trạng thái phát triển không ngừng, sự tiến bộ của chúng cũng tiến triển không ngừng.”
Tóm lại, John Stuart Mill khẳng định không cần phân biệt người theo thuyết công lợi và người theo thuyết khoái lạc trong học thuyết đạo đức của ông. Điểm chung lớn nhất giữa hai học thuyết này là xem khoái lạc là thứ duy nhất con người theo đuổi, chỉ khác đó là khoái lạc như thế nào và cách thức để đạt được nó. Chúng ta cần phải lưu ý là trong thuyết công lợi của John Stuart Mill không phân biệt hạnh phúc, tính hữu ích, lợi ích. Tất cả đều chỉ hướng tới mục tiêu mà cả Jeremy Bentham và John Stuart Mill đều khẳng định: đó là có được hạnh phúc và tránh mọi khổ đau. Hạnh phúc ở đây được hiểu là khoái lạc và không có khổ đau, ngược lại, bất hạnh chính là khổ đau và thiếu thốn khoái lạc. Bởi vậy, mọi động cơ, hành vi của con người theo thuyết công lợi đều phải hướng tới nguyên tắc đạo đức tối cao là: Hạnh phúc nhiều nhất cho số đông lớn nhất – đây chính là nguyên tắc công lợi của John Stuart Mill. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể hiểu đúng về nó nếu mơ hồ về cái tên “Thuyết công lợi”. Qua những lập luận phản biện lại các quan điểm sai lầm trong cách hiểu về thuyết công lợi của Mill, chúng ta đã nắm được những đặc trưng cơ bản của thuyết công lợi theo cách hiểu của ông. Đây là bước đệm vững chắc để chúng ta đi vào tìm hiểu những quan điểm cơ bản của ông về nguyên tắc công lợi.
4. Nguyên tắc công lợi với tư cách là nguyên tắc cơ bản trong học thuyết đạo đức
Nguyên tắc công lợi với tư cách là nguyên tắc cơ bản trong học thuyết đạo đức của John Stuart Mill John Stuart Mill dành toàn bộ chương đầu tiên của tác phẩm Thuyết công lợi để luận giải về sự cần thiết của các quy tắc trong đạo đức, luân lý. Trái ngược với Kant – người đặt học thuyết đạo đức của mình vào những nguyên tắc tự giác mà ông gọi là những châm ngôn, theo John Stuart Mill, đạo đức phải được xây dựng trên những nguyên tắc xã hội. Theo Michael Schefczyk, Mill trình bày cơ sở của những nguyên tắc xã hội và đạo đức dựa trên quan niệm về “điều đúng đắn về phương diện đạo đức” hay “điều sai trái về phương diện đạo đức”. John Stuart Mill cho rằng một hành động là sai về mặt đạo đức nếu luật pháp và dư luận đồng tình, đó là những hành vi xấu hoặc hành động đó được thực hiện bởi một lương tâm xấu xa. Đây là sự khác biệt quan trọng giữa đạo đức và lợi ích giản đơn. Hành vi sai trái hoặc không có lợi là những gì mà chúng ta không thể dùng để đem khuyên răn một người. Tuy nhiên, khác với những hành vi trái với đạo đức, những hành vi không có lợi chỉ là không đáng được khuyến khích. Vì vậy, John Stuart Mill phân biệt các phạm vi hành động khác nhau. Trong cuốn Hệ thống Logic học, ông nói rõ đạo đức, sự khôn ngoan và óc thẩm mỹ là ba lĩnh vực của Nghệ thuật sống. J. Skorupski đã nhận xét nguyên tắc công lợi của John Stuart Mill chi phối cả đạo đức, sự khôn ngoan cẩn trọng và sự thưởng thức. Đó không chỉ là một nguyên tắc đạo đức mà còn là siêu nguyên tắc đối với việc thực hành lý tính. Đây là một lĩnh vực hoạt động trong đó những quy tắc luân lý đang hiện hành và một người bắt buộc phải thi hành đúng theo nó. Tuy nhiên, ở đây cũng có những lĩnh vực hành động khác trong đó việc trừng phạt thái độ sai trái sẽ là không thích đáng. Một trong số đó là lĩnh vực hoạt động của lòng tự trọng được John Stuart Mill nhắc đến trong Bàn về tự do. Trong lĩnh vực riêng tư này, con người hoàn toàn có thể làm những việc không có lợi và hoàn toàn vô ích trong phạm vi những hành động đó không làm hại tới những người khác hay xâm phạm vào những quy tắc xã hội.
Đối với vai trò của các quy tắc đạo đức, trong tác phẩm Thuyết công lợi, John Stuart Mill trình bày cách cân nhắc, suy tính về đạo đức của một hành vi như sau: Bước đầu tiên, người thực hiện hành vi cần nghiên cứu những nguyên tắc thứ cấp trong các quy tắc đạo đức của xã hội để đảm bảo các nguyên tắc này đã được đặt đúng tình huống của nó. Chỉ khi chúng xung đột với nhau thì người đó mới phải thực hiện bước thứ hai: viện dẫn tới nguyên tắc công lợi với tư cách là nguyên tắc cơ bản đầu tiên. Đối với John Stuart Mill, nguyên tắc công lợi phải là cơ sở của đạo đức chứ không thể chỉ là một phần của đạo đức. Nguyên tắc này đáp ứng sự phê chuẩn công bằng đối với học thuyết luân lý của chúng ta và cho phép – một “siêu quy tắc” – giải quyết sự đối lập lẫn nhau giữa các quy tắc tiêu chuẩn. Theo John Stuart Mill, “niềm tin đạo đức đã đạt tới độ kiên định hoặc vững chắc nào đó đều dễ dàng tỏ rõ tất cả những gì vững chắc, trước sau như một mà đức tin luân lý đã đạt tới, sự vững chắc và nhất quán đó có được chủ yếu nhờ ảnh hưởng ngầm của một tiêu chuẩn chưa được công nhận, ấy là nguyên tắc công lợi”
5. Nội dung nguyên tắc công lợi của John Stuart Mill John Stuart Mill
Nội dung nguyên tắc công lợi của John Stuart Mill John Stuart Mill kế thừa từ Bentham, gồm:
a) Thừa nhận vai trò cơ bản của đau khổ và khoái lạc trong đời sống con người.
b) Việc tán thành hay phản đối một hành động dựa trên số lượng khoái lạc và khổ đau mà kết quả của hành động đó mang lại. Bentham và Mill cho rằng một hành vi được xem là đúng khi nó tối đa hóa sự hữu ích. “Hữu ích” là hạnh phúc, là bất cứ ñiều gì tạo ra hạnh phúc hoặc ngăn ngừa bất hạnh.
c) Coi khoái lạc là cái tốt, là điều thiện còn đau khổ là cái xấu, là điều ác.
d) Khẳng định khoái lạc và đau khổ có thể được định lượng bằng nhiều phương tiện khác nhau. Vấn đề áp dụng nguyên tắc công lợi được John Stuart Mill bàn đến trong suốt 10 năm bảo vệ thuyết công lợi trước sự phê phán của William Whewell (1794 – 1866) – là một triết gia, nhà thần học và sử học người Anh, đồng thời là một mục sư thuộc giáo phái Anh. Whewell tuyên bố rằng thuyết công lợi cho phép giết người cũng như thực hiện những hành vi tội phạm khác trong những hoàn cảnh cụ thể. Do đó, nguyên tắc công lợi không phù hợp để đánh giá đạo đức của chúng ta. John Stuart Mill phản bác lại tuyên bố trên của Whewell trong tác phẩm Whewell bàn về triết học luân lý (1852).
Theo đó, John Stuart Mill cho rằng Whewell đã dựa trên lý lẽ cho rằng “có những người gây ra điều xấu cho một người nào đó, hoặc đối xử tàn nhẫn về thể xác và gây đau đớn về tinh thần với một vài người, hay là những người có tầm ảnh hưởng dẫn tới xu hướng tăng sự bất hạnh cho số đông và ngược lại. Những người như vậy bị ám sát có thể là một hành động được ủng hộ nhằm cân bằng hậu quả mà họ có thể gây ra.” để kết luận thuyết công lợi cho phép giết người. John Stuart Mill khẳng định thuyết công lợi không hề yêu cầu chúng ta phải giết những người “là nguyên nhân gây ra những điều xấu xa cho ai đó, đối xử tàn nhẫn về thể xác và đau đớn về tinh thần đối với một số người” bởi đó là hành động phi pháp cũng như ảnh hưởng tới lợi ích dài lâu của toàn thể nhân loại. Lý lẽ của John Stuart Mill cho trường hợp này là con người không thể có cuộc sống an toàn và bình yên nếu như mọi người được cho phép giế người chỉ vì họ tin rằng người đó là nguồn gốc gây ra bất hạnh. Như vậy, nguyên tắc cho phép “trừ khử người nào đó vì coi người đó là nguyên nhân của điều xấu” thì còn tệ hơn cả quy tắc không cho phép những hành động như vậy. Mọi người cần phải tuân thủ quy tắc không được phép giết người bởi vì điều đó hướng tới thúc đẩy hạnh phúc của tất cả mọi người. Việc phải tính toán kết quả mỗi khi hành động sẽ khiến cho chúng ta phải tiếp nhận và xử lý một lượng tri thức kinh nghiệm quá lớn. Vì vậy, chúng ta cần đến những quy tắc tiêu chuẩn để hướng dẫn chúng ta cách thức hành động theo chiều hướng thúc đẩy tối đa hạnh phúc chung. Tuy nhiên, theo Mill, nguyên tắc công lợi chỉ nên được áp dụng khi các quy tắc đạo đức khác xung đột với nhau: “Chúng ta phải nhớ rằng chỉ trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa những nguyên tắc thứ cấp với nhau thì mới cần kêu gọi đến các nguyên tắc cơ bản đầu tiên.” Các điều luật đạo đức về những việc không được làm được đặt ra không phải để phục vụ cho những người thông suốt và vô tư tuân theo, mà là dành cho những người nhận thức còn hạn chế và hay chống đối. Tóm lại, nguyên tắc công lợi khiến người ta nhớ đến câu châm ngôn nổi tiếng: “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất” và mục tiêu của nguyên tắc này là tối đa hóa hạnh phúc. Tuy nhiên, cách thức áp dụng nguyên tắc công lợi không hề đơn giản. John Stuart Mill thực sự đã xây dựng nguyên tắc công lợi thành một chuẩn mực đạo đức đích thực chứ không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu đặc trưng cho trường phái công lợi chủ nghĩa.