1. Tiền sự là gì?

Về mặt pháp lý, “tiền sự” không được giải thích với ý nghĩa là một thuật ngữ pháp lý chính thống, nhưng trong đời sống thường ngày chúng ta lại thấy thuật ngữ này được sử dụng rất phổ biến. Và ý nghĩa của cụm từ “tiền sự” nhằm chỉ thông tin về nhân thân của một cá nhân về việc người đó đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Như đã diễn giải pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể giải thích cụm từ này song có thể tham khảo tại Văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, cụ thể Nghị quyết số 01-HĐTP ngày 18/10/1990 tại điểm b mục 2 đã có quy định như sau: 

“Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi là chưa bị xử lý kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự”.

Theo đó, tiền sự được hiểu là thông tin về nhân thân của một cá nhân về việc đã bị xử lý kỷ luật và hoặc xử phạt vi phạm hành chính mà chưa được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính.

 

2. Tiền án là gì?

Tương tự như cụm từ “tiền sự”, trong các quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể nào ghi nhận và giải thích ý nghĩa của  cụm từ “tiền án”. Song cũng theo quy định tại Nghị quyết số 01-HĐTP ngày 18/10/1990 (hết hiệu lực 01/7/2016) có quy định:

“Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án”

Theo đó, có thể hiểu rằng, “tiền án” là cụm từ dùng để chỉ thông tin nhân thân của một cá nhân về việc người đó đã bị kết án theo quy định của Bộ luật hình sự và chưa được xóa án.

Lưu ý: Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có tiền án (án tích).

 

3. Phân biệt tiền sự và tiền án

Tiêu chí phân biệt Tiền sự Tiền án
Khái niệm Tiền sự chỉ thông tin nhân thân của một người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật Tiền án chỉ thông tin nhân thân của một người đã bị kết án theo quy định của Bộ luật hình sự
Bản chất hành vi đã thực hiện Hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự Hành vi vi phạm cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự và bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Văn bản pháp lý chứng minh Quyết định xử lý kỷ luật/ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Bản án hình sự 

 

4. Thời gian để xóa tiền sự là bao lâu?

Thời hạn xóa tiền sự, hay theo quy định pháp luật hiện hành là thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020. Theo đó, tùy thuộc vào hình thức xử phạt mà thời hạn sẽ khác nhau.

– Anh A bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt cảnh cáo thì trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt mà không tái phạm (thực hiện lại hành vi vi phạm đã bị xử phạt trước đó) thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính;

– Anh A bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức khác gồm: phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn/ đình chỉ hoạt động có thười hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, trục xuất thì trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính mà không tái phạm được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính;

+ Anh A bị xử phạt vi phạm hành chính thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính xem tại Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020)

+ Nếu anh A bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (giáo dục tại xã, phường, thị trấn/ đưa vào trường giáo dưỡng/ đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc/ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) mà trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

+ Nếu anh A bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

 

5. Thời hạn xóa tiền án là bao lâu?

Xóa tiền án hay theo quy định pháp luật hình sự hiện hành là xóa án tích được  quy định tại Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72 và Điều 73 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, về xóa tiền án (án tích) được chia thành nhiều trường hợp: đương nhiên xóa án tích; xóa án tích theo quyết định của Tòa án và Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

 

5.1 Đối với đương nhiên xóa án tích:

Đối tượng áp dụng: Người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh

Điều kiện:

Trường hợp thứ nhất, đáp ứng 3 đầy đủ 03 điều kiện sau:

(i) Đã chấp hành xong hình phạt chính/ hết thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hạn thi hành bản án;

(ii) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án;

(iii) Không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo/02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm/03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm/05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình (nhưng đã được giảm án).

Lưu ý trong trường hợp này nếu người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chê, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời điểm đương nhiên xóa án tích là thời điểm ngươi đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Trường hợp thứ hai, người bị kết án đương nhiên xóa án tích nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không thực hiện hành vi phạm tội trong thời hạn trình bày tại mục (iii).

 

5.2 Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Đối tượng áp dụng: Người bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Điều kiện:

(i) Chấp hành xong hình phạt chính/ hết thời gian thử thách án treo;

(ii) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và 

(iii) không thực hiện hành vi phạm tội mói trong thời hạn 01 năm đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù những được hưởng án treo hoặc trong thời hạn 03 năm trong trường hợp bị phạt từ đến 05 năm hoặc trong thời hạn 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm hoặc trong thời hạn 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân/tử hình (đã được giảm án).

Lưu ý: Việc xem xét xóa án tích trong trường hợp này ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, Tòa án quyết định còn phải căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

 

5.4 Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Trường hợp này áp dụng đối với người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị thì Tòa án quyết định xóa án tích. Trường hợp này cũng phải đáp ứng điều kiện đó là đã bảo đảm ít nhất 1/3 thời hạn không thực hiện hành vi phạm tội mới theo quy định tại mục (iii) của trường hợp đương nhiên xóa án tích và trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án.

Nếu trong nội dung chia sẻ có điều gì chưa rõ ràng, hoặc bạn đọc còn vướng mắc pháp lý nào khác về vấn đề này vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.0191 để nhận được tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!