Cơ sở pháp lý:

Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015;

Nghị định 58/2017/NĐ-CP;

Nghị định 171/2016/NĐ-CP:

1. Việc treo cờ của tàu thuyền hoạt động tại cảng biển

Điều 61 Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định việc treo cờ của tàu thuyền hoạt động tại cảng biển được thực hiện như sau:

– Tàu thuyền Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;

– Tàu thuyền nước ngoài treo Quốc kỳ trên đỉnh cột cao nhất của tàu thuyền;

– Hàng ngày, Quốc kỳ trên tàu thuyền được kéo lên vào lúc mặt trời mọc và hạ xuống lúc mặt trời lặn. Về mùa đông, những ngày có sương mù, Quốc kỳ được kéo lên vào thời điểm có thể nhìn thấy được. Quốc kỳ được kéo lên sớm hơn hoặc hạ xuống muộn hơn thời gian quy định khi tàu thuyền vào, rời cảng, khi gặp tàu quân sự hoặc khi hai tàu Việt Nam nhìn thấy nhau;

– Vào ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc khi có người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến thăm cảng, tất cả tàu thuyền đang neo, đậu trong khu vực cảng biển đều phải treo cờ lễ theo chỉ dẫn của Giám đốc Cảng vụ hàng hải;

– Tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài khi muốn treo cờ lễ, cờ tang, hoặc kéo còi trong các dịp nghi lễ của quốc gia tàu mang cờ phải thông báo trước và thực hiện theo chỉ dẫn của Cảng vụ hàng hải;

– Giám đốc Cảng vụ hàng hải có thể miễn trách nhiệm treo Quốc kỳ cho một số phương tiện thủy thô sơ khi hoạt động trong vùng nước cảng biển.

2. Quy định treo cờ trên tàu biển Việt Nam

Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển trong quy định này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.

Tàu biển Việt Nam là tàu biển đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc đã được cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam. Tàu biển Việt Nam có quyền và nghĩa vụ mang cờ quốc tịch Việt Nam. Chỉ có tàu biển Việt Nam mới được mang cờ quốc tịch Việt Nam.

Quy định treo cờ trên tàu biển Việt Nam như sau:

– Trong các ngày lễ lớn, treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột lái của tàu qua xà ngang các cột trước và cột chính; Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái, cột mũi treo cờ hiệu của chủ tàu (nếu có). Việc trang trí cờ hiệu không được gây ảnh hưởng đến hoạt động bốc, dỡ hàng hóa của tàu. Trong các ngày lễ khác, treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột trước, một dây thứ hai từ cột chính đến cột lái; Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái. Nghiêm cấm việc sử dụng Quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ nước ngoài, quân kỳ, cờ chức vụ và cờ chữ thập đỏ để trang hoàng trong dây cờ lễ của tàu thuyền;

– Khi có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm tàu, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm một Quốc kỳ ở đỉnh cột chính và chỉ được phép hạ xuống khi các vị khách nêu trên đã rời khỏi tàu;

– Trong những ngày lễ lớn hay những ngày có chỉ thị đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, Quốc kỳ phải được kéo lên theo nghi lễ chào cờ. Khi tàu hành trình trên biển và trong điều kiện thời tiết cho phép, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm Quốc kỳ ở đỉnh cột chính;

– Khi tàu neo đậu ở cảng nước ngoài, Quốc kỳ Việt Nam phải được kéo lên trước và hạ xuống sau quốc kỳ của nước có cảng mà tàu đang neo đậu;

– Khi hành trình trong lãnh hải hoặc vào, rời hay neo, đậu trong vùng nước cảng biển nước ngoài, tàu phải treo Quốc kỳ nước đó ở cột chính của tàu;

– Quốc kỳ phải được treo ở trạng thái mở. Trong ngày quốc tang, Quốc kỳ phải được treo theo nghi thức tang lễ;

– Việc kéo và hạ Quốc kỳ do thủy thủ trực ca thực hiện theo lệnh của sỹ quan trực ca boong.

3. Nghi lễ đón lãnh đạo cấp cao thăm tàu

Khi có lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến thăm tàu: Trường hợp có thông báo trước, thuyền trưởng phải lệnh cho tất cả thuyền viên mặc trang phục chỉnh tề theo nghi thức ngày lễ, đứng xếp hàng dọc theo hành lang đầu cầu thang, thuyền trưởng phải có mặt tại chân cầu thang để đón khách lên tàu; trường hợp không được thông báo trước, sỹ quan trực ca boong phải đón chào các vị khách tại chân cầu thang, đồng thời báo cho thuyền trưởng đến tiếp khách.

4. Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài không?

Theo Điều 18 Bộ luật hàng hải năm 2015 quy định:

Điều 18. Nguyên tắc đăng ký tàu biển

1. Việc đăng ký tàu biển Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, bao gồm đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam và đăng ký quyền sở hữu tàu biển đó. Trường hợp tàu biển thuộc sở hữu của từ hai tổ chức, cá nhân trở lên thì việc đăng ký phải ghi rõ các chủ sở hữu và tỷ lệ sở hữu tàu biển đó.

Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài có đủ điều kiện quy định tại Điều 20 của Bộ luật này được đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Việc đăng ký tàu biển Việt Nam thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam và đăng ký quyền sở hữu tàu biển đó hoặc chỉ đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam.

Tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê tàu trần, thuê mua tàu có thể được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam;

b) Tàu biển đã đăng ký ở nước ngoài không được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp đăng ký cũ đã được tạm ngừng hoặc đã bị xóa;

c) Việc đăng ký tàu biển Việt Nam do Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thực hiện công khai và thu lệ phí; tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và phải nộp lệ phí.

2. Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài.

==> Như vậy, theo quy định trên thì tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài.

4.1. Điều kiện tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài

Điều 30 Nghị định 171/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài như sau:

Điều 30. Điều kiện tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài

1. Tàu biển được mua, đóng mới của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước phải đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhưng không có vốn nhà nước được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài theo quyết định của chủ sở hữu tàu. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày tàu biển được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài, chủ tàu phải gửi 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển về Cơ quan đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam để phục vụ công tác quản lý.

3. Tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam do tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mua hoặc thuê tàu trần được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài nếu chủ tàu yêu cầu.

4. Những quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với kho chứa nổi và giàn di động.

4.2. Thủ tục đăng ký tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài

– Thủ tục đăng ký tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài thực hiện theo quy định pháp Luật của quốc gia tàu mang cờ.

– Tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam được tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê hoặc thuê mua trước khi đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài phải được thực hiện việc xóa đăng ký tàu biển Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 171.

Điều 19. Quy định chung về xóa đăng ký

1. Tàu biển Việt Nam được xóa đăng ký tại Việt Nam trong các trường hợp quy định tại Điều 25 Bộ Luật hàng hải Việt Nam năm 2015.

2. Chủ tàu phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu biển trong thời hạn quy định đối với một số trường hợp sau:

a) Chậm nhất trong vòng 60 ngày kể từ khi tàu biển không còn tính năng tàu biển; bị phá hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm mà không trục vớt được;

b) Chậm nhất trong vòng 24 tháng kể từ khi tàu biển bị mất tích;

c) Chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ khi chủ tàu không còn trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

3. Các quy định tại Chương này về xóa đăng ký tàu biển cũng được áp dụng đối với việc xóa đăng ký tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động.

4. Tàu biển Việt Nam đăng ký tạm thời thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 của Nghị định này không được xóa đăng ký nếu chưa nộp phí, lệ phí theo quy định.

Các trường hợp xóa đăng ký tàu biển Việt Nam theo Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015:

Điều 25. Xóa đăng ký tàu biển Việt Nam

1. Tàu biển Việt Nam phải xóa đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Bị phá hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm mà không thể trục vớt được;

b) Mất tích;

c) Không còn đủ điều kiện để được mang cờ quốc tịch Việt Nam;

d) Không còn tính năng tàu biển;

đ) Theo đề nghị của chủ tàu hoặc người đứng tên đăng ký tàu biển.

2. Trong các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này, tàu biển đang thế chấp chỉ được xóa đăng ký tàu biển Việt Nam, nếu người nhận thế chấp tàu biển đó chấp thuận.

3. Khi xóa đăng ký tàu biển hoặc xóa đăng ký tàu biển đang đóng, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.