1. Khái niệm tình trạng pháp lý?

Pháp lý được hiểu là một khái niệm rộng hơn pháp luật, bao gồm cả những lý lẽ, lẽ phải, giá trị pháp lý bắt nguồn từ một sự việc, hiện tượng xã hội là cơ sở hình thành nên pháp luật.

Tình trạng pháp lý là một thuật ngữ pháp lý để thể hiện hiện trạng của một đối tượng cụ thể, ví dụ như tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp,…

Tình trạng pháp lý cũng có thể hiểu là tư cách pháp lý. Tư cách pháp lý là tư cách của cá nhân, pháp nhân, tổ chức, hay các chủ thể khác khi tham gia vào một hoặc nhiều quan hệ pháp luật nhất định. Tư cách pháp lý cũng chính là địa vị pháp lý thể hiện ví trí, vai trò chủ thể đó trong quan hệ pháp luật và đi liền với nó là quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý phát sinh. 

 

2. Tình trạng pháp lý của thửa đất

Tình trạng pháp lý của thửa đất hay còn gọi là tình trạng sử dụng đất là một thuật ngữ thường sử dụng để ám chỉ hiện trạng của một mảnh đất. Từ việc xác định tình trạng pháp lý của thửa đất, có thể xác định được các thông tin về thửa đất đó như sau:

– Toà độ trên bản đồ của thửa đất.

– Hình dáng của thửa đất.

– Tổng diện tích của thửa đất.

– Những người có quyền sử dụng đối với thửa đất.

– Thửa đất có đang tranh chấp hay không?

– Quyền sử dụng đất có đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án hay không?

– Thửa đất hiện còn trong thời hạn sử dụng đất hay không?

– Thửa đất có đang trong có trong quá trình chuyển giao quyền sử dụng đất hay không?

– Thửa đất hiện có đang nằm trong quy hoạch nào hay không?

– Thửa đất đó đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa?

– Mục đích sử dụng của thửa đất là gì?

– Thửa đất đó có thể chuyển mục đích sử dụng đất được hay không?

Theo điểm a Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định:

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Điều 118 Luật nhà ở 2014 quy định:

Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

– Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

– Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải toả, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Cách kiểm tra tình trạng pháp lý thửa đất:

(i) Kiểm tra về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất:

Để kiểm tra xem thửa đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất thì bên nhận chuyển nhượng có quyền yêu cầu bên chuyển nhượng xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trừ trường hợp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đỏ và người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận thừa kế không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

(ii) Kiểm tra thời hạn sử dụng đất:

Khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Thời hạn sử dụng đất được ghi theo quy định như sau:

– Trường hợp được Nhà nước giao đất. cho thuê đất thì ghi thời hạn theo quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì ghi thời hạn sử dụng được công nhận theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì ghi “Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)“;

– Trường hợp thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi “Lâu dài”;

– Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.

Trang 2 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ thể hiện thông tin về thời hạn sử dụng của đất.

(iii) Kiểm tra xem thửa đất có đang trong quy hoạch, thế chấp hay tranh chấp hay không?

– Xem quy hoạch sử dụng đất tại UBND cấp huyện, cấp xã.

– Kiểm tra thửa đất có thuộc quy hoạch hay không trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

– Hỏi thông tin về thửa đất từ cán bộ địa chính xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất.

– Kiểm tra thông tin thửa đất từ Văn phòng đăng ký đất đai.

– Khai thác thông tin đất đai thông qua các phương tiện internet.

– Kiểm tra thông tin đất đau thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản.

 

3. Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý là thông tin gốc về doanh nghiệp.

Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. theo đó các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

– “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

– “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mà qua công tác kiểm tra, xác minh của Cơ quan quản lý thuế và các đơn vì có liên quan không tìm thấy doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký. Thông tin về doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký do Cơ quan quản lý thuế cung cấp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc thay đổi, cập nhật, thời điểm chuyển tình trạng pháp lý và kết thúc tình trạng pháp lý do Cơ quan quản lý thuế quyết định. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp, cập nhật tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” của doanh nghiệp tới Cơ quan đăng ký kinh doanh qua Hệ thống thông tin đăng ký thuế kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện ghi nhận, cập nhật tình trạng pháp lý do Cơ quan quản lý thuế cung cấp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– “Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cưỡng chế về quản lý thuế” là ngày Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế” là ngày Phòng Đăng ký kinh doanh khôi phục lại tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở văn bản đề nghị của Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– “Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có nghị quyết, quyết định giải thể theo khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định của Toà án theo khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập và đang làm thủ tục quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập. Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý ” Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập được cấp đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở chia, hợp nhất, sáp nhập công ty.

– “Đang làm thủ tục phá sản” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Toà án theo quy định của pháp luật về phá sản. Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đang làm thủ tục phá sản” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Toà án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp. Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– “Đang hoạt động” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không thuộc tình trạng pháp lý quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 6 Điều này.

Trên đây là bài viết của Luật LVN Group gửi tới Quý bạn đọc các vấn đề pháp lý liên quan đến “Tình trạng pháp lý là gì? Ví dụ tình trạng pháp lý doanh nghiệp, thửa đất?”. Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới Chúng tôi qua số tổng đài 1900.0191 để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng!