1. Thế nào là lôi kéo người khác sử dụng ma túy ?

Đầu tiên là về thuật ngữ “lôi kéo” – từ này được hiểu mang sắc thái nghĩa tiêu cực, hành vi lôi kéo chỉ những hành động dùng lời lẽ, hành vi để dụ dỗ, hướng người khác đến những việc làm, suy nghĩ và cách thể hiện tiêu cực, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của người bị lôi kéo hoặc người khác, thâm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng và vi phạm đạo đức, quy định của pháp luật.

Từ định nghĩa về hành vi lôi kéo có thể hiểu, hành vi lôi kéo người khác sử dụng ma túy là hành vi xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng các chất ma túy và gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ.

Theo quy định tại Khoản 1 – Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đưa ra định nghĩa về hành vi lôi kéo người khác sử dụng ma túy trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, các hành vi được cho là lôi kéo người khác sử dụng ma túy như sau:

– Trường hợp rủ rê, dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy để họ sử dụng trái phép chất ma túy một cách tự nguyện. Ví dụ: Anh A là người nghiện mà túy, A dụ dỗ, dùng những lời lẽ nói rằng ma túy giúp giảm căng thẳng, làm tinh thần thoải mái, quên đi mọi nỗi đau khổ muộn phiền để B là một người bình thường khác sử dụng trái phép chất ma túy với mình,…

– Dùng các thủ đoạn khác nhằm kích thích người khác sử dụng trái phép chất ma túy như: Cố ý sử dụng thử cho họ thấy, dùng những cử chỉ, hành động để mời gọi họ sử dụng “thử” chất ma túy. cung cấp thông tin để họ biết, hoặc rủ rê họ buôn bán để có tiền sử dụng trái phép chất ma túy,… Ví dụ: A là người nghiện ma túy và đồng thời cung cấp ma túy cho những đối tượng khác, A rủ rê B cũng là người bình thường dùng “thử” hàng của B và mời B mua ma túy của mình bán để sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị quy vào hành vi lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy, tuy nhiên nếu A rủ rê và chào gọi C cũng là một người nghiện ma túy sử dụng ma túy và mua ma túy của mình thì trường hợp này lại không xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy theo quy định tại Điều 258 Luật Hình sự…

Như vậy, người nào có hành vi dụ dỗ, xúi giục nhằm khêu gợi  sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy với mình thì thuộc trường hợp rủ rê, lôi kéo theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, đối với trường hợp nếu các con nghiện cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng ma túy thì không xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy theo quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự mà được xem là tội sử dụng trái phép chất ma túy.

 

2. Cấu thành tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy ?

2.1 Mặt khách quan của tội phạm :

Xét về Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy dưới các góc độ sau đây:

– Người nào biết nhưng vẫn có hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúc giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy để họ tự nguyện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị pháp luật nghiêm cấm. Trong trường hợp người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý ngoài hành vi lôi kéo người sử dụng trái phép chất ma tuý còn có hành vi đưa chất ma tuý vào cơ thể của người sử dụng ma tuý hoặc tìm kiếm người sử dụng trái phép chất ma tuý cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý để người tổ chức đưa chất ma tuý vào cơ thể của người sử dụng trái phép chất ma tuý;

– Người nào biết nhưng cố tình có hành vi, thủ đoạn như: cung cấp thông tin, sử dụng trước mặt,.. nhằm mục đích khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy thì bị pháp luật nghiêm cấm. Trường hợp người phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ có hành vi lôi kéo, còn việc đưa chất ma tuý vào cơ thể của người bị cưỡng bức, bị lôi kéo là do tự người sử dụng ma tuý thực hiện.

 

2.2 Mặt chủ quan của tội phạm :

Người thực hiện hành vi Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết được mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của ma túy nhưng vẫn cố tình dụ dỗ, lôi kéo, xúi giục hoặc khêu gợi sự ham muốn của người khác nhằm hướng họ đến mục đích sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi này thể hiện là lỗi cố ý phạm tội.

 

2.3 Chủ thể của tội phạm :

Chủ thể của hành vi Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là tất cả những cá nhân, tổ chức có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi sử dụng chất ma túy nhưng vẫn cố tình thực hiện.

 

2.4 Khách thể của tội phạm : 

Theo Khoản 5 – Điều 5Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 Quy định về hành vi bị nghiêm cấm như sau: Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, người sử dụng chất ma tuý lại không phải là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thoả mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.

Các hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm trực tiếp đến các quy định của pháp luật và Nhà nước về hoạt động quản lý, sử dụng các chất ma túy và gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người bị lôi kéo và những người xung quanh.

Khi xác định được cấu thành tội phạm của Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ là căn cứ đánh giá mức độ phạm tội, mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng đến trật tự xã hội cũng như xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của con người.

 

3. Hình phạt đối với tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy ?

Theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 258 như sau:

– Trường hợp người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự cũng liệt kê những trường hợp người phạm tội thuộc một trong các trường hợp được xem là tình tiết tăng nặng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 + Có tổ chức: Hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức nghĩa là có nhiều người đã có động cơ, chủ đích trước và liên kết với nhau, có kế hoạch thực hiện hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Những người thực hiện hành vi này phạm tội dưới hình thức đồng phạm, mỗi người thực hiện chức năng của mình sử dụng lời nói, hành động để nhằm khiến cho đối phương nghe theo và thực hiện theo mục đích trái pháp luật của mình. Phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức, có thể có nhiều người là đồng phạm, nhưng cũng có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành. Nhưng đã là phạm tội có tổ chức thì sẽ phải có người thực hành và người tổ chức, nếu thiếu một trong hai người này thì không bị coi là phạm tội có tổ chức.

+ Phạm tội 02 lần trở lên: Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy 02 lần trở lên là đã có hành vi tái phạm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời trong số các lần lôi kéo sử dụng chất ma túy đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi: đây là trường hợp người phạm tội tiến hành phạm tội với mục đích xấu xa, thấp hèn, bất chấp danh dự, nhân phẩm, tư cách để thực hiện. Động cơ của bị cáo mang tính hèn nhát, bội bạc, phản trắc, ích kỷ. Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy vì động cơ đê hèn là trường hợp vì sự ích kỷ, phản trắc, bội bạc, xấu xa, hèn nhát mà lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi (chưa đủ 18 tuổi), do đó người chưa thành niên được hiểu là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi. Để xác định độ tuổi người phạm tội hoặc người bị hại sẽ căn cứ theo: Giấy khai sinh, Giấy chứng sinh, Căn cưới / chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Hộ chiếu, hoặc những biện pháp nghiệp vụ xác minh khác.

+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai: Trường hợp người phụ nữ bị bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ngoài ra, trong trường hợp người phụ nữ sử dụng trái phép không có thai, nhưng người phạm tội tin lầm là có thai nên vẫn lôi kéo họ sử dụng trái phép chất ma tuý thì vẫn bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai.

+ Đối với 02 người trở lên ;

+ Đối với người đang cai nghiện: Trường hợp nếu như người đang cai nghiện được xác định là nghiện ma túy đang trong thời gian cai nghiện hoặc chưa kết thức thời hạn cai nghiện đã có quyết định đưa vào trung tâm cai nghiện mà lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì không thuộc trường hợp phạm tội đối với người đang cai nghiện;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: việc xác định tổn hại sức khỏe, tinh thần được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;

+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: Hành vi lôi kéo người khác sử dụng chất ma túy mà dẫ đến người đó mắc bệnh nguy hiểm là những bệnh không có khả năng cứu chữa, dễ dẫn đến tử vong hoặc tuy không dẫn đến tử vong nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khoẻ suốt đời. Ví dụ như: HIV / AIDS,…;

+ Tái phạm nguy hiểm: Đối với hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục lôi kéo khác sử dụng trái phép chất ma túy.

– Khung hình phạt tiếp theo, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

  •  Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;
  •  Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
  •  Đối với người dưới 13 tuổi.

– Ngoài ra, trong trường hợp người phạm tội trong trường hợp gây ra hậu quả chết người, cụ thể chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

– Về khung hình phạt bổ sung : người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 

4. Một số câu hỏi liên quan đến hành vi Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy ?

 Lôi kéo, đe dọa, cưỡng bức phụ nữ có thai sử dụng ma túy sẽ bị xử phạt như thế nào ?

Luật LVN Group xin giải đáp thắc mắc của bạn đọc Theo quy định tại Điều 258: Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

– Trường hợp Lôi kéo người khác sử dụng ma túy là hành vi xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng các chất ma túy và gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Căn cứ Điều 258 – Bộ luật hình sự 2017 có quy định về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau: Đối với phụ nữ mà biết là có thai. Như vậy, theo quy định như trên, nếu người nào biết tình trạng phụ nữ đang mang thai mà vẫn lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra người này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

– Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu như người có hành vi cưỡng bức phụ nữ mà mình biết là có thai sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 

Thưa Luật sư LVN Group, trong trường hợp con tôi nghiện ma túy cùng với một nhóm người, tuy nhiên khi bị công an bao vây con tôi không sử dụng mà túy. Tôi muôn hỏi trong trường hợp con tôi không bị bắt quả tang hành vi lôi kéo người khác sử dụng ma túy mà chỉ căn cứ theo lời khai của những người bị bắt đang sử dụng ma túy rằng con tôi lôi kéo họ sử dụng thì lời khai đó có thể là chứng cứ buộc tội con tôi không ?

Rất mong nhận được câu trả lời của quý Luật sư sớm nhất !

Cảm ơn câu hỏi của khách hàng gửi về cho Luật LVN Group, chúng tôi đưa ra tư vấn cho bạn trong trường hợp này như sau:

Căn cứ theo Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định về lời khai như sau:

Điều 98: Lời khai của bị can, bị cáo

  •  Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án.
  •  Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
  •  Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

​Từ quy định trên có thể thấy rằng, lời khai của bị can, bị cáo cũng được xem là một nguồn chứng cứ. Tuy nhiên trong trường hợp nếu bị can, bị cáo khai nhận hoặc nhận tội thì cơ quan chức năng cần xem xét nhiều nguồn chứng cứ khác nhau chứ không được xét lời nhận tội là nguồn chứng cứ duy nhất. 

Theo đó, nếu chỉ có lời khai của những người khác về con trai anh thì cần xem xét xem trường hợp những người bị bắt khi đang sử dụng đã có sự thỏa thuận, thông đồng với nhau trước đó để khai báo nhằm liên đới trách nhiệm cho con trai anh. Đồng thời cần có những bằng chứng cụ thể như: tin nhắn, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình,..  cụ thể trong trường hợp nếu con trai anh bị ghi lại bằng chứng về việc lôi kéo người khác để dẫn đến người đó bị nghiện ma túy thì con anh sẽ bị xử phạt theo tội Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, nếu những người này khi cơ quan giám định khám sức khỏe và kết luận đã nghiện ma túy trước thời điểm bị bắt cùng con anh thì con anh sẽ không bị kết luận về tội này.

Tuy nhiên, việc xác định một người có hành vi phạm tội hay không thì cần phải có kết luận của cơ quan điều tra cũng như cơ quan giám định trực tiếp về vụ việc.

Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.0191 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Hy vọng những thông tin trên chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ sẽ giúp bạn trong việc xác định khung hình phạt với những hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định pháp luật. Trong trường hợp bài viết có nội dung nhầm lẫn hoặc bạn có thắc mắc về vấn đề này xin vui lòng liên hệ qua email: [email protected], để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin chân thành cảm ơn!