1. Hỏi cung bị can là gì?

Hỏi cung bị can là hoạt động của Điều tra viên và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự nhằm thu thập chứng cứ về nội dung vụ án cũng như những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết, có ý nghĩa làm rõ nội dung vụ án, hay nói cách khác: hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra do Điều tra viên tiến hành, thông qua việc hỏi cung bị can để củng cố và chứng minh hành vi phạm tội củabị can cũng như các thông tin khác góp phần làm sáng tỏ nội dung vụ án.

 

2. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc hỏi cung bị can

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân là tư tưởng lớn của Hiến pháp năm 2013 đòi hỏi phải được quán triệt và thể hiện đầy đủ trong các dự án luật, trong đó có Bộ luật tố tụng hình sự. Tố tụng hình sự là quá trình phát hiện và xử lý tội phạm, song không chấp nhận phát hiện tội phạm bằng mọi giá mà phải tôn trọng con người, bởi lẽ cho đến khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị buộc tội vẫn chưa bị coi là có tội, được Hiến pháp quy định quyền suy đoán vô tội, quyền được xét xử công bằng, quyền được bảo đảm quyền bào chữa… (Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành đã cụ thể hóa sâu sắc các tư tưởng tiến bộ của Hiến pháp năm 2013, trong đó phải để cập những điều chỉnh liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm yêu cầu quan trọng này.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: trong trường hợp cần thiết Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can (Điều 131). Quy định này mang tính định tính, không cụ thể và chưa đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên. Nhằm tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định 04 trường hợp Kiểm sát viên phải hỏi cung bị can:

– Bị can kêu oan;

– Bị can khiếu nại hoạt động điều tra;

– Có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật;

– Những trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

Điều này đặt trách nhiệm với các Kiểm sát viên phải theo sát hoạt động điều tra, nắm chắc diễn biến, tiến độ của vụ án và khi thuộc các trường hợp luật định phải tiến hành hỏi cung bị can (chứ không phải là có thể hỏi cung như hiện nay) để cùng Cơ quan điều tra giải quyết đúng đắn vụ án, đồng thời, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của bị can.

 

3. Lập biên bản hỏi cung bị can của Kiểm sát viên

Theo quy định tại khoản 4 Điều 183 và khoản 3 Điều 236 BLTTHS 2015, trong cả ba giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), khi xét thấy cần thiết Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, cụ thể:

– Trong giai đoạn điều tra: Bị can kêu oan, khiếu nại về hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật.

– Trong giai đoạn truy tố: Nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu chứng cứ để quyết định việc truy tố.

– Trong giai đoạn xét xử: Khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 và Điều 184 BLTTHS. Việc lập biên bản thực hiện theo mẫu số 126/HS (ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Mẫu biên bản hỏi cung bị can số 126/HS được xây dựng trên cơ sở quy định của BLTTHS, đầy đủ nội dung, thuận lợi cho hoạt động của Kiểm sát viên.

 

4. Những vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý khi hỏi cung bị can

Một vấn đề quan trọng mà Kiểm sát viên cần quan tâm là phải xác định mục đích của việc trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can là gì? Để làm rõ việc bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoạt động điều tra hay để làm rõ, bổ sung, giải quyết các mâu thuẫn trong lời khai của bị can, làm rõ các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra…

Nếu bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoạt động điều tra thì Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ nội dung các đơn thư, tài liệu mà bị can xuất trình, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện việc kêu oan của bị can; các biên bản, tài liệu liên quan đến hoạt động điều tra mà bị can khiếu nại; từ đó xem xét việc kêu oan, khiếu nại của bị can là có căn cứ hay không, với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở để kết luận chấp nhận hay không chấp nhận việc kêu oan, khiếu nại của bị can chưa; nếu chưa đủ cơ sở để kết luận thì việc hỏi cung cần phải làm rõ, bổ sung những nội dung gì.

Nếu có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật thì Kiểm sát viên tập trung xem xét các biên bản, tài liệu, chứng cứ thể hiện việc vi phạm pháp luật của Cơ quan điều tra, Điều tra viên khi tiến hành các hoạt động điều tra, xác định vi phạm pháp luật đó là gì, tính chất, mức độ nghiêm trọng ra sao, cần thu thập nội dung gì khi hỏi cung bị can để làm rõ, kết luận về những vi phạm pháp luật đó.

Trường hợp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ mâu thuẫn hoặc chưa rõ, chưa đầy đủ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội, thì Kiểm sát viên ghi chép lại đầy đủ, cụ thể các mâu thuẫn, các vấn đề chưa được làm rõ, các lời khai của bị can trong các bản cung, rồi dự kiến các câu hỏi phải đưa ra để bị can trả lời, các chứng cứ, tài liệu sử dụng đấu tranh với bị can, cũng như chuẩn bị các thủ thuật hỏi cung cụ thể.

 

5. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỏi cung bị can của Kiểm sát viên

Trước khi tiến hành hoạt động kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trong vụ án, có những nhận xét, đánh giá sơ bộ về những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ý nghĩa của các tài liệu trong việc chứng minh tội phạm? xác định những vấn đề chưa được làm rõ, những vấn đề còn mâu thuẫn… Nắm rõ nội dung diễn biến của vụ án, loại và đặc điểm vật chứng đã thu giữ; thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và phương thức che giấu để tránh bị phát hiện của bị can. Nắm rõ những thông tin về lai lịch của bị can, về những mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội thông thường, quan hệ với các đối tượng khác trong đường dây tội phạm có gì đặc biệt, có ý nghĩa trong đấu tranh với các bị can khác trong cùng vụ án; xác định vai trò của bị can trong vụ án.

Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên về kế hoạch tiến hành hỏi cung; nội dung hỏi cung; phương pháp hỏi cung; Kiểm sát viên phải luôn thận trọng trong cả trường hợp bị can nhận tội, cũng như các trường hợp bị can chối tội, không khai báo hành vi phạm tội cũng như việc bị can kêu oan.

Khi bị can nhận tội thì những lời khai của bị can có phù hợp với lời khai của những người làm chứng và vật chứng đã thu giữ trong vụ án không? Đối với bị can chối tội thì cũng phải xác định nguyên nhân của việc không khai báo các chứng cứ khác để chứng minh nhằm buộc tội bị can có đủ căn cứ không? Có đảm bảo tính khách quan không đối với các chứng cứ sẽ được đưa ra sử dụng để đấu tranh, buộc tội bị can. Trong các trường hợp bị can là người không biết chữ, người nước ngoài, người dân tộc ít người không biết tiếng Việt, hoặc bị can có nhược điểm về thể chất thì cần phải mời người phiên dịch, Trợ giúp pháp lý… tham gia buổi hỏi cung.

Khi tham gia kiểm sát việc hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần phải lưu ý quan sát không gian nơi tiến hành hỏi cung, tùy thuộc vào điều kiện thực tế Kiểm sát viên sẽ lựa chọn vị trí ngồi cho phù hợp làm sao có thể quan sát bao quát được toàn bộ hoạt động hỏi cung. Kiểm sát việc Điều tra viên phải giải thích về quyền và nghĩa vụ cho bị can, thông báo cho bị can biết mình đang bị khởi tố điều tra về tội danh gì. Việc giải thích đầy đủ sẽ giúp cho bị can nắm rõ về những quyền của họ được hưởng và nhiệm vụ của họ sẽ phải thực hiện chấp hành, nếu bị can chưa rõ về vấn đề gì thì cần phải giải thích ngay cho bị can hiểu, đối với những đề nghị của bị can thì vấn đề nào hợp lý, không trái quy định của pháp luật thì cần chấp nhận, còn những vấn đề không thể thực hiện vì trái quy định của pháp luật hoặc chưa thể thực hiện ngay được thì cũng phải giải thích cặn kẽ cho bị can biết. Kiểm sát việc Điều tra viên có kiểm tra về tình trạng sức khỏe của bị can, thời điểm hiện tại có đau ốm, bệnh tật gì không? Có đủ sức khỏe, tỉnh táo, minh mẫn để làm việc không?

Kiểm sát việc Điều tra viên giải quyết các đề nghị của bị can như thế nào? Có phù hợp và đúng với các quy định của pháp luật hay không? Khi Điều tra viên hỏi Kiểm sát viên cần có sự quan sát phương pháp hỏi cung mà Điều tra viên đang sử dụng; cách đặt câu hỏi của Điều tra viên có ngắn, rõ ràng không? trong câu hỏi có ẩn ý hoặc có sự ám chỉ ra hiệu về một vấn đề gì không? Nội dung mà Điều tra viên hỏi có làm rõ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án không? nhất là các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản, đó là phải trả lời được các vấn đề sau: Bị can có thực hiện hành vi phạm tội không? nếu có thì thực hiện vào thời gian nào? địa điểm thực hiện hành vi phạm tội ở đâu? đối tượng phạm tội là gì? đặc điểm hình thức của vật chứng ra sao? phương thức thực hiện hành vi phạm tội, thủ đoạn che giấu như thế nào? động cơ, mục đích của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội? bị can thực hiện hành vi phạm tội cùng với ai? đó là những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự.

Thông qua hoạt động kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can chặt chẽ sẽ góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, chặt chẽ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; góp phần hạn chế những thiếu sót vi phạm của Điều tra viên trong quá tình điều tra vụ án hình sự.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)