Bà Tiến và ông Bình lập gia đình năm 1974. Thời gian đầu, cuộc sống không có xô xát gì lớn, nhưng càng về sau, ông càng trở nên độc đoán, đối xử tàn nhẫn với vợ con. Những trận đòn vô cớ liên tiếp dội lên đầu. Bà đã từng nhập viện tâm thần điều trị hơn một tháng vì bị chồng đánh cho đến gần ngất xỉu, làm ảnh hưởng dây thần kinh não.

Công an xã Lam Cốt và chính quyền địa phương đã nhiều lần can thiệp, ông Bình tỏ ra ăn năn hối lỗi, nhưng sau đó lại chứng nào, tật nấy. Không chỉ với vợ, ngay cả những đứa con đẻ của ông cũng sẵn sàng chịu trận bất kể lúc nào.

Theo lời bà Tiến và các con trình bày, ông Bình cũng đã xác nhận trước toà: Gia đình vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi và sau này làm thêm nghề xay sát gạo. Nhà ông bà có cả một gian chứa thóc, lúc nào thóc trong nhà cũng có hàng chục tấn. Nhưng gian thóc đó bị ông khoá chặt, mẹ con bà không bao giờ được bước chân vào.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Đi chợ bán gạo về nộp lại tiền cho ông. Hàng tháng, ông cân ra một số thóc nhất định cho cả nhà ăn, nếu không đủ thì lấy khoai, sắn trừ bữa. Con trai út nấu cháo lỡ để rớt xuống đất, ông bắt con cúi xuống liếm hết. Một lần, đi làm về không thấy con trai lớn nấu cơm, ông Bình xúc một bát… phân bò bắt con phải ăn, nó không chịu, ông đánh.

Không những thế, mẹ con bà còn bị phía gia đình ông Bình luôn tìm cớ xỉ vả, chì chiết, doạ dẫm… Ngay cả người em dâu đằng nhà chồng cũng tự cho mình “cái quyền” sỉ nhục bà.

Năm 1996, ông Bình đã từng bị toà hình sự kết án 6 tháng án treo vì tội ngược đãi vợ con. Nhưng năm 2004, ông Bình lại kiếm cớ đánh vợ nát hai bàn tay, sau đó định trói bà vào cột điện.

Sau gần 30 năm đau khổ, khi các con đã lớn, nguyện vọng giải thoát cảnh sống cơ cực của bà đã được toà giải quyết, chấp thuận đơn xin ly hôn năm 2006, nhưng bà liên tục phải hầu toà vì ông Bình tranh chấp tài sản.

Trong thời kỳ hôn nhân, ông bà xây dựng được hai ngôi nhà. Một trên mảnh đất sát bên gia đình ông Bình, do bố mẹ ông Bình chia cho (đất trong), và một trên mảnh đất ông bà mua thêm ở phía ngoài cổng (đất ngoài).

Khi yêu cầu phân chia tài sản, bà Tiến chỉ tha thiết xin được ở mảnh đất ngoài để sống tuổi già thanh thản về tinh thần, để chăm lo cho các con, tránh sự va chạm với gia đình chồng (vì đất trong nằm kề bên gia đình chồng, đi chung cổng, ngõ), với nguyện vọng: “Tôi không tranh chấp vì kinh tế, không vì nhà ngoài có giá trị hơn nhà trong, vì tôi đã chấp nhận trắng tay dù cả đời quần quật lao động, chỉ mong có một chỗ ở độc lập là ngôi nhà phía ngoài, để không còn bị ức hiếp, để tiếp tục nuôi con. Nếu trước toà, ông Bình cam kết quay về chăm sóc, lo cho tương lai của chúng thì tôi xin ra đi tay trắng”.

Nhưng nguyện vọng chính đáng của người phụ nữ đó đã không được xem xét. Toà án Nhân dân huyện Tân Yên, sau khi xét xử lại, đã buộc bà Tiến phải nhận phần đất trong. Nghĩa là, nếu bản án được thực thi thì bà Tiến sẽ phải tiếp tục cuộc sống tủi nhục trong sự o ép về tình thần như từ trước tới nay bà đang chịu đựng.

Dư luận đòi hỏi trách nhiệm và lương tâm của những người cầm cân, nảy mực trước những hoàn cảnh như bà Tiến.

SOURCE: BÁO LAO ĐỘNG ĐIỆN TỬ – TIỂU PHƯƠNG

Trích dẫn từ: http://www.laodong.com.vn

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)