Người gửi: Hoàng Phong

Câu hỏi được biên tập từchuyên mục hỏi đáp pháp luậtcủa Công ty Luật LVN Group.

khai sinh

Luật sư tư vấn đăng ký khai sinh cho trẻ em gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008

Luật Quốc tịch Thái Lan.

Luật Quốc tịch Nhật Bản.

Luật Quốc tịch Cộng hòa Hàn Quốc.

Nội dung phân tích:

Điều 15, 16 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định:

“Điều 15. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam      

Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

Điều 16. Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam

1. Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.”

Điều 2 Luật Quốc tịch Nhật Bản quy định:

“Điều 2. Có quốc tịch do sinh ra.

Trẻ em được công nhận là công dân Nhật Bản nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Tại thời điểm trẻ em sinh ra, cha hoặc mẹ là công dân Nhật Bản.

2. Cha của trẻ em đã chết trước khi đứa trẻ sinh ra, có quốc tịch Nhật Bản ở thời điểm người cha chết.

3. Trẻ em không xác định được cha mẹ là ai hoặc cha mẹ là người không quốc tịch sinh ra trên lãnh thổ Nhật Bản thì mang quốc tịch Nhật Bản.”

Điều 7 Luật Quốc Tịch Thái Lan quy định”

“Điều 7. Những người sau đây được công nhận có quốc tịch Thái Lan do sinh ra:

(1) Trẻ em được sinh ra có cha hoặc mẹ mang quốc tịch Thái Lan, không kể được sinh ra ở trong hay ngoài lãnh thổ Thái Lan;

(2) Trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Thái Lan trừ những người được qui định tại Điều 7 bis, đoạn 1.”

Điều 2 Luật Quốc tich Cộng hòa Hàn Quốc quy định:

“Điều 2. Có quốc tịch do sinh ra.

(1) Người nào đáp ứng một trong các điều kiện sau đây sẽ được công nhận là công dân nước Cộng hoà Hàn Quốc tại thời điểm sinh ra:

1. Cha hoặc mẹ người đó là công dân nước Cộng hoà Hàn Quốc tại thời điểm người đó sinh ra;

2. Người có cha đã từng là công dân nước Cộng hoà Hàn Quốc tại thời điểm chết, nếu như chết trước khi người đó sinh ra;

3. Người được sinh ra trên lãnh thổ nước Cộng hoà Hàn Quốc, không xác định được cha mẹ là ai hoặc cha mẹ là người không quốc tịch.

(2) Trẻ em bị bỏ rơi được tìm thấy trên lãnh thổ nước Cộng hoà Hàn Quốc được xem như là sinh ra trên lãnh thổ nước Cộng hoà Hàn Quốc.”…

Như vậy, có hai nguyên tắc phổ biến để các quốc gia xác lập quốc tịch cho trẻ em mới được sinh ra. Đó là, quốc tịch của đứa trẻ được xác định theo quốc tịch của cha, mẹ (nguyên tắc huyết thống) hoặc đứa trẻ được sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia nào thì có quốc tịch của quốc gia đó (nguyên tắc nơi sinh). Tuy nhiên, nếu một quốc gia chỉ áp dụng một trong hai nguyên tắc nêu trên thì sẽ xảy ra tình trạng rất nhiều đứa trẻ sinh ra sẽ không có quốc tịch của quốc gia nào cả. Cụ thể, đối với nguyên tắc thứ nhất, đứa trẻ sẽ không có quốc tịch khi cha và mẹ của đứa trẻ không có quốc tịch, hoặc khi không xác định được cha mẹ của đứa trẻ là ai. Ví dụ: Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và được tìm thấy trên lãnh thổ của quốc gia áp dụng nguyên tắc huyết thống. Do đó, nếu không xác định được quốc tịch của cha mẹ thì sẽ không thể xác định được quốc tịch của đứa trẻ. Đối với nguyên tắc thứ hai, đứa trẻ cũng có thể không có quốc tịch khi cha mẹ của đứa trẻ là công dân của quốc gia áp dụng nguyên tắc nơi sinh mà đứa trẻ lại được sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia áp dụng nguyên tắc huyết thống. Bởi vì lúc này, quốc gia của cha mẹ đứa trẻ không chấp nhận quốc tịch của đứa trẻ với lý do theo pháp luật của quốc gia này thì đứa trẻ phải được xác định là có quốc tịch của quốc gia nơi được sinh ra. Nhưng ngược lại, quốc gia nơi đứa trẻ được sinh ra lại áp dụng nguyên tắc huyết thống và cho rằng đứa trẻ phải có quốc tịch của nước mà cha mẹ đứa trẻ là công dân nên không chấp nhận đứa trẻ có quốc tịch của quốc gia mình. Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm đảm bảo cho trẻ em được sinh ra đều có quốc tịch, rất nhiều quốc gia áp dụng đồng thời cả hai nguyên tắc huyết thống và nơi sinh để xác định quốc tịch cho trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ của mình.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – CÔNG TY LUẬT LVN GROUP.