1.Quyền và nghĩa vụ của bị can ?
– Được biết lý do mình bị khởi tố;
– Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
– Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này
– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội
– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá
– Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật
– Tự bào chữa, nhờ người bào chữa
– Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bị can có nghĩa vụ:
– Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
– Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm tron trường hợp nào ?
Căn cứ vào điều 181 bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định :
Điều 181. Tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm
Khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức này phải trả lời bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát đã kiến nghị biết.
Như vậy, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra nếu xét thấy việc bị can tiếp tục đảm nhiệm chức vụ sẽ gây trở ngại, khó khăn cho hoạt động điều tra thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Có thể thấy đây là một quy định hết sức hợp lý và phù hợp với thực tiễn việc giải quyết vụ án hình sự. Một trong những nguyên tắc của tố tụng hình sự chính là việc đảm bảo việc xác định sự thật vụ án. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Vì vậy, bất cứ hành vi nào gây cản trở, khó khăn cho công tác điều tra tìm ra sự thật vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm loại bỏ trở ngại. Tạm đình chỉ chức vụ của bị can là một trong các biện pháp loại bỏ trở ngại trong điều tra vụ án hình sự.
3.Các trường hợp gây khó khăn cho việc điều tra
Ta có thể hiểu như sau:
+ Nếu để đảm nhiệm chức vụ đó thì bị can vẫn có thể tiếp tục hoặc có điều kiện tiếp tục các hoạt động phạm tội.
+ Nếu để đảm nhiệm chức vụ đó, bị can sẽ có điều kiện gây trở ngại cho việc điều tra tội phạm, như tiêu huỷ hoặc làm sai lệch nội dung tài liệu, chứng từ hoặc gây tác động, ảnh hưởng đến việc khai báo của người làm chứng, người bị hại v.v…
Cần lưu ý trường hợp, nếu bị can vẫn tiếp tục giữ chức vụ mà không gây khó khăn cho việc điều tra thì không cần thiết phải tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Thủ tục tạm định chỉ chức vụ của bị can trong tố tụng hình sự
– Trong thời hạn 07 ngày, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can phải trả lời kiến nghị về việc tạm đình chỉ chức vụ của bị can cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
– Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức này phải trả lời bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát đã kiến nghị biết.
– Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can không ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ của bị can mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thấy rằng việc đó không đáp ứng được yêu cầu của công tác điều tra thì có quyền tiếp tục kiến nghị lên cơ quan, tổ chức quản lý cấp trên của bị can.
Trong trường hợp được tuyên vô tội, chức vụ của bị can có thể được khôi phục.
4. Các trường hợp tạm định chỉ chức vụ
– Tạm đình chỉ chức vụ trong trường hợp nếu để bị can tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đó thì bị can vẫn có thể tiếp tục hoặc có điều kiện tiếp tục các hoạt động phạm tội.
– Tạm đình chỉ chức vụ trong trường hợp nếu để bị can đảm nhiệm chức vụ đó, bị can sẽ có điều kiện gây trở ngại cho việc điều tra tội phạm, như tiêu huỷ hoặc làm sai lệch nội dung tài liệu, chứng từ hoặc gây tác động, ảnh hưởng đến việc khai báo của người làm chứng, người bị hại v.v…
Trong trường hợp, nếu bị can vẫn tiếp tục giữ chức vụ mà không gây khó khăn cho việc điều tra thì không cần thiết phải tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Dẫn chứng về bị can trong vụ án hình sự bị tạm đình chỉ chức vụ: Trong trường hợp bi can bị khởi tố với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị can bị khởi tố với tội danh thuộc một trong những tội phạm về tham nhũng được quy định tại Điều 355 BLHS 2015. Yêu cầu bắt buộc đối với chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, doanh nghiệp…Trong công tác điều tra, nếu vẫn để bị can đảm nhiệm chức vụ sẽ gây bất lợi trong công tác thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra. Mặt khác, bị can có thể lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình gây tác động, làm ảnh hưởng đến lời khai của nhân chứng vụ án,…và rất nhiều áp lực khác lên cơ quan điêu tra. Vì vậy, với việc trao quyền cho cơ quan, người tiến hành tố tụng được lựa chọn biện pháp tạm đình chỉ chức vụ của bị can là một quy định hết sức hợp lý.
5.Một số biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự
Ngoài biện pháp tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm, Pháp luật hình sự Việt Nam cũng quy định tương đối cụ thể về các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế mà cơ quan, người tiến hành tố tụng có thể áp dụng trong quá trình tìm ra sự thật của vụ án.
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Giữ người trong trường hợp khẩn cấp
Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:
– Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
– Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
– Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Bắt người phạm tội quả tang
– Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
– Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
– Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bắt người đang bị truy nã
– Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt người bị truy nã và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
– Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
– Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.