1, Bản chất của hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong y học là gì?
Căn cứ Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:
– Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.
– Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.
– Bộ phận cơ thể không tái sinh là bộ phận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người thì cơ thể không thể sản sinh hoặc phát triển thêm bộ phận khác thay thế bộ phận đã lấy.
– Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
– Lấy mô, bộ phận cơ thể người là việc tách mô, bộ phận từ cơ thể người hiến khi còn sống hoặc sau khi chết.
– Ghép mô, bộ phận cơ thể người là việc cấy ghép mô, bộ phận tương ứng của cơ thể người hiến vào cơ thể của người được ghép.
– Chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được.
Ghép mô, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.
2, Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong pháp luật Việt Nam
Căn cứ Điều 35 Bộ Luật dân sự 2015 quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được quy định như sau:
– Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
– Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
– Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác còn được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý rất chặt chẽ.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Bên cạnh đó Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong phạm vi cả nước. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tại địa phương
3. Tư vấn chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người hiến tạng (thân) cứu người?
Sau khi tôi lên gặp cán bộ xã thì họ nói với tôi là những giấy tờ này không đủ thuyết phục để làm bhyt cho tôi. Bảo tôi vào bệnh viện xin giấy yêu cầu xã phường cấp giấy xác nhận làm bhyt nhưng bệnh viện nhất quyết bảo là không có giấy đó thì tôi phải làm sao ạ. Cảm ơn.
Chuyên viên tư vấn trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1.Cơ sở pháp lý :
– Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014
– Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế .
– Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09 tháng 09 năm 2015, ban hành quyết định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
2. Nội dung phân tích:
Thứ nhất là về đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế. Căn cứ theo điểm m, khoản 3, điều 12 Luật Bảo hiểm y tế có quy định cụ thể như sau:
“ Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
….
m) Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; “
Theo quy định của luật thì bạn thuộc 1 trong những đối tượng được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Thứ hai là về thủ tục xin cấp thẻ bao hiểm y tế. Vấn đề này được quy định tại khoản 2, điều 5 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014, cụ thể như sau:
“ 2. Việc cấp thẻ BHYT đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật thực hiện như sau:
a) Cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể người có trách nhiệm ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể” trên giấy ra viện;
b) Tổ chức Bảo hiểm xã hội căn cứ giấy ra viện quy định tại Điểm a Khoản này cấp thẻ BHYT cho người đã hiến bộ phận cơ thể và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú;
c) Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày người đã hiến bộ phận cơ thể ra viện. “
Theo quy định như vậy thì các bước bạn cần làm là cầm giấy ra viện đến tổ chức bảo hiểm xã hội tại nơi mình cư trú để các cán bộ có thẩm quyền giúp bạn thực hiện đúng trình tự của việc cấp thẻ bảo hiểm y tế. Vì sau khi đưa cho bạn giấy ra viện, bệnh viện đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ bạn xin cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Để việc chuẩn bị giấy tờ được đầy đủ, bạn nên chuẩn bị đủ theo quy định tại điều 27 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09 tháng 09 năm 2015, cụ thể như sau :
“ Điều 27. Tham gia BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người tham gia:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật: Giấy ra viện có ghi đã hiến bộ phận cơ thể người.
1.2. UBND xã: Danh sách tăng, giảm người tham gia BHYT (Mẫu DK05) đối với các đối tượng do UBND xã lập danh sách.
1.3. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (trường hợp người tham gia đăng ký tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách tham gia BHYT của đối tượng tự đóng (Mẫu DK04). “
Bên cạnh đó, Điểm b, Khoản 3, Điều 33 Quyết định 959/QĐ- BHXH cũng quy định:
“Điều 33. Người tham gia
3. Người tham gia BHYT
b) Người tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng BHYT: nộp hồ sơ cho UBND xã.
Người đã hiến bộ phận cơ thể người: nộp Giấy ra viện cho cơ quan BHXH”.
Qua những căn cứ trên, nhận thấy, bạn nên chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ theo luật định để tránh việc mất thời gian đi lại nhiều lần. Đồng thời, bạn cần nộp giấy ra viện cho cơ quan bảo hiểm xã hội chứ không phải nộp cho UBND.
Thứ ba là về mức đóng bảo hiểm y tế quy định tại điểm g, khoản 1, điều 13 Luật bảo hiểm y tế như sau:
“g) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng; “
Mà ở đây, bạn thuộc trường hợp tại điểm m, khoản 3 điều 12 nên bạn cũng sẽ nằm trong nhóm có mức đóng hàng tháng tối đa bằn 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng.
Ngoài ra, tại thời điểm hiện tại chưa có quy định nào hướng dẫn thẻ bảo hiểm y tế của người đã hiến bộ phận cơ thể người chỉ được cấp miễn phí trong một thời gian nhất định nên bạn cứ yên tâm thời gian tính thẻ sẽ là thời gian tính từ ngày bạn ra viện và được cấp thẻ miễn phí suốt đời.
4. Những quyền lợi khác mà người hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết
Theo thông tư 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác cụ thể như sau:
– Thông tư quy định rõ chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ bao gồm các nội dung hỗ trợ sau: Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
– Người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người phải nhập viện để khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế): 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày. Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày.
– Đồng thời được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của cá nhân thì căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại là khoảng cách từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại, với mức tiêu hao nhiên liệu bằng 0,2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương nơi thực hiện vận chuyển.
– Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).
– Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy ra viện (trong đó ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”) hoặc một loại giấy tờ chứng minh về việc đã hiến bộ phận cơ thể và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.
5. Điều kiện hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Căn cứ Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định về các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau:
Thứ nhất: Nguyên tắc tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Tự nguyện là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất trong luật dân sự, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác dựa trên sự tự nguyện. Trong trường hợp bệnh nhân chết não, phải có sự đồng ý, tự nguyện của thân nhân người hiến.
Thứ hai: “Hiến” vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc ghép tạng để cứu người. Việc hiến, lấy xác còn được thực hiện với mục đích nghiên cứu khoa học với những công trình y khoa có thể là tiền đề để chữa các bệnh nan y.
Thứ ba: Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác không nhằm mục đích thương mại. Chúng ta thường thấy những hành vi ấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; ấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Đây là những hành vi trái với chuẩn mực xã hội được pháp luật hình sự quy định và có chế tài rất nặng.
Ngoài ra luật còn quy định về giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
– Đối với việc hiến tạng khi còn sống (một quả thận, một phần lá gan hoặc một lá phổi), người hiến phải bảo đảm chặt chẽ các điều kiện sau:
Về cơ bản, người hiến từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, tình nguyện hiến, không trao đổi mua bán, phải đáp ứng các chỉ số y học được các cơ sở y tế chuyên ngành thăm khám, kết luận đủ điều kiện hiến tạng khi còn sống.
– Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não là trường hợp ngành y tế khuyến khích. Theo đó, bất kỳ người nào từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện đều có thể đăng ký hiến và việc hiến tặng bất kỳ mô, tạng nào chỉ diễn ra sau khi người đăng ký hiến qua đời (chết hoặc chết não).
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group