1. Cách giải quyết vụ án cố ý gây thương tích?

Tư vấn giải quyết vụ án cố ý gây thương tích?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Kính chào Luật sư, em có một số thắc mắc không biết được các văn bản pháp luật đang được áp dụng đối với một vụ án hình sự xin được tư vấn các Luật sư của LVN Group: Hiện tại nhà em đang tố cáo đến Công an quận về vụ án cố ý gây thương tích của đối tượng đã chém vào người nhà em tổng cộng 3 người (trong đó có 2 người già). Sau khi CQĐT xác minh sự việc và cho người nhà em đi giám định tỷ lệ thương tích theo đơn yêu cầu. Em không hiểu sao trong 3 đơn yêu cầu khởi tố và xin giám định đó thì có một người già 82 tuổi, phía CQĐT lại không cho đi giám định và nói không cần thiết chỉ cho người nào nặng đi giám định thôi, vậy có đúng không?

Sau khi có kết luận tỷ lệ thương tích xác định cho 2 người là 8% và 12% rồi sao CQĐT vẫn không tiến hành bắt tạm giam đối tượng đã gây thương tích cho nhà em? Trong thời gian này thì nhà em còn phải đợi thêm thời gian là bao lâu nữa thì vụ an mới được kết thúc? Sao em không được thông báo vụ án đang thụ lý đến giai đoạn nào?

Vì sao phía CQĐT không kê biên tài sản của đối tượng để có thể đảm bảo các khoản bồi thường cho nhà em? Cách tính về thiệt hại tổn thất về tinh thần cho người già được tính như thế nào thì hợp lý?

Trả lời:

1. Theo quy định của pháp luật. Luật Giám định Tư pháp 2012 đã được Quốc hội khóa XIII đã thông qua, có hiệu lực từ 01/01/2013. Luật quy định:

“Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Người yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Tại Điều 22 Luật Giám định Tư pháp 2012 quy định về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp:

“1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có quyền:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”

Bạn có nói rằng trong 3 người đi giám định theo yêu cầu có một người già 82 tuổi phía CQĐT lại không cho đi giám định và nói không cần thiết chỉ cho người nào nặng đi giám định thôi? Điều này là không đúng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật giám định (đã được viện dẫn ở trên) thì để có thể tự mình yêu cầu giám định, trước hết, người bị hại trong trường hợp này có thể gửi đơn gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan Điều tra), người tiến hành tố tụng (Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án)trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Vậy, với trường hợp của bạn thì để được giám địnhh, trước tiên, người nhà của bạn cần làm đơn bằng văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu ( được thể hiện bằng văn bản ) thì người bị hại có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 119 thì tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn được áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án. Biện pháp này do do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo luật định tiến hành áp dụng.

Căn cứ Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, việc tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); phạm tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù); Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 07 năm tù), phạm tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù) mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Trường hợp của bạn, theo quy định của pháp luật thì CQĐT phải bắt tạm giam người gây thương tích nhưng hiện tại CQĐT vẫn không tiến hành bắt tạm giam đối tượng đã gây thương tích cho người thân của bạn, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để có thể xác minh được việc không bắt tạm giam là đúng hay sai vì chỉ có thuộc những trường hợp nêu trên cơ quan điều tra mới bắt tạm giam. Bạn và gia đình có thể làm đơn khiếu nại tới CQĐT để được trả lời rõ về vấn đề này và cũng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

3. Một vụ án hình sự trải qua các giai đoạn sau: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tùy thuộc vào tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà thời hạn cho mỗi giai đoạn tố tụng là khác nhau.

Nhận định rằng vụ việc trên có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo Điều khoản này thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Thời hạn ở các giai đoạn tố tụng như sau:

Thời hạn điều tra kể từ khi khởi tố cho đến khi kết thúc điều tra là không quá 2 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Nếu phức tạp thì có thể gia hạn điều tra 1 lần không quá 2 tháng (khoản 1 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015);

Thời hạn quyết định truy tố: 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản án kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: truy tố vị ban trước Tòa án bằng bản cáo trạng… (khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Thời hạn chuẩn bị xét xử: 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết đinh: đưa vụ án ra xét xử, Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. (khoản 2 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

4. Theo Điều 175 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc Giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng thì khi người tham gia tố tụng có yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lý do.

Vì vậy, muốn biết vụ án đang ở trong giai đoạn nào, bạn và gia đình hãy liên hệ với Cơ quan điều tra để nhận được thông tin của vụ án.

5. Sau khi kết thúc một vụ kiện (có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật), vụ việc chuyển qua giai đoạn thi hành án (thi hành bản án). Bên thắng kiện được gọi là “bên được thi hành án”, còn bên thua kiện gọi là “bên phải thi hành án”.

Về nguyên tắc, việc thi hành án là tự nguyện, hai bên thắng thua có thể tự mình thực hiện (thanh toán) với nhau. Tuy nhiên, thông thường thì ít khi nào bên phải thi hành án tự nguyện thi hành ( vì nếu đã “tự nguyện” thì cũng không cần phải kiện tụng làm gì). Do vậy, nếu sau một khoảng thời gian “tương đối” – thông thường là khoảng 2 tháng kể từ ngày có bản án – mà bên phải thi hành án không thi hành thì bên được thi hành án nên có Đơn yêu cầu thi hành án, gửi tới cơ quan thi hành án địa phương – nơi bên phải thi hành án tọa lạc (cư trú) đề nhờ cơ quan này hỗ trợ – áp dụng các biện pháp hành chính từ nhẹ đến nặng (cưỡng chế) để “ép” bên thi hành án phải thực thi bản án.

Các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, cưỡng chế thi hành án … – được qui định tại Luật thi hành án dân sự. Theo đó, nên vụ việc đã ra đến cơ quan thi hành án mà bên phải thi hành án vẫn không thực hiện thì sẽ có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản để bán đấu giá – nhằm thực thi bản án. Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án. Trong thời gian kê biên, đối tượng bị áp dụng bị hạn chế quyền về tài sản.

Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với đối tượng là với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên không phải tất cả các tài sản của những người thuộc các đối tượng trên đều bị kê biên.

Tư vấn giải quyết vụ án cố ý gây thương tích?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Vì vụ án trên mới ở giai đoạn khởi tố, CQĐT còn phải làm các công việc như điều tra, truy tố,..để đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, khi nào có bản án của Tòa án về việc người gây án phải bồi thường cho người thân của bạn mà người này không tự nguyện thi hành án sau một khoảng thời gian “tương đối” – thông thường là khoảng 2 tháng kể từ ngày có bản án – mà bên phải thi hành án không thi hành thì bên được thi hành án nên có Đơn yêu cầu thi hành án, gửi tới cơ quan thi hành án địa phương – nơi bên phải thi hành án tọa lạc (cư trú) đề nhờ cơ quan này hỗ trợ. Sau 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Kê biên tài sản chính là một trong những biện pháp để cưỡng chế thi hành án.

6. Cách tính về thiệt hại tổn thất về tinh thần cho người già được tính như thế nào thì hợp lý?

Căn cứ vào Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì:

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị… Ngoài các chi phí bồi thường trên thì người gây án phải bồi thường thêm một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân của bạn. Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

>> Tham khảo dịch vụ pháp lý liên quan: Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;

2. Hướng dẫn xử lý trường hợp cố ý gây thương tích sau khi ly hôn?

Thưa Luật sư của LVN Group, tôi tên T. Nhờ Công ty giải đáp giúp tôi vấn đề. Tôi chân thành cảm ơn! Tôi có người chị đã lập gia đình, có một con 6 tuổi, nhưng vì một số lý do dẫn đến ly hôn. Chị tôi chưa có giấy kết hôn nhưng con có giấy khai sinh, trong thời gian chờ tòa án giải quyết đơn ly hôn.

Chị tôi và mẹ tôi (ngoại bé) có đến trường học để thăm. Nhưng bên chồng không cho phép đã nhiều lần chửi rủa, hăm dọa không cho thăm. Bên tôi có làm đơn trình với cơ quan. Đến lần này qua thăm thì chồng chị tôi và mẹ chồng gặp chạy tới chửi bới xúc phạm bằng những lời thô tục. Rồi chồng chị nhảy tới đánh. Khi đó, mẹ tôi hỏi lý do thì anh ta tiếp tục đánh luôn mẹ tôi. Mẹ tôi đã nhập viện. Tình trạng thương tích có lẽ không đến 11%. Do đã nhiều lần xúc phạm đến gia đình tôi và lần này còn cố tình đánh mẹ con chị tôi. Nên gia đình tôi gửi đơn tố cáo vẫn đang chờ xét xử. Vậy cho em hỏi: Tình trạng như thế nếu bên kia bị xử phạt thì sẽ bị xử phạt ở mức nào? (hình sự hay hành chính).

Trả lời:

Căn cứ khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

Theo như bạn cung cấp, mẹ bạn thương tích không đến 11%, tuy nhiên trường hợp này phải xem xét rằng người chồng của chị bạn có thuộc vào trường hợp người thân thích hay thành viên trong gia đình không?

Do chị bạn chưa đăng ký kết hôn nên quan hệ hôn nhân chưa được xác lập theo quy định của pháp luật. Do đó, chị bạn và người gọi là chồng này chưa có quan hệ vợ chồng với nhau. Không thể xác lập đây có quan hệ mẹ vợ và con rể được. Nên trường hợp này người chồng khả năng cao không bị truy tố theo điểm g, khoản 1, Điều 134 nêu trên.

Áp dụng mức phạt hành chính theo khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình như sau:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;….

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác; “

>> Tham khảo bài viết liên quan: Mức hình phạt khi cố ý gây thương tích và Bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây thương tích?

3. Tội cố ý gây thương tích bị xử lý thế nào?

Tội cố ý gây thương tích ?

Luật sư tư vấn luật hình sự về hành vi gây thương tích, gọi : 1900.0191

Kính gửi Luật sư LVN Group. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp như sau: Khoảng 18h, A đang ngồi uống rượu ở đầu ngõ thì thấy V (người cùng ngõ) bế con 3 tuổi đi qua. A buông lời trêu chọc: “Chào bố đi con”. Thấy V không trả lời mà bỏ đi, A liền cầm chiếc ghế băng dài 1,5 mét phang vào lưng V. Mọi người thấy vậy chạy đến can ngăn và đưa V đến bệnh viện. Sau 3 ngày điều trị, V ra viện với thương tích là 30% vì bị chệch khớp xương bả vai. A bị Tòa án Nhân dân huyện K xử phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015. Giả sử thương tích gây cho V chỉ là 9% thì hành vi của A có thể coi là nhỏ nhặt được không? Tại sao? Xin cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;…

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

Với hung khí A sử dụng là ghế băng thì đây cũng được coi là hung khí nguy hiểm, với mức thương tật là 9% A vẫn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng với mức phạt nhỏ hơn 2 năm.

>> Tham khảo nội dung liên quan: Tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

4. Tố giác hành vi cố ý gây thương tích như thế nào?

Tố giác hành vi cố ý gây thương tích như thế nào?

1900.0191

Thưa Luật sư của LVN Group, xin Luật sư cho tôi hỏi: Gia đình tôi có mâu thuẫn (tranh chấp đất đai) với gia đình khác từ năm 2012. Gia đình đó cứ dọa nạt, rình đánh người thân của tôi. Ngày 17 tháng 12 năm 2018 bố tôi đi đám cưới thì bị một thanh niên (con trai của gia đình tranh chấp đất với gia đình tôi) đánh gây chấn thương nhẹ ở phần mặt, mắt, mũi và môi trên. Bố tôi năm nay đã 54 tuổi, sức khẻo yếu. Vậy tôi xin hỏi:

1. Tôi phải làm gì để tố giác hành vi cố ý gây thương tích đó?

2. Với hành vi như vây thì bị xử phạt như thế nào là đúng theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo như bạn trình bày, bố bạn bị con trai của gia đình kia đánh chấn thương nhẹ. Hành vi trên nếu nghiêm trọng thì có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc nếu ít nghiêm trọng là hành vi vi phạm hành chính nếu mức thương tật của bố bạn dưới 11% và hành vi của người thanh niên đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1/ Nếu như hành vi của người đánh bố bạn đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bạn có thể tố giác tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn nếu hành vi đó chỉ là hành vi vi phạm hành chính thì bạn có thể tố cáo hành vi trên.

Về tố cáo, khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 quy định như sau:

“Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”

Nghĩa vụ của người tố cáo được quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 như sau:

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;

d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.”

Như vậy, bạn cần cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo về hành vi gây thương tích của người thanh niên trên.

Về tố giác, công dân có thể tố giác tội phạm với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

Bạn có thể gửi đơn tố giác hoặc tố giác trực tiếp cùng với các tài liệu, chứng cứ kèm theo đến các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác để giải quyết vấn đề này cho bố bạn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bố bạn.

2/ Do thông tin bạn cung cấp chưa đủ để chúng tôi đưa ra kết luận hành vi trên là hành vi vi phạm hành chính hay tội phạm hình sự. Do đó, có thể xảy ra các trường hợp như sau:

Trường hợp 1: hành vi trên cấu thành tội phạm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, khi đó người đánh bố bạn có thể “bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Trường hợp 2: hành vi trên chưa đến mức cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.”

>> Xem ngay nội dung: Hình phạt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

5. Luật sư tư vấn tội cố ý gây thương tích theo quy định pháp luật hiện hành?

Tư vấn tội cố ý gây thương tích?

Luật sư tư vấn luật hình sự gọi: 1900.0191

Xin chào luật LVN Group! Tôi có một đứa con trai tên là K năm nay 16 tuổi. Con trai tôi dùng một con dao bấm, đâm bốn nhát vào người bạn nó. Vì trước đó con trai tôi và bạn con tôi tên là V năm nay 17 tuổi đã mâu thuẫn với nhau về tiền bạc. Con trai tôi đòi tiền cháu V mà cháu V không chịu đưa cho con tôi. Sau đó, con trai tôi và cháu V gặp nhau ở quán cafe cháu V khiêu khích con trai và kêu ra đánh nhau.

Khi ra tới trước sân quán cafe thì V chạy tới túm cổ áo và đấm vào mặt vào đầu con trai tộôi, con trai của tôi tức lên và lấy con dao bấm trong túi quần đâm vào cháu V bốn nhắt và phải nhập viện. Cho tôi hỏi: Con trai tôi phạm tội gì. Mức án con trai tôi phại chịu là bao nhiêu. Nếu gia đình chúng tôi không đủ điều kiện để bồi thường cho nhà cháu V thì có bị sao không?

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì con bạn thực hiện hành vi đâm người kia trong lúc xảy ra xô xát giữa hai bên, bên kia túm cổ áo và đánh thì con của bạn mới quay lại đâm người đó. Do vậy, hành vi của em bạn có thể được xác định là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh – tội này được quy định rõ tại Điều 135 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Tuy nhiên, do con của bạn mới 16 tuổi tại thời điểm em bạn thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi cho nên sẽ được hưởng các quy định về người chưa thành niên phạm tội của Bộ luật Hình sự. Theo khoản 1 Điều 101 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội:

“Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Như vậy, con bạn vẫn sẽ phải chịu hình phạt tù với mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá một phần hai mức phạt tù quy định nếu hành vi của con bạn đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Tư vấn khởi kiện tội cố ý gây thương tích và tội xúc phạm danh dự?

Thưa luật sư, tôi muốn hỏi một điều bạn của tôi có quen biết với một người đàn ông, người đàn ông đó làm chung công ty. Họ chỉ ở mức độ quen biết. Nhưng vợ của anh ta cho rằng 2 người họ có mối quan hệ phức tạp và đã nhắn tin chửi rủa bạn tôi và còn gọi người chặn đường đánh bạn tôi. Bây giờ, bạn tôi có thể khởi tố đơn kiện được không? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Đồng thời Điều 21 Hiến pháp cũng quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn…

Về việc người vợ nhắn tin đe dọa, chửi rủa bạn của bạn:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì người đó có hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín bạn của bạn. Do đó, hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, xử phạt hành chính thậm chí chịu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo Điều 155 và Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Để cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vụ việc, bạn của bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi này của những đó. Bạn của bạn có thể gởi đơn đến cơ quan công an cấp xã, công an cấp huyện, tòa án nhân dân cấp huyện, viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi cô ấy cư trú để tố giác tội phạm để các cơ quan này tiến hành điều tra, làm rõ.

Trách nhiệm dân sự:

Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:

“1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”

Như vậy, người đó sẽ phải chấm dứt hành vi bôi nhọ bạn, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Xử phạt hành chính:

Ngoài ra, theo quy định tại điểm ga khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Về hành vi gọi người chặn đánh bạn của bạn:

Hành vi này của người vợ tùy vào tính chất mức độ mà có thể phải chịu trách nhiệm dân sư, trách nhiệm hình sự:

– Trách nhiệm dân sự:

Được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Trách nhiệm hình sự:

Hành vi gọi người đánh của bạn có thể cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nếu đáp ứng được các dấu hiệu đã được phân tích cụ thể ở các bài viết trên, bạn có thể tham khảo.

Trong trường hợp này, nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, bạn của bạn hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà quý khách hàng đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu khách hàng cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật hình sự qua Email [email protected] hoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.0191.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group