Trước khi đi học em có ký cam kết với nhà trường sẽ tốt nghiệp và tiếp tục làm việc tại trường theo thời gian gấp đôi thời gian khóa học, nếu không em sẽ chịu xử lý theo quy định của Luật viên chức. Trong thời gian học khi rãnh thỉnh thoảng em có về trường công tác. Sau khi tốt nghiệp xong em có về trường công tác được 06 tháng. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn em viết đơn nộp xin nghỉ việc.
Nhà trường đồng ý giải quyết nghỉ việc cho em với điều kiện em phải bồi thường chi phí đào tạo. Việc bồi thường chi phí đào tạo được thực hiện theo hướng dẫn thông tư 15/2012 của bộ nội vụ. em đồng ý bồi thường 60 triệu tiền học phí của nhà trường hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà trường tính bồi thường chi phí đào tạo cho em chưa thỏa đáng vì nhà trường tính luôn các khoản tiền gồm tiền lễ 2/9, tiền thưởng tết và tiền nghỉ mát, tiền đề tài nghiên cứu khoa học ở trường. Số tiền rất lớn khoảng 200 triệu. Em xin hỏi ý kiến quý Luật sư của LVN Group là nhà trường tính các khoản tiền đó là đúng quy định của pháp luật không? Em đọc không thấy hướng dẫn Thông tư 15/2012 của bộ nội vụ quy định rõ, vậy em phải xem quy định nào để chứng minh các khoản tính trên là đúng hoặc không đúng theo quy định của pháp luật. Do số tiền của nhà trường yêu cầu bồi thường rất lớn khoảng 200 triệu (gồm tất cả các khoản trên) nên nếu em không có khả năng chi trả thì em có được thôi việc không hay em sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc. Em sẽ bị xử lý như thế nào?
Em cảm ơn quý Luật sư của LVN Group.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn luật tư vấn pháp luật Lao động, gọi:  1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý: 

Luật viên chức năm 2010.

Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng,sử dụng và quản lý viên chức.

2. Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật viên chức năm 2010 có quy định về trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng như sau:“Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012  về tuyển dụng,sử dụng và quản lý viên chức có quy định các trường hợp viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

“a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;

b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.

Như vậy, trường hợp nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết thì bạn sẽ phải đền bù chi phí đào tạo.

Bạn chỉ không phải bồi thường chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 15/2012 của Bộ nội vụ, bao gồm các trường hợp sau:

a) Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

b) Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyn công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Về chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo được quy định tại Điều 17 Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ như sau:

1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.

2. Cách tính chi phí đền bù:

a) Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo;

b) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 50% chi phí của khóa học;

c) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

S = (F / T1) x (T1 – T2)

Trong đó:
– S là chi phí đền bù;
– F là tổng chi phí của khóa học;
– T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
– T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

Như vậy, chi phí đền bù ở đây không bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Chính vì thế nên các khoản tiền gồm tiền lễ 2/9, tiền thưởng tết và tiền nghỉ mát, tiền đề tài nghiên cứu khoa học ở trường thì bạn không phải bồi thường.

Việc giải quyết thôi việc đối với viên chức được quy định tại Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đang bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển;

c) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

Như vậy, nếu như bạn chưa thanh toán các khoản tiền hoặc thuộc các trường hợp nêu trên thì bạn sẽ chưa được giải quyết thôi việc.

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group về Bồi thường chi phí đào tạo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group