Tôi được hưởng chế độ thai sản và BHXH cũng đã chi trả cho tôi 6 tháng lương nhưng hiện tại tôi nghỉ sinh đã 4 tháng mà doanh nghiệp vẩn chưa chi trả lại số tiền mà tôi được hưởng? Tôi đã đến làm việc với doanh nghiệp nhưng Công ty vẫn không muốn hoàn tiền mà BHXH đã chuyển cho doanh nghiệp giờ tôi phải làm sao? 

Mong Luật sư tư vấn.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: P.A

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật lao động của Công ty Luật LVN Group. 

Tư vấn trường hợp công ty không trả tiền BHXH cho người lao động ? 

Luật sư tư vấn luật lao động gọi:1900.0191

Trả lời:

Chào bạn! cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật bảo hiểm xã hội năm 2006;

Nghị định 152/2006 Hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;

-Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Luật khiếu nại, tố cáo năm 2011.

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011.

2. Nội dung tư vấn:

Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động:

1. NSDLĐ có các trách nhiệm sau đây:

…d) Lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ, đóng và hưởng BHXH;

đ) Trả trợ cấp BHXH cho NLĐ;…

Như vậy, NSDLĐ phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thai sản cho bạn.

Theo đó, quy định tại khoản 1 điều 117 Luật BHXH 2006, thì trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.

Trong trường hợp quyền lợi không đảm bảo, bạn có quyền khiếu nại theo quy định tại Khoản 7 Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội 2006:

“NLĐ có các quyền sau đây: 7. Khiếu nại, tố cáo về BHXH;”

Khoản 1 Điều 130 Luật BHXH 2006 quy định: “1. NLĐ, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và những người khác có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của NSDLĐ, tổ chức BHXH khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Về thẩm quyền và trình tự thủ tục khiếu nại, Điều 131 Luật BHXH 2006 và hướng dẫn tại điều 56 Nghị định 152/2006, theo đó:

1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội:

a) Người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của mình bị khiếu nại;

Trong trường hợp người sử dụng lao động có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết.

b) Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà người sử dụng lao động, Thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội đã giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết và trong cùng thời gian đó người khiếu nại không khởi kiện tại toà án.

2. Trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm xã hội.

a) Khi phát hiện quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại gửi đơn đến người, tổ chức đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó;

b) Khi nhận được đơn khiếu nại lần đầu, người, tổ chức có quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại phải xem xét thụ lý và giải quyết khiếu nại;

c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại lần hai về bảo hiểm xã hội.

a) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại Toà án;

b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện tại Toà án;

c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Theo đó căn cứ Điều 9 Luật khiếu nại 2011, thì : “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.

Thời hạn giải quyết khiếu nại theo Điều 28 Luật khiếu nại: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.”

Như vậy, thời hạn tối đa để giải quyết đơn khiếu nại về bảo hiểm xã hội của bạn là 45 ngày kể từ ngày thụ lý, nếu ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết tối đa không quá 60 ngày. Nếu khiếu nại lần đầu không được bạn có thể khiếu nại tiếp lần hai lên cơ quan cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 31, bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011.

Trên đây là toàn bộ phân tư vấn của chúng tôi cho thắc mắc của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng công ty chúng tôi!

Trân trọng cám ơn!

Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group