Tôi có một câu hỏi cũng liên quan đến vấn đề trên. Cách đây khoảng 6 năm tôi có quen và yêu một người đã có gia đình quê ở Nam Định, anh ấy hơn tôi 20 tuổi, tôi là người đến sau nên cũng rất thiệt thòi về mọi mặt, anh ấy thì rất yêu và thương tôi, nhưng vì mọi nhẽ, vì gia đình anh không thể ly dị vợ để đến với tôi. Đến nay tôi và anh ấy sẽ quyết định sinh một đứa con vừa để là chỗ dựa tinh thần cho tôi, vừa muốn có một món quà ý nghĩa thể hiện tình yêu mấy năm chúng tôi yêu nhau. Hiện nay anh ấy đã có nhà và hộ khẩu tại Hà Nội. Anh ấy vẫn luôn yêu thương tôi hết mực và mong muốn một kết quả tốt đẹp. Nhưng một điều làm tôi và anh ấy băn khoăn, nếu khi tôi sinh con, thì con của chúng tôi có được mang họ của cha và ghi họ tên cha vào giấy khai sinh không? Trong khi cả hai chúng tôi đều tự nguyện. Tôi thì quê ở Thái Bình, tôi muốn khai sinh cho cháu bé ở trên này theo địa chỉ tạm trú có được không? Vì chúng tôi đều mong muốn con sinh ra hoàn hảo, kể cả nơi sinh và giấy khai sinh, để sau này nếu có điều kiện thì tôi sẽ được làm vợ chính thức của anh ấy, và con tôi sẽ có hộ khẩu ở Hà Nội. Tôi mong nhận được lời tư vấn từ quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật LVN Group.
Tôi rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này.
Kính thư
Người gửi: MV Ly
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự năm 2005.
Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn về đăng ký và quản lý hộ tịch.
2. Nội dung phân tích:
* Thứ nhất: về đăng ký khai sinh cho con theo địa chỉ tạm trú:
Khoản 1 điều 8 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định:
“Điều 8. Xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch
Trong trường hợp Nghị định này quy định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo nơi cư trú, thì thẩm quyền đăng ký hộ tịch được xác định như sau:
1. Đối với công dân Việt Nam ở trong nước, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu.”
Điểm a mục 1 phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP quy định:
“1. Đăng ký khai sinh
a) Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi người mẹ cư trú
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em (Ví dụ: chị T đăng ký thường trú tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhưng làm việc ổn định và sinh con tại nơi đăng ký tạm trú là phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, thì Uỷ ban nhân dân phường Tân Tạo cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con của chị T). Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.”
Như vậy, theo quy định thì bạn được đăng ký khai sinh cho con theo địa chỉ tạm trú.
* Thứ hai: về xác định họ và cha cho con:
Trong trường hợp này, người yêu bạn đã có gia đình hai bạn không thể đăng ký kết hôn được nhưng nếu hai bạn đã có con với nhau thì pháp luật cũng không cấm quyền được khai sinh và quyền được nhận cha cho con, quy định cụ thể tại điều 29 Bộ luật Dân sự, khoản 3 điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP và mục 4 phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP. Như vậy, theo quy định thì con bạn được mang họ của cha và tên của người cha được ghi vào sổ đăng ký khai sinh.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật hôn nhân – Công ty luật LVN Group