1. Phụ phí phải nộp khi chậm nộp phạt giao thông?

Kính chào Luật LVN Group, em có một vấn đề mong các Luật sư của LVN Group giải đáp: Ngày 24/06/2014 em có bị thu giữ giấy phép lái xe tại Hà Nội vì lỗi không gương và không có bảo hiểm xe. Phí phạt là 200.000 đồng. Do em hôm nay mới có điều kiện quay lại Hà Nội nên mới có thể lấy được bằng lái xe.
Theo như em tìm hiểu thì sau 10 ngày kể từ ngày thu giữ Giấy phép lái xe thì sẽ phải đóng phụ phí 0.05%/1 ngày với số tiền phí phạt. Với trường hợp của em là 344 ngày thì sẽ là 0,05 x 344 x 200.000 = 3.440.000đ đúng không ạ ?
Em xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đ.T

>> Luật sư tư vấn pháp luật giao thông trực tuyến,gọi:1900.0191

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 153/2013/TT-BTC:

“Điều 5. Thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt”.

Theo điểm a khoản 4 Điều 1 Thông tư số 105/2014/TT-BTC quy định vền cách tính ngày nộp tiền phạt chậm như sau:

a) Trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ ngày giao nhận quyết định xử phạt theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính”.

Như vậy, theo quy định trên thì cứ quá 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bạn chưa nộp tiền phạt sẽ bị cưỡng chế quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt bạn sẽ phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Áp dụng vào tình huống của bạn thì cách bạn tính số ngày nộp phạt cũng như số tiền nộp phạt chậm như vậy là chính xác. Tuy nhiên, việc tính cụ thể số ngày nộp phạt chậm do bạn không nói rõ ngày bạn nộp tiền phạt chậm nên chúng tôi sẽ chỉ xác định được cho bạn ngày bắt đầu tính thời hạn nộp phạt chậm và bạn nên căn cứ vào tình hình thực tế để tính ra số ngày nộp chậm như sau:

Số ngày nộp phạt chậm của bạn sẽ được tính từ ngày 4/7/2014 (10 ngày sau ngày 24/6/2014 là ngày bạn có quyết định nộp phạt tính cả thứ 7, chủ nhật) đến thời điểm bạn nộp phạt chậm. Do bạn không nói chính xác là ngày nào nên chúng tôi không thể biết chính xác có phải là 344 ngày hay không. Chính vì vậy bạn nên căn cứ vào ngày bắt đầu tính tiền nộp phạt chậm theo như quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 thông tư 105/2014 ở trên (tức ngày 4/7/2014) tính đến ngày thực tế bạn nộp tiền phạt chậm để có được kết quả chính xác nhất.

2. Làm gì khi mất biên bản xử phạt giao thông?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi đang tham gia giao thông thì bị Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ Giấy phép lái xe nhưng nay tôi đã làm mất biên bản xử phạt, hiện quá hạn nộp phạt. Cơ quan công an yêu cầu tôi phải về địa phương làm cam đoan và có xác nhận của chính quyền địa phương, nhưng tôi có hộ khẩu ở HCM mà đang làm việc ở HN và bị xử phạt tại HN chả lẽ tôi phải về tận HCM để xin xác nhận bản cam đoan.
Như vậy thì làm khó tôi quá. CSGT yêu cầu tôi như vậy có đúng không? Tôi phải làm thế nào để nộp phạt và lấy lại Giấy phép lái xe? Xin hỏi số tiền phạt quá hạn nộp là bao nhiêu?
Tôi xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/06/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông: “Trường hợp người vi phạm làm mất biên bản vi phạm hành chính; để nộp phạt và lấy lại giấy phép lái xe thì người vi phạm phải có đơn cam đoan và xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú”. Thực tế thông tư này là văn bản nội bộ, không công khai nên chúng ta thường sẽ không tìm thấy trên mạng mà khi gặp trường hợp này sẽ được cảnh sát giao thông hướng dẫn xử lý theo quy định, và quy định này thường được thể hiện trên nội quy tại phòng cảnh sát giao thông cho người dân thấy. Như vậy, bạn làm cam đoan và xin xác nhận tại nơi thường trú hoặc tạm trú đều được.

Theo quy định của Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, nếu người vi phạm không thực hiện nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì người vi phạm sẽ phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

3. Cảnh sát giao thông được bắn tốc độ khi nào?

Thưa Luật sư của LVN Group, em có một số thắc mắc mong Luật sư của LVN Group giải đáp như sau:
1. Em muốn hỏi đường bên trong khu công nghiệp có cổng, bảo vệ và ban quản lý khu công nghiệp. Vậy các lực lượng chức năng cảnh sát giao thông, cảnh sát 113, cảnh sát hình sự, công an phường có được phép vào kiểm tra hành chính và xử lý vi pham về giao thông đường bộ trong khu công nghiệp không ạ?
2. Em muốn hỏi có phải đoạn đường nào thì cảnh sát giao thông cũng được bắn tốc độ phải không? Và những đoạn đường nào CSGT được phép bắn tốc độ ?
Em xin chân thành cảm ơn!
Người gửi:L.N.A

>>Luật sư tư vấn pháp luật dân sự gọi:1900.0191

Trả lời:

Thứ nhất, về việc xử lý vi phạm về giao thông trong khu công nghiệp:

Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường như sau:

Điều 7. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

1. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt….

Theo đó có thể hiểu để được xử phạt trên đoạn đường nào thì CSGT phải có kế hoạch, lệnh được phê duyệt là tuần tra kiểm soát trên đoạn đường đó chứ không phải thích đến đâu chặn xe cũng được. Như vậy trường hợp CSGT có lệnh tuần tra kiểm soát phương tiện trong khu CN thì người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành.

Trong trường hợp khu công nghiệp có cổng vào, là tài sản riêng của doanh nghiệp thì bảo vệ có quyền đóng cổng không cho CSGT vào nếu không có lệnh.

Thứ hai, về vấn đề bắn tốc độ

Việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của lực lượng CSGT được thực hiện theo Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT;. Theo đó, xuất phát từ tình hình, diễn biến trật tự an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn, lực lượng CSGT sẽ tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (trong đó có tốc độ) theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều này nhằm đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra, do đó không nhất thiết phải kiểm tra, xử lý tốc độ tại các nơi có biển báo quy định về tốc độ. Theo đó ngoài các đoạn đường có gắn biển báo quy định về tốc độ thì cảnh sát giao thông có thể bắn tốc độ, những đoạn đường khác theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt ……..

4. Mức phạt khi điều khiển xe máy đi ngược chiều?

Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi điều khiển xe máy đi ngược chiều đường và bị công an bắt. Lúc phải xuất trình giấy tờ thì tôi không có bằng lái, quên giấy đăng ký xe, bảo hiểm ở nhà. Lúc tôi mang giấy tờ ra thì công an nói mức phạt của tôi là 2.800.000 đồng vì đi sai làn đường, không có giấy phép lái xe, giấy tờ xe. Vậy tôi xin hỏi đây có đúng phải là mức phạt mà luật đã đề ra hay không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: T.H

>>Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Như bạn trình bày thì những vi phạm của bạn khi tham gia giao thông bằng xe máy là: Đi ngược chiều, không có bằng lái, không mang giấy đăng ký xe, không có bảo hiểm xe.

Mức xử phạt cụ thể như sau:

1. Lỗi đi ngược chiều

Điểm Khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

” 5.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định”.

2. Lỗi không có giấy phép lái xe

Điểm a khoản 5 và điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

5. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.

7. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3, xe mô tô ba bánh thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa”.

3. Lỗi không có bảo hiểm xe

Điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

” 2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;”

4. Lỗi không mang theo giấy đăng ký xe

Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

” 2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;”

Như vậy, tổng hợp mức phạt đối với tất cả cá lỗi của bạn là: 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều, 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có bảo hiểm xe, 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mang theo giấy đăng ký xe. Đối với lỗi không có giấy phép lái xe thì mức xử phạt còn phụ thuộc vào việc bạn điều khiển xe máy dung tích bao nhiêu, có các mức phạt là 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng hay 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Áp dụng mức xử phạt cao nhất hoặc thấp nhất còn tùy thuộc vào những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Như vậy, tổng số tiền bạn có thể bị xử phạt nằm trong khoảng từ 1.100.000 – 4.600.000. Bạn có thể yêu cầu CSGT giải thích rõ về mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm và cách xác định mức phạt chung.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã lựa chọn công ty Luật LVN Group!

5. Công an phải chứng minh lỗi khi xử phạt không ?

Chào Luật sư của LVN Group, em có vấn đề liên quan tới xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau: Theo em được biết, trước khi xử phạt người vi phạm luật giao thông đường bộ, người xử lý vi phạm có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người vi phạm và yêu cầu ký xác nhận biên bản.
Tuy nhiên, trường hợp cảnh sát giao thông không chứng minh được lỗi của người vi phạm, và người vi phạm không ký vào biên bản phạt, CSGT yêu cầu người làm chứng ký vào biên bản, thì có đúng pháp luật không? Nếu người làm chứng được phép ký thì họ thuộc những đối tượng nào?

>> Luật sư tư vấn Luật hình sự trực tuyến gọi:1900.0191

Trả lời:

Theo điểm đ khoản 1 Điều 3 , Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 :

“1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:

“1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này…

2….Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”.

Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Chỉ khi chứng minh được hành vi vi phạm thì mới được lập biên bản xử phạt, khi biên ban được lập nếu bạn không ký thì CSGT có quyền yêu cầu 02 người làm chứng ký, trong trường hợp này, người làm chứng được gọi là nguời chứng kiến. Còn nếu không chứng minh được hành vi vi phạm mà vẫn lập biên bản xử phạt và yêu cầu người chứng kiến ký thay thì hành vi của CSGT là không đúng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email: L[email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Luật Giao thông – Công ty luật LVN Group