1. Uỷ ban kinh tế là gì?

Hiện nay, nền kinh tế của mỗi quốc gia đều đang được quan tâm và thúc đẩy phát triển, trong đó, Việt Nam cũng không phải quốc gia ngoại lệ. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển của nền kinh tế, quan hệ kinh tế cũng ngày càng trở nên phức tạp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và các hình thức kinh doanh khác nhau. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng đã dẫn đến nhu cầu phải có sự quản lý của nhà nước về kinh tế để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định. Do nhu cầu xuất phát từ thực tiễn, Uỷ ban kinh tế ra đời, là cơ quan chuyên môn giúp Quốc hội thực hiện chức năng theo dõi, giám sát hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế. Theo đó, nhờ sự trợ giúp từ Uỷ ban kinh tế, Quốc hội dễ dàng phát hiện những bất cập, những khoảng trống hay sự lạc hậu của các văn bản pháp luật và những văn bản dưới luật trong thực tế. Đây là cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng. Như vậy, có thể nói Uỷ ban kinh tế là cơ quan giám sát kinh tế của Quốc hội, đồng thời thảo luận sửa đổi về các bộ Luật, Nghị quyết liên quan đến kinh tế trước khi dự thảo trình Quốc hội. Bên cạnh đó, uỷ ban cũng thường công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô hằng năm với nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế đất nước phù hợp với định chế của Đảng và Nhà nước.

 

2. Nguồn gốc của Uỷ ban kinh tế

Tìm hiểu về các phiên bản Luật tổ chức Quốc hội, có thể thấy, cụm từ “Uỷ ban kinh tế” được nhắc tới lần đầu tiên tại Điều 45 Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhà nước năm 1981. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Uỷ ban kinh tế vẫn chưa phải là một uỷ ban riêng, mà được gọi là Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách – một trong 7 uỷ ban thường trực giúp việc cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Đến phiên bản Luật tổ chức Quốc hội năm 1992, Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách đã được đổi tên thành Uỷ ban kinh tế và ngân sách, vẫn nằm trong 7 uỷ ban thường trực. Theo Điều 24 Luật tổ chức Quốc hội năm 1992, uỷ ban này có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

  • Thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ;
  • Thẩm tra dự án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước; các báo cáo của chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết toán ngân sách Nhà nước;
  • Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính và tiền tệ; giám sát hoạt động của Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước;
  • Kiến nghị với Quốc hội các vấn đề về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, về quản lý kinh tế, ngân sách tài chính và tiền tệ.

Khi Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 ra đời, Uỷ ban kinh tế không có nhiều thay đổi, vẫn giữ nguyên tên gọi “Uỷ ban kinh tế và ngân sách” và hầu hết nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban vẫn nguyên vẹn, ngoài ra, Uỷ ban kinh tế và ngân sách còn có thêm nhiệm vụ “giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách.

Đến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội năm 2007, khoản 1 Điều 1 đã quy định Uỷ ban kinh tế là một trong 9 uỷ ban độc lập được Quốc hội thành lập. Việc tách riêng Uỷ ban kinh tế và ngân sách ra thành 2 uỷ ban: Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban Tài chính, ngân sách nhằm chuyên môn hoá hoạt động của 2 uỷ ban này. Cho đến Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020, quy định này vẫn được kế thừa tại khoản 2 Điều 66.

 

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban kinh tế

Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban kinh tế được quy định cụ thể tại Điều 72 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 như sau:

Thứ nhất, Uỷ ban kinh tế có nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao. Việc thẩm tra này sẽ giúp Quốc hội có cơ sở lý luận và thực tiễn thảo luận có hiệu quả về dự án luật, pháp lệnh.

Thứ hai, chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội; thẩm tra chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia. Nhiệm vụ này của Uỷ ban kinh tế không chỉ kiểm tra về tính hợp lý và tính khả thi trên thực tế của các dự án, kế hoạch,… mà còn là cơ sở để Quốc hội đánh giá hoạt động của Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế. 

Thứ ba, giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế. Thông qua hoạt động giám sát, Uỷ ban kinh tế có thể phát hiện những khoảng trống của pháp luật so với thực tế xã hội để kịp thời sửa đổi.

Thứ tư, giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách. Nhiệm vụ giám sát này được ban hành nhằm phát hiện những văn bản hướng dẫn không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ văn bản không phù hợp để đảm bảo hệ thống văn bản pháp luật quản lí kinh tế phù hợp với cuộc sống.

Thứ năm, trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Uỷ ban phụ trách. Trong thực tế, khi nhận thấy cần có văn bản pháp luật mới để phù hợp với nhu cầu phát triển và quản lý kinh tế, Uỷ ban kinh tế sẽ tiến hành xây dựng các văn bản pháp luật và trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án luật đó.

Thứ sáu, kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, đất đai, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.

Trên đây là những thông tin về Uỷ ban kinh tế, cũng như làm rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban này. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề pháp lý, xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua hotline: 1900.0191 để được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Xin chân thành cảm ơn!