NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Cơ cấu khu vực địa lý về tội giết người:
Theo nghiên cứu, số lượng các đối tượng phạm tội là người sống ở thành thị chiếm phần lớn hơn tội phạm ở khu vực nông thôn ( tội phạm đô thị chiếm trên 70%). Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của hội nhập kinh tế khu vực cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tình hình tội phạm đã có sự chuyển dịch từ thành thị sang nông thôn. Theo số liệu của ILSSA thống kê, vào năm 2007, tỉ lệ tội phạm giữa khu vực thành thị và nông thôn là 67.6% – 32.4%, nhưng đến năm 2012, tỉ lệ này đã thay đổi như sau: tội phạm đô thị chiếm 45.2% và tội phạm nông thôn là 54.8%. Sự thay đổi này cho thấy rằng, không chỉ ở thành thị mà khu vực nông thôn cũng đang trở thành khu vực nóng về diễn biến tội phạm phức tạp.
Lí giải cho điều này có thể thấy làng quê vốn gắn liền với những gì đơn sơ, mộc mạc và người dân nơi đây cũng quen với nếp sống bình dị, chân chất, bà con lối xóm sống chan hòa, gắn bó với nhau. Chính vì thế, sự cảnh giác của người dân ở các vùng quê cũng có phần hạn chế. Họ luôn cho rằng ở quê không có hoặc ít có các trường hợp trộm, cướp và càng không cảnh giác đối với những người trong cùng xóm, ấp với nhau.
Thực tế, phần lớn người vi phạm ở vùng nông thôn là những thanh thiếu niên bỏ học sớm, tụ tập thành nhóm và thực hiện các hành vi trộm cắp. Một số đối tượng khác cũng là người dân địa phương nhưng đi làm ăn xa, sau đó quay trở về cùng với một nhóm người ở những vùng miền khác nhau, tổ chức thực hiện trộm cắp , cướp giật tài sản một cách “chuyên nghiệp” và thông thường nhóm đối tượng này có hành vi phạm tội táo bạo và tinh vi hơn.
Từ đó hình thành những băng nhóm tội phạm kiểu “giang hồ thôn”, “côn đồ làng” gây mất trật tự xã hội, phá vỡ chốn yên bình nơi thôn quê. Tại một số vùng nông thôn hiện nay, việc các băng nhóm “côn đồ thôn” đòi “bảo kê nông sản” đang trở thành nhức nhối trong đời sống xã hội .
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của xã hội là sự kéo theo các loại hình tệ nạn, các loại tội phạm phân tán ở khắp mọi nơi mà không còn tập trung chủ yếu ở những khu vực thành thị hoặc những nơi có dân cư đông đúc. Gần đây, những vùng quê hẻo lánh lại là điểm tụ tập các loại tội phạm bởi chúng đánh vào tâm lý thiếu cảnh giác của người dân.
Trước đây, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở các vùng nông thôn đỡ phức tạp hơn so với hiện nay, số lượng tội phạm cũng như mức độ phạm tội cũng ít nghiêm trọng hơn so với các thành phố lớn, đông dân cư. Bởi lẽ, ở nông thôn, người ta biết nhau hết, quan hệ họ hàng, bà con khá gắn kết, nên tội phạm từ nơi khác đến dễ bị phát hiện.
Người nông dân về bản tính thì khá hiền lành, tốt, sống trong một cộng đồng thì tính nết tốt xấu của ai, đều được biểu hiện khá rõ. Sự quản lý của các gia đình khá chặt chẽ, người dân cũng không có nhiều tài sản lớn nên tệ nạn nếu có cũng đa phần chỉ là trộm cắp vặt con gà, quả trứng… Các vụ án nghiêm trọng như giết người cũng có, nhưng rất hạn hữu.
Nhưng bây giờ, cùng với quá trình đô thị hóa và kinh tế thị trường đã khiến cho diện mạo nông thôn thay đổi. Cùng với mặt tích cực thì cũng có nhiều mặt trái khiến trong cộng đồng đột nhiên “đẻ” ra những loại tội phạm mới, phức tạp như giết người, cướp của , thậm chí thảm sát nhiều người vì tư thù, mâu thuẫn kinh tế,…
Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều nơi người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, được hưởng một khoản đền bù khá lớn nhưng lại không biết đầu tư vào làm ăn quay vòng; chỉ sau một thời gian tiêu xài, mua sắm cho bản thân, gia đình thì số tiền này cũng hết, họ trở lại với hai bàn tay trắng, lại không có đất canh tác, không có nghề nghiệp, lâm vào thế bí, thế cùng.
Cùng với đó là các loại tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện ngập, mại dâm cũng theo chân một bộ phận thanh niên đi làm thuê ở thành phố về, trở nên lan tràn, không chỉ ở thành thị mà còn ở các vùng nông thôn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa,… Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phạm tội sau lũy tre làng gia tăng.
Mạng lưới trật tự, an ninh thôn, xã cũng mỏng hơn rất nhiều so với thành thị. Người nông dân hiện nay có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet nhiều hơn. Họ có thể đồng thời tiếp cận cả cái tiêu cực và tích cực của truyền thông, nhất là với giới trẻ, khi tính cách còn chưa thực sự định hình và ổn định thì dễ bị cái xấu lôi kéo hơn. Tôi thực sự rất xót xa khi đọc được những vụ án mà cháu giết bà chỉ để lấy một đôi bông tai bán đi lấy tiền chơi game.
2. Cơ cấu giới tính về tội giết người:
Do đặc điểm về sinh lý, nam giới luôn có tỉ lệ phạm tội giết người cao hơn nữ giới. Tỉ lệ này nam giới chiếm hơn 60%. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vài năm gần đây, tỉ lệ tội phạm giết người là phụ nữ cũng đã tăng cao hơn. Một số ví dụ điển hình là vụ: Nữ sinh Vũ Thị Kim Anh cắt cổ người tình trên xe Lexus hay người phụ nữ bán chuối chiên Trần Thị Ngọc Ngà giết bà lão cướp 18 triệu đồng…. Điều đó đã thể hiện sự suy thoái về mặt đạo đức và nhân cách của một bộ phận công dân hiện nay. Là phái yếu, có truyền thống bất khuất, trung hậu, đảm đang và năng động, hiện đại trong thời buổi hội nhập hiện nay, nhiều người phụ nữ đã và đang thực hiện rất tốt vai trò của mình trong gia đình cũng như trong xã hội, hướng tới làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số bộ phậm những người phụ nữ, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, đã vướng vào vòng lao lý. Nguyên nhân dẫn tới các vụ án giết người mà thủ phạm là nữ giới đó là: Do ghen tuông, do tư tưởng phong kiến ở một số gia đình chèn ép, do thất nghiệp, do bị bạo hành gia đình,…
3. Cơ cấu lứa tuổi về tội giết người:
Thời gian gần đây tên phạm vi cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ án giết người man rợ mà thủ phạm lại chính là những đối tượng tuổi vị thành niên, vẫn đang trong tuổi cắp sách đến trường. Theo báo cáo của Bộ công an, trong vòng 6 năm (2007 – 2013), trên cả nước đã xảy ra 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, với 94.300 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, tăng gần 4.300 vụ án so với 6 năm trước đó. Đây là những con số đau lòng, làm nhức nhối lương tâm và dư luận xã hội. Như vậy, trong 6 năm qua, bình quân mỗi năm có trên 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội. Bình quân mỗi ngày xảy ra trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng. Con số này cũng tương đương với số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm và hàng ngày. Đây quả là những con số khủng khiếp, khiến cả những người vô cảm nhất cũng phải rùng mình ghê sợ.
Trong số những vụ án giết người nghiêm trọng, có thể kể đến vụ Lê Văn Luyện tàn sát cả 1 gia đình (giết 3 người và gây thương tích cho 1 người), cướp số tài sản bằng vàng trị giá hơn 1 tỷ đồng của tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang; hay vụ Lý Nguyễn Chung giết người, cướp tài sản cũng ở Bắc Giang (chính vụ án này đã gây ra nỗi oan 10 năm tù cho ông Nguyễn Thanh Chấn). Khủng khiếp hơn là những vụ cháu giết ông bà, con giết cha hay giết mẹ… để cướp tài sản.
Điều đáng lo ngại là càng ngày, số tội phạm vị thành niên càng trẻ hóa. Theo thống kê, trong tổng số 94.300 tội phạm vị thành niên nói trên, số trẻ dưới 14 tuổi phạm tội chiếm tới 13%, trẻ từ 14 đến 16 tuổi phạm tội chiếm tới 34,7%. Nếu như Lê Văn Luyện lạnh lùng vung dao đoạt mạng liền một lúc 3 người khi chỉ còn kém vài tháng nữa là đầy 18 tuổi, thì sau đó Võ Nhật Trường (ở thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ, Bình Định) giết bà nội mình là cụ Trần Thị Vân (83 tuổi) để cướp 700 nghìn đồng khi Trường chưa đầy 16 tuổi. Hay vụ Nông Văn Công (ở xã Ngọc Đường, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) giết mẹ đẻ là bà Lưu Thị Linh để cướp 2,8 triệu đồng và một sợi dây chuyền bạc khi hắn đang là học sinh lớp 9 của Trường phổ thông THCS xã Ngọc Đường. Vụ Mông Thế Xương (ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã vung dao giết người để cướp tài sản khi Xương mới 14 tuổi 7 tháng…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm giết người đang ngày càng trẻ hóa. Trách nhiệm thì thuộc về tất cả các bên gia đình, nhà trường, xã hội và ngay cả chính bản thân các đối tượng phạm tội. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý các em chưa thực sự ổn định, rất cần sự uốn nắn, giáo dục, quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường. Sự thiếu quan tâm đến con em của một số bậc phụ huynh đã khiến cho những đối tượng này không chú tâm học tập mà sa vào ăn chơi. Mặt khác, sự phát triển chóng mặt đến không thể kiểm soát của những công nghệ mới như Internet, các trang mạng xã hội đã khiến cho suy nghĩ cũng như hành vi của các em bị ảnh hưởng.
Số liệu thống kê cho thấy, 70% đối tượng người chưa thành niên phạm tội sống tại thành phố, thị xã, thị trấn; 24% sống ở nông thôn. Có tới 34,4% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ, trong đó có 4,8% sống với ông bà; 2,4% sống với anh chị; 14,5% sống lang thang… Có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực… thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp, để các em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức. Trong số 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra thì có tới 85% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, đua đòi các thói hư tật xấu của xã hội…
4. Vấn đề phân tầng xã hội:
Sự chênh lệch về điều kiện kinh tế giữa các vùng miền, trình độ dân trí cũng như sự phân hóa giàu nghèo đã làm xuất hiện nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Theo nghiên cứu, những người thuộc tầng lớp lao động nghèo có tỉ lệ phạm tội giết người cao hơn các tầng lớp khác. Những người tầng lớp này thường có trình độ dân trí không cao, nhất là bà con sinh sống ở các khu vực miền núi, biên giới, nhiều khi giết người do tư tưởng lạc hậu, những hủ tục từ xa xưa. Một bộ phận khác có thể là nông dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, bị mất đất làm nông, không có việc làm nên rơi vào cảnh túng quẫn nên làm liều. Cũng có một bộ phận do không được giáo dục đầy đủ, cộng thêm việc tiếp thu một cách lệch lạc và không đầy đủ về những công nghệ mới dẫn đến sự sai lệch trong hành vi.
5. Nguyên nhân.
Nguyên nhân khách quan
– Tính chất giai cấp của tội phạm: Chừng nào xã hội còn phân chia giai cấp, chừng đó vẫn còn tội phạm, bởi nguyên nhân, điều kiện hình thành và phát triển tội phạm vẫn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, mỗi xã hội, với những hình thái kinh tế xã hội khác nhau thì hình thức và mức độ hoạt động của tội phạm có khác nhau. Sự xuất hiện, tồn tại và hoạt động của tội phạm phụ thuộc vào nền tảng vật chất – kỹ thuật, mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với hạ tầng cơ sở và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong xã hội đó.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, hạ tầng cơ sở – kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu; thượng tầng kiến trúc chưa phát triển đầy đủ, nhất là hệ thống các quy phạm pháp luật. Nhiều văn bản pháp luật còn thiếu, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; sự phân hoá giai cấp và phân tầng xã hội giữa người giàu, kẻ nghèo ngày càng gia tăng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội trên thế giới diễn ra khá phức tạp, đã tác động xấu đến sự hình thành và phát triển tội phạm ở nước ta, làm nhiều loại tội phạm mới nảy sinh, phát triển như: tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm rửa tiền, sử dụng bom thư, phong bì thư có vi trùng gây bệnh, ăn cắp cước điện thoại qua vệ tinh; rút tiền ngân hàng bằng các thẻ tín dụng giả, phá sóng, gây nhiễu sóng điện thoại…
Nguyên nhân chủ quan
-Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Do chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nên một số cơ quan, doanh nghiệp đã lợi dụng chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng, do chưa có kinh nghiệm, chưa loại bỏ được những sơ hở, thiếu sót, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng, lập hồ sơ, chứng từ giả, rồi móc nối với nhân viên hải quan, thuế vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
-Trong quản lý văn hoá – tư tưởng: do chưa hoàn toàn triệt để các sản phẩm văn hoá, một số văn hoá phẩm có nội dung không lành mạnh, đồi trụy, kích động bạo lực,… đã gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến một bộ phận dân cư, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Điều này làm cho một số chạy theo lối sống thực dụng, đề cao “sức mạnh” của đồng tiền, vị kỷ cá nhân, coi thường pháp luật, kể cả đi vào con đường phạm tội, hoạt động tệ nạn xã hội…
-Trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự: chưa được thường xuyên quan tâm, đầu tư đúng mức. Có nơi, có lúc còn buông lỏng, chưa có các biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
– Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên… trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể nhân dân… còn chưa tốt. Sự phối kết hợp giữa các môi trường, các lực lượng xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hiệu quả chưa cao. Việc quản lý, giáo dục con em trong các gia đình còn nhiều bất cập, nhất là trong điều kiện sống hiện đại.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group