1. Văn hóa pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Đặc điểm văn hóa pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Văn hóa pháp luật là một thành tố, một bộ phận, một lĩnh vực biểu hiện đặc thù của văn hóa xã hội, đó là lĩnh vực ứng xử với pháp luật, bởi vậy nó cũng mang những đặc trưng chung của văn hóa.Văn hoá pháp luật đề cập đến hành vi của con người dưới sự chi phối của pháp luật và cách thức hành xử của họ trong khung pháp lý, đồng thời phát huy năng lực bản chất của con người trong các hoạt động pháp lý như phát huy các quyền và nghĩa vụ của mình. Cơ sở của mọi hoạt động văn hoá pháp luật là khát vọng của con người hướng tới các giá trị pháp lý được định chuẩn bởi pháp luật. Các hoạt động đó về bản chất là hướng tới các giá trị tích cực và mang tính sáng tạo, phổ biến. Tuy nhiên, nói đến văn hóa là nói đến sự tự do, tự nguyện, là thói quen trong sự lựa chọn hành vi, trong khi đó thì pháp luật lại là công cụ điều chỉnh xã hội có tính áp đặt, cưỡng bức. Bởi vậy, nếu pháp luật được thực hiện dựa trên sự cưỡng bức thì nó chưa trở thành hành vi mang tính văn hóa. Nói cách khác, các hành vi ứng xử với pháp luật (dù tích cực hay tiêu cực) chỉ trở thành cái văn hóa khi người ta thực hiện các hành vi ấy trên tinh thần tự do, như một thói quen tự nhiên và tất yếu. Theo đó, một xã hội có nền văn hóa pháp luật cao là một xã hội mà trong đó các qui phạm pháp luật được đối xử như là chuẩn mực của đạo đức và lương tâm, tức là khi pháp luật không còn là một công cụ cưỡng bức mà được thực thi một cách tự nhiên, tự nguyện.
Văn hoá pháp luật luôn chứa đựng tính chất nhân văn và mang đặc điểm dân tộc sâu sắc. Ở Việt Nam, người Việt Nam có truyền thống chủ trương giải quyết mọi tranh chấp thông qua con đường hòa giải, nhất là hòa giải ở cơ sở mà rất ngại phải giải quyết tại các cơ quan nhà nước hay các cơ quan tố tụng như câu tục ngữ: Vô phúc đáo tụng đình, đây được coi là một nét văn hóa pháp luật, một truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.
Văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, lập quy còn được hiểu một cách cụ thể là các giá trị của các hoạt động này của Nhà nước, tức là những giá trị được hình thành trong quá trình xây dựng và ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật. Và, hệ thống văn bản pháp luật là một trong những biểu hiện của văn hóa pháp luật, nó hàm chứa những quy tắc chung nhất của xã hội, những giá trị văn hóa phổ quát của xã hội đó.
Nền văn hóa pháp luật ở mỗi quốc gia, vùng văn hóa có sự khác biệt, một số quốc gia phương Tây có nền văn hóa pháp lý tương đối cao, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân cho đến cơ quan nhà nước rất rõ ràng, luôn coi trọng sự thượng tôn của pháp luật. Một số quốc gia như Mỹ, Anh có văn hóa khiếu kiện, theo đó nêu không vừa lòng đối với những sự việc cụ thể mà có căn cứ thì người ta có thể đưa nhau ra tòa từ những quan hệ kinh tế, dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình và các lĩnh vực đời sống xã hội khác….
Tuy vậy ở một số nước như Việt Nam, văn hóa pháp luật còn ở trình độ thấp, mặt bằng dân trí và dân trí pháp lý thấp, ý thức tôn trọng pháp luật và tính chủ động sử dụng pháp luật còn hạn chế, ảnh hưởng của các phong tục, tập quán lạc hậu và lối sống cũ rất nặng nề, ảnh hưởng của cơ chế quản lý cũ về tư duy và cách ứng xử còn rất lớn như tư duy quan liêu bao cấp, cơ chế xin cho, tùy tiện, bừa bãi trong hành xử, các tệ nạn tham ô, tham nhũng, hủ hóa, suy đồi về đạo đức, lối sống đạo đức giả, đồi bại, mị dân hết sức bại hoại của lãnh đạo, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức….
Xét về mặt kết cấu, văn hóa pháp luật là bộ phận cấu thành của một nền văn hóa nói chung. Nếu các đặc trưng văn hóa của một dân tộc được biểu hiện qua các sản phẩm vật chất, các sản phẩm tinh thần, các thói quen trong lối sống và hành vi ứng xử, thì cũng có thể nhận diện văn hóa pháp luật qua các phương diện biểu hiện như: ý thức pháp luật, hệ thống và các thiết chế pháp luật, lối sống và hành vi ứng xử với pháp luật.
2.1. Ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật (luật trong suy nghĩ và thái độ): “Là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua và pháp luật cần phải có; thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong trong hành vi xử sự của con người, cũng như trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội” .
Ý thức pháp luật luôn chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố như nền tảng kinh tế, kết cấu xã hội, tương quan so sánh lực lượng, quan điểm, tư tưởng của lực lượng cầm quyền, xu thế thời đại… Trong đời sống pháp lí, ý thức pháp luật là nhân tố đóng vai trò quyết định chi phối trực tiếp đến tính chất, hiệu quả thực tế của các hoạt động pháp lí.
Ý thức pháp luật phản ánh:
– Trình độ hiểu biết về pháp luật, đó là các tri thức, tư tưởng, quan điểm về pháp luật, là trình độ nhận thức và mức độ am hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân,kể cả bộ phận cán bộ công chức trong các cơ quan có chức năng trực tiếp áp dụng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
– Thái độ đối với pháp luật: đó là tâm lý, tình cảm, niềm tin, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành hay coi thường pháp luật; thái độ lạc quan bi quan, hy vọng / thất vọng, quan tâm / thờ ơ, nhiệt tình / lãnh đạm… đối với pháp luật.Một xã hội có văn hóa pháp luật cao khi các thành viên xã hội có trình độ hiểu biết về pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật, có thái độ tích cực phản ứng, lên án những hành vi vi phạm pháp luật.
Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, bởi vậy nó chịu sự qui định của tồn tại xã hội, là sản phẩm và cũng là sự phản ánh những điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể. Tuy nhiên, ý thức pháp luật cũng như ý thức xã hội nói chung, thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội. Bằng chứng là, khi tồn tại xã hội đã thay đổi nhưng ý thức xã hội nói chung và ý thức pháp luật nói riêng vẫn còn tồn tại dai dẳng như là những tàn dư của quá khứ được kế thừa trong hiện tại. Do đó ý thức pháp luật (đặc biệt là tâm lý pháp luật) là lĩnh vực mà ở đó truyền thống và các thói quen có một vai trò chi phối không nhỏ.
2.2. Hành vi ứng xử với pháp luật
Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Xét trên bình diện nhân cách thì bản chất của ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ và cách nói năng của cá nhân với những người chung quanh.
Hành vi ứng xử với pháp luật (luật trong hành xử thực tế): là những phản ứng, cách ứng xử được biểu hiện ra bên ngoài của con người trong các mối quan hệ mà pháp luật điều chỉnh. Hành vi pháp luật được biểu hiện dưới hai dạng: hành vi hợp pháp (phù hợp với qui định của pháp luật) và hành vi không hợp pháp (vi phạm pháp luật, bất chấp pháp luật, lách luật…). Hành vi ứng xử với pháp luật là sự biểu hiện ý thức pháp luật (thái độ, tình cảm, niềm tin) của mỗi cá nhân/ cộng đồng trong môi trường điều chỉnh của pháp luật.
2.3. Văn bản pháp luật và hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật
Văn bản pháp luật và hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật: bao gồm hệ thống văn bản pháp luật (luật trên giấy) và hệ thống tổ chức và hoạt động của các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp , đó cũng là các phương diện hiện thực hóa của ý thức pháp luật. Trong đó, hệ thống văn bản pháp luật vừa là sản phẩm, vừa là cơ sở để các thiết chế thực thi pháp luật có thể hoạt động; đến lượt mình, các thiết chế thực thi pháp luật lại là công cụ để hiện thực hóa các văn bản pháp luật. Theo đó, tính hiệu quả của hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật vừa là thước đo chất lượng của văn bản pháp luật, lại vừa thể hiện khả năng, trình độ vận dụng kiến thức và công cụ pháp luật của nhà nước trong việc quản lý xã hội.
Như vậy, để nhận diện một nền văn hóa pháp luật cần có một cái nhìn tổng hợp và bao quát từ tất cả các phương diện trên đây, bởi trong thực tế, ý thức pháp luật, hệ thống pháp luật và hành vi pháp luật có mối quan hệ tác động qua lại, là tiền đề và hệ quả của nhau. Ý thức pháp luật có vai trò chỉ đạo việc xây dựng chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật của nhà nước cũng như việc thực hiện hành vi pháp luật của cá nhân. Ngược lại, chính sách và hệ thống pháp luật có vai trò định hướng cho việc giáo dục ý thức pháp luật và hành vi pháp luật. Đến lượt mình, ý thức pháp luật và hành vi pháp luật lại tác động trở lại quá trình phát triển và hoàn thiện chính sách và hệ thống các thiết chế thực thi pháp luật. Như thế, ý thức pháp luật và hành vi pháp luật vừa là thước đo, vừa là bằng chứng thể hiện hiệu quả xã hội của một chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật.
3. Thực trạng giao thông đường bộ tại Hà Nội.
Hà Nội là thủ đô của Việt Nam cũng là một trong những thành phố có số dân và mật độ dân cư cao của cả nước nên giao thông Hà Nội có tầm quan trọng nhất định trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hành khách và hàng hoá.
Trong nội ô, các con phố của Hà Nội thường xuyên ùn tắc do cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp kém, lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn – đặc biệt là xe máy, và ý thức chưa tốt của các cư dân thành phố. Lại thêm khâu xử lý vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông hiện nay chưa nghiêm, việc quản lý nhà nước và tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, luôn thay đổi tùy tiện. Trên những đường phố Hà Nội, vỉa hè thường bị chiếm dụng khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Trong những năm gần đây, Hà Nội chỉ phát triển thêm 5 tới 10 km đường mỗi năm. Nhiều trục đường của thành phố thiết kế chưa khoa học, không đồng bộ và hệ thống đèn giao thông ở một vài điểm cũng thiếu hợp lý. Thêm nữa, hiện tượng ngập úng mỗi khi mưa lớn cũng gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như cả nước. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm đất nước có khoảng gần 9000 người tử vong và gần 18.000 người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông. Đây là thiệt rất lớn về tính mạng và tài sản của người dân, thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước.
3.2. Về vấn đề tai nạn giao thông.
Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng tuyên truyền và hướng dẫn điều tra xử lý tai nạn giao thông ( TNGT) thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Bộ Công an); từ năm 2002 đến 2006, TNGT ở Việt Nam năm sau tăng cao hơn năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Riêng năm 2006, cả nước xảy ra 14.668 vụ TNGT đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, làm chết 12.719 người và bị thương 11.273 người. Trong đó, TNGT đường bộ chiếm 14.161 vụ với 12.373 người chết, 11.097 người bị thương.
Sáu tháng đầu năm 2007, cả nước tiếp tục xả ra 7.648 vụ TNGT làm chết 6898 người, bị thương 5903 người. Riêng TNGT đường bộ xảy ra 7.342 vụ, làm chết 6.683 người và bị thương 5.727 người.
Đáng chú ý, trong tổng số vụ TNGT đường bộ xảy ra năm 2006 thì có tới 141 vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 408 người, bị thương 493 người.
Trong 11 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 533 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt làm 531 người chết và 144 người bị thương. Năm 2012 Hà Nội xảy ra 777 vụ tai nạn giao thông, làm 619 người chết, 397 người bị thương.
3.2. Về vấn đề ùn tắc giao thông.
Các tuyến đường nội thành hiện nay việc xảy ra các vụ tai nạn giao thông có giảm song còn không phải là ít, nạn tắc đường thì xảy ra thường xuyên và đều đặn. Có khi huy động lực lượng cảnh sát giao thông tại các ngã tư trong giờ cao điểm mà cũng phải mất không ít thời gian để có thể lưu thông một lượng xe quá lớn như vậy. Các nghành các cấp có liên quan xác định vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều được. Chỉ điều đó thôi cũng đủ thấy được tính chất khó khăn và nan giải của nó. Ở Hà Nội các “điểm đen” về ách tắc giao thông là ngã tư Sở, ngã tư Vọng, ngã tư Đại Cồ Việt- Lê Duẩn và các trục đường nhỏ khác như ngã tư chợ Mơ, đường Trường Chinh, đường Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch…
Ách tắc giao thông càng trầm trọng. Khu đô thị mới Định Công tập trung rất đông dân cư giống như cái “dạ dày”, một đầu thông ra đường Giải Phóng qua phố Định Công nhỏ hẹp, một đầu thông ra đường Trường Chinh qua phố Lê Trọng Tấn cũng nhỏ hẹp, chật chội. Tiếp nối là phố Lê Trọng Tấn với nhiều điểm đen như ngõ 192, ngã ba Lê Trọng Tấn – Tôn Thất Tùng kéo dài. Rồi ngã tư Tôn Thất Tùng – Trường Chinh, ngã tư Tôn Thất Tùng – Chùa Bộc, phố Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn…cũng vậy. Tính trên toàn thành phố Hà Nội đến nay đã có hàng chục nút thắt cổ chai kiểu như thế này. Ngoài ra Hà Nội hiện vẫn còn 74 điểm có nguy cơ thường xảy ra ùn tắc giao thông
Theo số liệu thống kê của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2004 đã xảy ra 19.852 vụ tai nạn giao thôn đường bộ, làm chết 11.319 người và bị thương hơn 20.000 người khác. Số vụ tai nạn giao thông được xác định chủ yếu trên các “điểm đen”. Cả nước tính đến cuối năm 2003 mới chỉ có 675.000 ô tô, 11.400.000 xe máy; lượng xe cơ giới chỉ bằng 5% so với châu Âu, nhưng tỉ lệ số vụ tai nạn giao thông đường bộ hàng năm bằng 26% so với cả châu aau. Có thể thấy rõ một điều là tình hình giao thông đường bộ của ta còn nhiều bất cập.
Năm 2002 nhà nước đã ban hành luật cấm nhập khẩu xe máy ô tô, điều này qua thời gian đã chứng minh mặt tiêu cực của nó, chính nó làm hạn chế sự phát triển của xã hội. Mặc dù Hà Nội đã phát triển nhanh hệ thống xe buýt để phục vụ tới 300 triệu lượt người trong năm 2005, số người lựa chọn đi xe buýt chỉ chiếm gần 18% số người tham gia theo một cuộc điều tra của Sở Giao thông Công cộng thành phố. Hơn 60% trả lời họ lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển hàng ngày, và khoảng 13% nói họ chọn xe đạp hoặc đi bộ.
Nhìn tổng thể, cơ sở hạ tầng của ta còn kém. Ở Hà Nội, diện tích dành cho giao thông chỉ chiếm 4%, để đạt được diện tích bằng 20% như ở các nước phát triển chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Có một hiện thực là nhà nước đang mở rộng cơ sở hạ tầng, ví dụ như ở ngã tư Sở, liệu hiện thực này có dẫn đến một khả năng tất yếu trong tương lai là không còn ách tắc giao thông.
3.3. Về ý thức của người dân tại địa bàn HN.
* Người dân tham gia GT
– Bên cạnh những người dân, người tham gia giao thông có ý thức tốt, có văn hoá là bộ phận không nhỏ những dân, người tham gia giao thông có ý thức kém, thậm chí đáng báo động. Khi lưu thông trên đường thì rất nhiều người lại có hành vi phản văn hoá.
– Theo dõi tp. HN ta rất dễ nhận ra những hành vi thiếu ý thức, kém văn hoá khi tham gia giao thông như: học sinh không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy; không thắt dây an toàn khi đi xe ôtô; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định; đi xe búyt không nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật; phóng nhanh; vượt ẩu; đi vào đường ngược chiều; uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới; không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn chuyển hướng; không đi đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển; đi xe quá tốc độ cho phép; vượt đèn đỏ; lạng lách; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó; kẹp ba, kẹp bốn… thậm chí có trường hợp kẹp tám trên xe máy; vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nghe nhạc; làm xiếc khi đi xe máy như đi xe máy một bánh; rúc còi inh ỏi; đua xe trái phép; vượt qua đường sắt khi tàu sắp tới, hành hung cảnh sát giao thông khi bị dừng xe vì vi phạm luật lệ giao thông… Đặc biệt nghiêm trọng là nạn rải đinh trên đường, nhất là đường Pháp Vân – Cầu Giấy ( Hà Nội), nạn trộm cắp nguyên vật liệu của cơ sở hạ tầng giao thông như nắp hố ga, dây cáp đèn đường…
+ Họp chợ, buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tiêu biểu như khu vực gần siêu thị Big C Hà Nội, nhiều người dân ngang nhiên bán bánh mì ngay dưới lòng đường.
+ Mang vật liệu cồng kềnh quá giới hạn cho phép, gây cản trở tầm nhìn và tầm hoạt động cho các phương tiện khác.
+ Đi bộ sai đường không đúng vạch vôi quy định.
+ Tụ tập đông người dưới lòng đường, vỉa hè trước cửa trường học, bệnh viện, nhà hát…
+ Đặc biệt nguy hiểm là hành vi tự mở đường ngang qua đường sắt.
* Người điều hành, quản lí giao thông
Ở Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều hành vi thiếu văn hoá của người tham gia điều hành, quản lý giao thông như: nhận tiền hối lộ của người vi phạm luật giao thông; điều hành giao thông thiếu kiên quyết, thiếu tôn trọng người tham gia giao thông; không mạnh dạn sáng tạo bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những sai sót trong nội dung công việc do mình quản lý gây thiệt hại về người và của cho nhân dân…
Có rất nhiều sai phạm của người dân nhưng những nhà điều hành, quản lý giao thông đã buông lỏng, tiếp tay, làm ngơ hoặc tỏ ra bất lực. Ví dụ như:
– Nhiều hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, hành vi gây cản trở giao thông…không bị xử lý hoặc xử lý rồi lại đâu vào đ
– Trong số hơn 6000 đường ngang đi qua đường sắt trên phạm vi cả nước hiện nay chỉ có 1000 đường ngang là được xây dựng và tổ chức hợp pháp, còn lại 5000 đường ngang là do nhân dân tự do mở ra tuỳ tiện, không đúng quy định.
– Riêng trong khu vực Hà Nội có 133 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ nằm trong tầm kiểm soát của Công ty Đường sắt Hà Nội, trong đó có 46 điểm đặt Barie và có người trực, 39 điểm mắc hệ thống cảnh báo tự động, 48 điểm chỉ mắc biển cảnh báo bình thường. Trên thực tế hiện nay, Hà Nội còn trên 500 đường ngang dân sinh do dân tự ý tạo ra để tiện cho việc đi lại của mình.
– Nhiều địa phương có đường tàu hoả Bắc – Nam đi qua nhưng vẫn cấp đất cho nhân dân làm nhà trong phạm vi an toàn đường sắt, không đảm bảo cự ly cách đường sắt 15m như quy định của UBATGTQG. Hệ thống đường gom ở các khu dân cư ven đường tàu rất ít được thiết kế xây dựng, hoặc nếu có đường gom thì người dân cũng tự phá dỡ để hình thành đường đi của mình cắt ngang đường sắt.
– Các hãng taxi bung ra hoạt động mạnh mẽ ở các thành phố nhưng cơ cấu, sắp xếp chưa hợp lý, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến hiện tượng taxi lậu, trốn thuế, giá cước cao, gắn chíp điện tử gian lận tiền cước của khách hàng. Năm 2009, Hà Nội có 12.000 xe taxi của 109 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 xe taxi mới được đưa vào hoạt độngvà 4.000 xe taxi cũ được thay thế. Như vậy trên 600 km của 9 quận nội thành có mật độ 20 xe taxi/km đường.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)