Xét đặc cách viên chức giáo dục việc đóng BHXH bắt buộc hay tự nguyện có liên quan gì không ? 

Tôi được trường A ký hợp đồng giảng dạy trả lương theo tiết dạy từ năm 2011 đến nay (liên tục, trên 36 tháng, hợp đồng được ký theo năm học, trả lương theo tiết dạy). Trong thời gian giảng dạy do trường A không đóng BHXH bắt buộc nên tôi tự đóng BHXH tự nguyện (đóng BHXH tự nguyện từ năm 2013 đến nay). Vừa qua tháng 12 năm 2016 UBND tỉnh xét đặc cách viên chức, nhưng tôi không thuộc đối tượng xét tuyển do không đóng BHXH. Theo tôi được biết theo Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV về điều kiện xét tuyển đặc cách thì không nêu đến vấn đề đóng BHXH.
Tôi xin hỏi: UBND tỉnh áp dụng điều kiện xét tuyển đặc cách như vậy có đúng quy định hay không? Và tôi có đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách hay không (tôi có đóng BHXH tự nguyện từ năm 2013 đến nay, hợp đồng trên 36 tháng). và khi xét đặc cách viên chức giáo dục việc đóng BHXH bắt buộc hay tự nguyện có liên quan gì không?
Tôi xin cảm ơn.
– Ron BAO

Trả lời:

Xét tuyển đặc cách là một trong những hình thức tuyển dụng viên chức theo quy định pháp luật. Điều kiện xét tuyển đặc cách viên chức được quy định tại Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 7 Thông tư 15/2012/TT–BNV như sau:

Điều 7. Điều kiện xét tuyển đặc cách:

1. Căn cứ nhu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP đối với các trường hợp sau:

a) Người có kinh nghiệm công tác theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

b) Người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; trường hợp sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác thì phải công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển, trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian này;

c) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

2. Việc xác định tốt nghiệp đại học loại giỏi được căn cứ vào xếp loại tại bằng tốt nghiệp; trường hợp bằng tốt nghiệp không xếp loại thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức báo cáo cụ thể kết quả học tập toàn khóa và kết quả bảo vệ tốt nghiệp để cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập xem xét, quyết định. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phải có văn bản trả lời.”

Như vậy, trường hợp của quý khách thuộc vào điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV về điều kiện xét tuyển đặc cách. Nếu quý khách đáp ứng những điều kiện tại điểm a khoản 1 Điều 7 tại Thông tư 15/2012/TT – BNV thì quý khách sẽ thuộc đối tượng được xét tuyển đặc cách. Trong những điều kiện nêu trên, chỉ đặt ra vấn đề về chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm mà không có nêu điều kiện về việc tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc. Bởi bản chất của bảo hiểm xã hội là một chế độ của Nhà nước đặt ra cho người lao động để chia sẻ rủi ro, đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm sút hoặc mất thu nhập do những lý do sau: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghiệp, hết  tuổi lao động hoặc chết. Chính vì vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội không phải là điều kiện bắt buộc để được xét tuyển đặc cách. Đồng thời, khi người lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 03 tháng trở lên (không phân biệt nhà nước hay tư nhân) thì người sử dụng lao động đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Nếu người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc diện bắt buộc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Theo thông tin quý khách cung cấp thì quý khách đã làm việc tại trường được hơn 3 năm. Theo đúng pháp luật bảo hiểm xã hội, nhà trường phải tham gia bảo hiểm xã hội cho quý khách, không thể không đóng bảo hiểm bắt buộc cho quý khách mà để quý khách tự đóng. Nếu quý khách đã ký hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thì nhà trường phải tham gia bảo hiểm cho quý khách để quý khách được hưởng các chế độ: ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất. Với chế độ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (quý khách tự đóng) thì quý khách chỉ được hưởng hai chế độ là tử tuất và hưu trí.

Ủy ban nhân dân loại bỏ thông tin của quý khách trong danh sách đối tượng được xét đặc cách là không có căn cứ pháp luật nếu với lý do quý khách không tham gia bảo hiểm xã hội. Quý khách có thể làm đơn kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân xem xét tư cách xét tuyển của quý khách. 

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  1900.0191 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn Pháp luật lao động- Công ty luật LVN Group