1. Khái niệm về xúi giục người khác phạm tội
Xúi giục phạm tội là cố ý tác động đến người khác nhằm thúc đẩy họ phạm tội.
Xúi giục phạm tội có thể là nhằm làm người khác nảy sinh ý định phạm tội và thúc đẩy họ thực hiện tội phạm đó hoặc chỉ nhằm thúc đẩy người khác thực hiện ý định phạm tội đã có. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa dối…
Hành vì xúi giục phạm tội có thể dẫn đến việc phạm tội của người bị xúi giục (xúi giục phạm tội hoàn thành) hoặc chưa dẫn đến việc phạm tội của người bị xủi giục (xúi giục phạm tội chưa thành). Hành vi xúi giục phạm tội có thể thoả mãn các dấu hiệu của hành vi đồng phạm. Trong trường hợp này, người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã xúi giục với vai trò là người xúi giục trong đồng phạm.
Hành vi xúi giục có mức độ nghiêm trọng khác nhau, tùy bản chất của kẻ xúi giục và người bị xúi giục cũng như tùy mối quan hệ giữa họ với nhau.
2. Quy định về đồng phạm
Căn cứ điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về đồng phạm như sau
“Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Nguyên tác chịu trách nhiệm hình sự: Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự chung: tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã xảy ra. Tức là dù không trực tiếp thực hiện tội phạm nhưng tất cả những người đồng phạm đều phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tội phạm do người thực hành gây ra. Nguyên tắc theo tính độc lập của trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm Luật Hình sự quy định mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm. Nguyên tắc này xuất phát từ tính chât, mức độ tham gia gây án của người đồng phạm khác nhau, đặc điểm nhân thân khác nhau, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người khác nhau.
3. Căn cứ xác định đồng phạm
Căn cứ để xác định vụ án đồng phạm:
Thứ nhất: căn cứ khách quan gồm căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án, căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu quả do vụ án đồng phạm gây ra.
– Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
– Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.
– Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.
Thứ hai: Căn cứ chủ quan. Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:
– Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
– Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ ngy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
– Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
– Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
– Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.
4. Quan điểm về tội xúi giục người khác phạm tội
Quan điểm thứ nhất, dẫn chứng theo Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TAND tối cao với lập luận: Tuy chỉ là một công văn, nhưng phải được coi là quan điểm chính thống của ngành Tòa án mà các Tòa án địa phương phải tuân theo. Mặt khác, tuy công văn này hướng dẫn các quy định của BLHS năm 1985, nhưng đó là hướng dẫn mang tính đường lối. Tình tiết tăng nặng “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” tại Điều 39 BLHS năm 1985 được đưa vào Điều 48 BLHS năm 1999 và Điều 52 BLHS năm 2015 (chỉ thay đổi thuật ngữ “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi”).
Theo đó, Điều 90 BLHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Trong Chương XII BLHS “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” không có quy định nào loại trừ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS nói chung và tình tiết “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều này nói riêng. Tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS chỉ quy định “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người đã đủ 18 tuổi. Vì vậy, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội mà có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi khác phạm tội, thì khi xét xử Toà án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng không được áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo quy định tại Điều 90 năm BLHS “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 91 BLHS quy định “1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.
Theo các quy định trên, thì việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là trái nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; không phù hợp với khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi. Vì vậy mà không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Măt khác, tại khoản 3 Điều 416 BLTTHS năm 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi:… “3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”. Như vậy, theo nội hàm quy định này, pháp luật tố tụng hình sự chỉ buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chứng minh “có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục” chứ không yêu cầu chứng minh “có hay không có người dưới 18 tuổi xúi giục”. Theo đó, quy định này mặc nhiên thừa nhận việc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ tồn tại đối với người đã đủ 18 tuổi. Nếu người dưới 18 tuổi có hành vi “xúi giục” người dưới 18 tuổi khác phạm tội thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, chứ không bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Nói cách khác, không thể áp dụng tình tiết tăng nặng này vào trường hợp cụ thể như: Một người vừa đủ 14 tuổi (A) rủ rê, lôi kéo một người 17 tuổi 11 tháng 29 ngày (B) thực hiện hành vi “giết người”, thì A sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”?
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi vì, quan điểm này là sự nghiên cứu có hệ thống, xâu chuỗi một cách logic giữa các quy định của pháp luật đã viện dẫn (Điều 90, 91 BLHS năm 2015; Điều 416 BLTTHS năm 2015). Do đó, tình tiết này quy định như vậy là đã rõ, cụ thể, không cần phải có hướng dẫn nữa.
5. Tội xúc giục nguời khác tự sát
Hành vi khách quan thể hiện ở hành vi kích động người khác tự sát, dụ dỗ, lừa dối để người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát. Kích động người khác tự sát là việc người phạm tội có những lời lẽ tác động tâm lý làm cho nạn nhân tự ái hoặc tiêu cực cao độ mà tự sát. Thúc đẩy để người khác tự sát là dùng lời nói khuyên bảo một cách tình cảm, khéo léo hoặc mở ra một viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn khiến cho người đó tự sát. Ví dụ, T bị người yêu ruồng bỏ trong khi đã có thai. Do buồn chán và tiêu cực nên T đã tìm đến H là thầy bói. H vì động cơ xấu, thù hằn cá nhân với bố mẹ T nên muốn T tự sát đã nhiều lần nói rằng: “ở trần tục là bể khổ, khi chết được lên thiên đường thì cuộc sống sẽ sung sướng hạnh phúc và có thể lấy người mình yêu”. Nghe theo H mà T đã tự sát.
Giúp người khác tự sát là hành vi tạo các điều kiện vật chất, tinh thần để cho một người dễ dàng tự sát như: cung cấp thuốc độc, dây treo cổ, cho mượn dao, súng, chỉ dẫn cách thức tự sát…
Tội phạm được coi hoàn thành từ thời điểm nạn nhân có hành vi tự sát, còn việc nạn nhân tự sát nhưng không chết do được phát hiện ngăn chặn, cấp cứu kịp thời là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt. Cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát với hậu quả xảy ra là nạn nhân tự sát. Nếu người nào vừa có hành vi xúi giục, vừa có hành vi giúp người khác tự sát thì phạm tội xúi giục và giúp người khác tự sát (không dùng từ “hoặc”).
Chủ thể của tội phạm: Bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý
Điều Điều 131 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt:
– Khung 1. Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết định khung tăng nặng.
– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với trường hợp làm từ 02 người trở lên tự sát.
* Một số vấn đề cần lưu ý:
– Hành vi xúi giục phải dẫn đến việc nạn nhân tự nguyện tự sát. Nếu hành vi xúi giục kèm theo hành vi dồn ép người khác hoặc buộc họ không còn con đường nào khác phải tự sát thì không phạm tội này mà phạm tội bức tử (Điều 130).
– Nếu hành vi giúp người khác tự sát nhưng hành vi đó lại có tính chất quyết định đến cái chết của nạn nhân thì người đó không phạm tội giúp người khác tự sát mà phạm tội giết người. Ví dụ, bê cốc nước có thuốc độc đưa vào miệng nạn nhân để nạn nhân uống thì người này không phạm tội giúp người khác tự sát mà đã phạm tội giết người (Điều 123).
Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)