Một số hạn chế vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về đồng phạm. Lấy một vài ví dụ để minh chứng vấn đề.
Về thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về đồng phạm, học viên nhận định chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có đồng phạm của các cấp cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhìn chung được đảm bảo, không xảy ra vi phạm nghiêm trọng nào. Mở rộng nghiên cứu trên địa bàn cả nước, học viên nhận thấy công tác điều tra truy tố xét xử các vụ án có đồng phạm thường gặp những tồn tại nhất định sau:
– Bỏ lọt người phạm tội là đồng phạm trong vụ án:
Có thể nêu ra một số vụ án điển hình như sau:
(1) Vụ án Nguyễn Thị D phạm tội “Chứa mại dâm”:
Tháng 12/2018, Nguyễn Thị D thuê căn nhà của ông Võ Hồng T1, tại số 03 đường BVĐ, phường A, thị xã B, tỉnh Phú Thọ mở dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ, lấy tên nhà nghỉ TN; Do nhà nghỉ có ít khách đến thuê phòng trọ để nghỉ, D nảy sinh ý định dùng nhà nghỉ của mình để chứa mại dâm và gọi gái bán dâm đến nhà nghỉ, bán dâm cho khách mua dâm có nhu cầu, để tăng thêm thu nhập; Khoảng 17 giờ ngày 11/6/2019, anh Hoàng Văn B và anh Nông Văn T2 rủ nhau đến nhà nghỉ TN gặp D đặt vấn đề mua dâm tại nhà nghỉ, D đồng ý và thoả thuận giá mua dâm một lần là 300.000đ bao gồm cả tiền thuê phòng nghỉ; Sau đó, D điện thoại cho Nguyễn Thị L là gái bán dâm, đến nhà nghỉ của D để bán dâm; L đồng ý; Do có hai người cùng mua dâm nhưng D không quen biết gái bán dâm nào ngoài L; Lúc này, Võ Văn Đ là bạn của D, đang ngồi chơi với D tại nhà nghỉ; D hỏi anh Đ có quen gái bán dâm nào không? gọi giúp cho D một người đến nhà nghỉ để bán dâm cho khách mua dâm; Đ trả lời có quen một gái bán dâm tên là H và dùng điện thoại di động gọi cho H; Khi H trả lời, Đ chuyển điện thoại cho anh B, để anh B nói chuyện với H; anh B yêu cầu H đến nhà nghỉ TN bán dâm cho B; H đồng ý và yêu cầu anh B chuyển điện cho D, để H xác nhận D có đúng là chủ nhà nghỉ TN không? Trao đổi qua điện thoại, D đồng ý cho H bán dâm cho anh B tại nhà nghỉ. Sau đó, D bố trí cho L và anh T2 vào phòng nghỉ số 02; anh B và H và phòng nghỉ số 03. Khi đang thực hiện hành vi mua bán dâm, thì bị cơ quan điều tra thị xã BH phát hiện bắt giữ.
Bản án hình sự sơ thẩm sơ thẩm số: 45/2012/HSST ngày 15/10/2019 của TAND thị xã B đã áp dụng: Khoản 1 Điều 327, điểm v, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt: Nguyễn Thị D 01 năm tù về tội Chứa mại dâm. Ngày 28/10/2019, bị cáo Nguyễn Thị D có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm số: 30/QĐ-VKS ngày 12/11/2017, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên với lý do: Toà án cấp sơ thẩm bỏ lọt người đồng phạm Võ Văn Đ, là người giúp sức cho Nguyễn Thị D thực hiện hành vi chứa mại dâm; Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để khởi tố, truy tố Võ Văn Đ về tội chứa mại dâm.
Mặc dù vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng tại phiên toà sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị D khai nhận: Bị cáo là chủ nhà nghỉ TN tại phường A, thị xã B, tỉnh Phú Thọ; Bị cáo sử dụng nhà nghỉ cho gái bán dâm cho khách mua dâm để tăng thêm thu nhập; Khoảng 17 giờ ngày 11/6/2019, có hai người đàn ông đến nhà nghỉ của bị cáo đặt vấn đề mua dâm tại nhà nghỉ; Bị cáo đồng ý và thoả thuận với hai người mua dâm, với giá 300.000đ một lần mua dâm. Sau đó, bị cáo điện thoại cho gái bán dâm Nguyễn Thị L đến nhà nghỉ để bán dâm; Bị cáo nhờ bạn là Võ Văn Đ gọi giúp một gái bán dâm tên là H đến nhà nghỉ để bán dâm; Bị cáo bố trí hai người đàn ông và hai gái bán dâm vào phòng nghỉ số 02 và số 03 nhà nghỉ, thực hiện hành vi mua bán dâm, thì bị cơ quan công an phát hiện bắt giữ.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ giữ nguyên quyết định kháng nghị phúc thẩm và cho rằng: Toà án cấp sơ thẩm bỏ lọt người đồng phạm Võ Văn Đ, là người giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thị D thực hiện hành vi chứa mại dâm tại nhà nghỉ TN vào chiều 11/6/2019, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để khởi tố, điều tra, truy tố Võ Văn Đ về tội chứa mại dâm.
Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Khi anh Hoàng Văn B và anh Nông Văn T2 đến nhà nghỉ TN gặp Nguyễn Thị D đặt vấn đề mua dâm tại nhà nghỉ; Lúc này, anh Võ Văn Đ là bạn của D đang ngồi chơi với D tại nhà nghỉ và biết rõ anh B và anh T2 đến nhà nghỉ để mua dâm; Do hai người có nhu cầu mua dâm cùng một lúc nhưng D chỉ quen biết một gái bán dâm là Nguyễn Thị L, nên D đã nhờ Đ tìm giúp cho một gái bán dâm; Đ đồng ý và điện thoại cho H là gái bán dâm mà Đ đã quen từ trước; Sau đó, Đ chuyển điện thoại của mình cho anh B, để anh B thoả thuận giá bán dâm với H; Sau đó, anh B chuyển điện thoại cho D, để H và D thoả thuận với nhau về địa điểm mua bán dâm; Hành vi của Võ Văn Đ đã giúp sức cho Nguyễn Thị D thực hiện hành vi chứa mại dâm đối với anh B và H mua bán dâm tại nhà nghỉ của mình. Cấp sơ thẩm không khởi tố, điều tra, truy tố đối với Võ Văn Đ về tội chứa mại dâm là bỏ lọt người phạm tội. Toà án cấp sơ thẩm, không trả hồ sơ để điều tra bổ sung về đồng phạm Võ Văn Đ là thiếu sót. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, huỷ bản án sơ thẩm sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để điều tra lại.
(2) Vụ án: Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đông, Phan Bá Cường đồng phạm tội “Giết người”.
Trong vụ án này còn có sự tham gia của Phan Văn Dương, Phan Văn Diệu, Nguyễn Vĩnh Oai, Phạm Văn Quỳnh. Mặc dù không có sự bàn bạc, thống nhất từ trước, nhưng khi nghe Phan Bá Cường hô hào “Anh em cầm dao, rựa sang chém hai thằng quê Kim Thành đánh anh Trường” thì Dương, Diệu, Oai, Quỳnh đã hành động rất tích cực, cùng cầm theo dao, dựa, gậy đi theo hô hào, kích động tìm người để đánh, uy hiếp những người khác là hành vi giúp sức, có dấu hiệu đồng phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi của Dương, Diệu, Oai và Quỳnh để xem xét trách nhiệm hình sự là chưa triệt để, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bản án phúc thẩm không phát hiện ra những sai sót của cấp sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm là không đúng. TAND tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm với nội dung: Hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đồng, Phan Bá Cường để điều tra lại.
(3) Vụ án: Trần Hoàng L, Hoàng Phú Y đồng phạm tội “Nhận hối lộ”
Ở vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết tội theo Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng tội, nhưng áp dụng khoản 1 Điều 279 để xử phạt các bị cáo là không đúng khung hình phạt; ngoài ra Cơ quan điều tra còn bỏ lọt người phạm tội là đồng phạm trong vụ án đối với Trần Thanh HÌ và Nguyễn Thanh H4. Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện hành vi của Trần Thanh H1 và Nguyễn Thanh H4 có dấu hiệu phạm tội “Nhận hối lộ” nhưng không hủy án sơ thẩm để điều tra lại mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của H1, H4 là không đúng theo quy định tại Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, dẫn đến vụ án không được giải quyết triệt để và toàn diện. Xét thấy vụ án này cần phải được điều tra lại để làm rõ hành vi “Đòi hối lộ” theo điểm đ khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 của các bị cáo Trần Hoàng L, Hoàng Phú Y và làm rõ vai trò đồng phạm về tội “Nhận hối lộ” của Trần Thanh H1, Nguyễn Thanh H4 nhằm giải quyết vụ án triệt để, toàn diện, đúng vai trò, mức độ phạm tội của từng bị cáo, đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.
– Xác định không đúng loại người đồng phạm (xác định không đúng vai trò đồng phạm trong vụ án:
Qua theo dõi các bản án hình sự mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Phú Thọ xét xử trong những năm gần đây, học viên thấy rằng có tình trạng xác định không chính xác vai trò đồng phạm dẫn đến đánh giá không đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thể hiện bất cập trong áp dụng quy định của Bộ luật hình sự vào việc phân biệt giữa đồng phạm với vai trò là người giúp sức và đồng phạm với vai trò là người thực hành.
Ví dụ: Vụ án: Phạm Văn A. và Nguyễn Đức N. đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Phạm Văn A. và Nguyễn Đức N. là những đối tượng chuyên đi đòi nợ thuê. Đầu tháng 5/2019, Trần Văn H. đã thuê Phạm Văn A. và Nguyễn Đức N. đến nhà chị Vũ Ngọc C., để đòi nợ số tiền 250 triệu đồng cho mình. Trần Văn H. đi cùng A. và N. Tại nhà chị C., do chị C. chưa có tiền trả, xin khất nợ, nên Trần Văn H. đồng ý. Vì có ý định chiếm đoạt tài sản của chị C. nên ngày hôm sau A. và N. hai lần đến nhà chị C., A. bóp cổ chị C. và đe dọa với lời lẽ hung hãn, yêu cầu chị C. phải trả 20 triệu đồng trong vòng 10 ngày, nếu không chúng sẽ bắn chết. Vì sợ những lời đe dọa trên, nên ngày 20/5/2019, chị C. đã giao cho A. và N. số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này A. và N. không giao cho H. mà tiêu xài hết.
Khi giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án cấp sơ thẩm đã thống nhất nhận định Phạm Văn A. là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, đóng vai trò là người thực hành, Nguyễn Đức N. là đối tượng tham gia với vai trò giúp sức, cùng Phạm Văn A. đã có hành vi bóp cổ và đe dọa với lời lẽ hung hãn và lấy tiền từ chị C. Nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng như vậy là không đúng, bởi lẽ vai trò của N. trong vụ án tuy có phần hạn chế hơn so với A. N. tham gia ít tích cực hơn so với A, như A. thể hiện thái độ hung hãn hơn, là người trực tiếp lấy tiền từ chị C. N. là người cùng với A. đe dọa, chiếm đoạt tài sản của chị C. nên phải xác định N. tham gia với vai trò người thực hành, chứ không phải là người giúp sức. Như vậy, Toà án chỉ có thể áp dụng một mức hình phạt nhẹ hơn, chứ không thể cho rằng N. tham gia vụ án với vai trò giúp sức.
– Xác định trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt trong vụ án đồng phạm thiếu sự phân hóa, cá thể hóa và chưa tương xứng với tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của người đồng phạm.
Các nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người đồng phạm về cơ bản đã được áp dụng thống nhất trong quá trình xét xử ở địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tòa án đã tuân thủ đầy đủ các căn cứ quyết định hình phạt chung cũng như căn cứ quyết định hình phạt tiền đối với trường hợp đồng phạm. Hầu hết các bản án đã đánh giá tính chất của đồng phạm, đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án đồng phạm cũng như cân nhắc các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo để quyết định một hình phạt công bằng hợp lý và phù hợp pháp luật. Một số vụ án có thiếu sót, sai phạm nhưng mang tính chất cá biệt không điển hình. Mở rộng phạm vi nghiên cứu, học viên nhận thấy có tình trạng áp dụng nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự còn chưa chính xác. Cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều sai sót khi xác định mức độ tham gia của người đồng phạm, đánh giá tính chất của hành vi phạm tội để cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Ở một số vụ án, chưa nghiên cứu đầy đủ về tính chất đồng phạm, chưa tuân thủ triệt để các căn cứ quyết định hình phạt chung quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng như các căn cứ đặc thù quy định tại Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, dẫn đến xác định vai trò người tham gia trong đồng phạm không đúng còn bỏ lọt tội phạm đã tham gia trong đồng phạm, không xem xét hoặc xem xét không đầy đủ về tính chất và mức độ của từng bị các tham gia trong đồng phạm; áp dụng các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ không đúng hoặc thiếu. Từ đó làm cho việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm thiếu chính xác, không đảm bảo các nguyên tắc trong quyết định hình phạt nên quyết định hình phạt không đúng pháp luật, có trường hợp bản án bị hủy, trả hồ sơ để điều tra lại làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Ví dụ 1: Khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 28/02/2019, Nguyễn Văn N (hay còn gọi là B) đi chơi thì gặp Quản Văn C, Nguyễn Văn P và Hoàng Xuân T. Cùng rủ nhau đến nhà Nguyễn Văn T ở xóm Mạ, xã Tu Lý để chơi, khi đến nhà T thấy T ngồi một mình ở phòng khách nên cả bọn cùng vào ngồi chơi uống nước. Một lúc sau có Đỗ Viết H, Nguyễn Thành T, Bùi Ngọc H và một số người khác đến chơi, cả hội đặt vấn đề nhờ T cho mượn nhà để đánh bạc. Lúc đó 21 giờ 30 phút, T nói: “Ai đánh bạc thì xuống phòng sau”. Sau đó T gọi điện cho em vợ là Triệu Giang S nhà gần đó đến mở cửa phòng và cảnh giới cho mọi người. Cả nhóm đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa, sát phạt nhau bằng tiền. Sơn mang ra 01 chiếc bát sứ và 01 chiếc đĩa sứ, Nguyễn Văn N dùng kéo cắt 04 quân vị từ bộ bài có sẵn trong phòng rồi đưa cho Nguyễn Thành T là người xóc cái. Khi mọi người chuẩn bị đánh bạc thì Nguyễn Văn T đến bảo Triệu Giang S thu tiền chế của những người chơi. S đã thu của Bùi Ngọc H, Nguyễn Văn N, Nguyễn Văn P, Quản Văn C, Đỗ Viết H, Nguyễn Thành T mỗi người 200.000 đồng, Nguyễn Ngọc S là người đến sau nên phải nộp 100.000 đồng.
Các bị cáo đánh bạc đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày thì tổ công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện bắt quả tang, thu giữ tại chiếu bạc được 28.930.000 đồng, tiền phế mà Triệu Giang S đã thu của người đánh bạc và nộp lại là 1.300.000 đồng đồng thời Công an còn thu giữ bát, đĩa, quân bài là tang vật vụ án và tạm giữ các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm về tội danh đối với các bị cáo Nguyễn Văn T và Triệu Giang S; về hình phạt không áp dụng hình chính là hình phạt tiền đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Triệu Giang S, Bùi Ngọc H và Nguyễn Thành T.
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Nguyễn Văn T, sử dụng nhà mình chứa chấp việc đánh bạc đồng thời thu tiền hồ, T là chủ mưu lôi kéo, chỉ đạo, trực tiếp phân công Triệu Giang S thực hiện tội phạm. Triệu Giang S là tên thực hành tích cực, thực hiện việc thu phế theo chỉ đạo của T, bị cáo đã phạm tội gá bạc với vai trò đồng phạm, hành vi có tính chất nguy hiểm, do vậy phải có hình phạt nghiêm khắc.
Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, sửa bản án Hình sự sơ thẩm. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn T, Triệu Giang S phạm tội “Gá bạc”.
– Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 12 (mười hai) tháng tù.
– Xử phạt bị cáo Triệu Giang S 9 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
– Xử phạt bị cáo Bùi Ngọc H 9 (chín) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
– Xử phạt bị cáo Nguyễn Thành T9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Việc áp dụng trách nhiệm hình sự nặng hơn đối với T và S phù hợp với chính sách hình phạt của nhà nước ta là “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối… khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội..” (điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự).
Ví dụ 2: Vụ án Nguyễn Văn T phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”: Tối ngày 07/01/2018, Nguyễn Văn T (gọi tắt là T1) gọi điện thoại cho Nguyễn Duy K thì K gây sự, thách thức hẹn đánh nhau nên T1 đồng ý và rủ Nguyễn Tấn H cùng với T2, S, B và một số thanh niên khác (khoảng 15 người, không xác định được số lượng, nhân thân, lai lịch) để đi đánh K. Sau đó, H điện thoại rủ Nguyễn Văn T (gọi tắt là T3), T3 đồng ý và về nhà lấy 01 con đao rồi nhập chung thành một nhóm, đi trên nhiều xe mô tô, cùng nhau mang theo hung khí kéo đến nhà bà Phan Thị Phương N (mẹ K) là quán cà phê T. Thấy nhóm của T1 đông người, nên nhóm của K đóng cổng, chạy vào phía trong rồi cãi nhau với T1. Khi bị nhóm của K ở trong nhà ném ly thủy tinh ra, thì T1 hô hào cả nhóm “ném chết mẹ nó đi” rồi cùng với T2, T3, S, B và một số người khác, nhặt đá ném vào làm vỡ vách kính, hỏng một số bộ phận xe ô tô biển kiểm soát 19A- 136.43 và một số vật dụng khác. Lúc này, K dùng súng bắn cá bắn một mũi tên đầu bằng kim loại ra phía nhóm T1, nhưng không trúng ai; T1 nhặt mũi tên trên ném lại trúng vào phần đuôi xe ô tô; T2 đạp sập cửa cổng để cả nhóm xông vào đập phá bàn, ghế, ly thủy tinh, kính xe ô tô và một số vật dụng khác; T3 dùng đao đập vỡ mặt bàn đá granit; khi T1 hô thì cả nhóm cùng nhau rút lui.
Lời khai của Nguyễn Văn T1 phù hợp với lời khai của Nguyễn Văn T3, Nguyễn Tấn H và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở xác định mục đích ban đầu của Nguyễn Tấn H, Nguyễn Văn T3 và các đối tượng khác (khoảng 15 người) là cùng với T1 đi đánh K. Tuy nhiên, khi đến nhà K, bị nhóm của K ném ly thủy tinh, thì T1 đã hô hào, kích động cả nhóm cùng nhau dùng gạch, đá ném lại. Sau đó, T2 đạp sập cửa cổng, thì cả nhóm xông vào đập phá bàn, ghế, ly thủy tinh, kính xe ô tô và một số vật dụng khác của nhà bà Phan Thị Phương N (mẹ K). Như vậy, tại thời điểm này T1, T2, T3 và các đối tượng khác đã tiếp nhận ý chí lẫn nhau, cùng nhau thực hiện hành vi làm hư hỏng tài sản nhà bà N. Như vậy, hành vi của T2, T3 và các đối tượng đi cùng đã cấu thành tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn T1. Các cơ quan tiến | hành tố tụng thành phố V, tỉnh Phú Thọ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với
Nguyễn Văn T3 là không đánh giá đúng, toàn diện vụ án dẫn đến bỏ lọt người phạm tội. Đối với các đối tượng có tên T2, S, B và một số thanh niên khác, quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cho rằng chưa xác định được nhân thân, lai lịch cũng như chưa xác định hành vi phạm tội của các đối tượng trên, nên chưa có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự là thiếu sót nghiêm trọng, bởi lẽ các đối tượng trên là do Nguyễn Văn Tủ rủ đi đánh K, nên T1 có thông tin về họ tên, địa chỉ cư trú của từng đối tượng, vì vậy, cần phải điều tra, xác minh, đấu tranh với Nguyễn Văn T1 để làm rõ nhân thân, lai lịch của từng đối tượng, từ đó truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng trên với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn T1. Đối với Nguyễn Tấn H: mặc dù H là người rủ Nguyễn Văn T3 đi đánh nhau với nhóm của K, tuy nhiên khi đến nơi H không trực tiếp tham gia đập phá tài sản nhà bà N, chỉ đứng bên ngoài. Do đó, Cơ quan điều tra Cảnh sát điều tra Công an thành phố V, tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định xử phạt hành chính về hành vi “Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ngoài ra, Nguyễn Văn T1 là người cầm đầu, chủ mưu, lôi kéo các đối tượng khác phạm tội và hành vi phạm tội của Nguyễn Văn T1 thuộc trường hợp có “tính chất côn đồ”, “tái phạm” nên đã phạm vào các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d, h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không đúng; đồng thời, tuyên phạt bị cáo 01 năm tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ luật hình sự (có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm) là quá nhẹ, không tương xứng với vai trò và tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo.