Kiến nghị pháp luật về tiếp nhận và kiểm sát nguồn tin về tội phạm

Các kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa đổi các quy định của pháp luật để thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát nguồn tin về tội phạm.

Thứ nhất, đối với việc kiểm sát việc phân loại, xác minh ngay từ ban đầu của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc thực hiện quyền hạn của mình tự khi giai đoạn phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu, do đó dẫn đến việc tiếp nhận thông tin không có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng như các quan hệ pháp luật khác không có dấu hiệu tội phạm.

Do đó, tác giả thấy cần bổ sung quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát ngay từ khi phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu đối với nguồn tin về tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn nguồn tin về tội phạm.

Thứ hai, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 BLTTHS quy định các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm: “Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:…b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm”. 

Tại điều 5 TTLT số 01/2017 ngày 29/12/2017 của Liên ngành trung ương quy định việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Luật TTHS năm 2015 về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định các cơ quan tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồng công an, Trạm công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Tuy nhiên, tại Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố...” và tại BLTHS năm 2015 thì khi kiểm sát tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn “kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Như vậy, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định VKS kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an. Do đó, Viện kiểm sát không thể thực hiện được nhiệm vụ quyền hạn của mình trong việc kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tội phạm với công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an. Tác giả thấy cần thiết bổ sung thêm quy định của BLTTHS, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong việc kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm đối Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an như sau:

Bổ sung cụm từ “và các cơ quan, tổ chức” tại khoản 2 Điều 13 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Điều 160 BLTTHS năm 2015, cụ thể:

+ Khoản 2 Điều 13 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố...”

+ Điều 160 BLTHS năm 2015 thì khi tiếp nhận kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn “kiểm sát việc tiếp nhận của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan, tổ chức khác, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. 

Thứ ba, về căn cứ tạm đình chỉ và phục hồi giải quyết đối với các tin | báo, tố giác tội phạm theo điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 “Đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”. Do đó, cần hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào có thể áp dụng quy định “cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định…” để làm căn cứ tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Cùng với đó, tại khoản 1 Điều 148; điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cũng có quyền quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thế nhưng theo quy định tại Điều 149 thì khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, chỉ có Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới có quyền ra quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Theo đó, tác giả kiến nghị sửa đổi thêm chủ thể “Viện kiểm sát vào khoản 1 Điều 149 BLTTHS như sau: Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi...” nhằm phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát xuyên suốt quá trình phân loại, xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com