Bán hàng online thì có phải đăng ký kinh doanh không? Khi quản lý thị trường kiểm tra phải chứng minh hàng hóa như thế nào nếu kinh doanh online.
Bán hàng online thì có phải đăng ký kinh doanh không? Khi quản lý thị trường kiểm tra phải chứng minh hàng hóa như thế nào nếu kinh doanh online.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi . Em đang muốn kinh doanh hàng xách tay bên Thái Lan nhưng chỉ bán hàng online thôi, như thế có bị vi phạm luật k ạ. Khi có người bên quản lý thị trường xuống kiểm tra thì em phải làm sao ạ. Mong các anh chị giúp em với?
LVN Group tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 39/2007/NĐ-CP.
– Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
2. Giải quyết vấn đề:
– Căn cứ Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh áp dụng cho cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại).
– Căn cứ Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”
Như vậy, hoạt động kinh doanh hàng xách tay qua mạng internet của bạn không thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh. Do đó, để kinh doanh hàng xách tay qua mạng internet hợp pháp bạn cần phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh và loại hàng hóa kinh doanh cụ thể, việc đăng ký kinh doanh có thể được thực hiện dưới hình thức thành lập doanh nghiệp (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần,…) hoặc đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ – CP và các văn bản khác có liên quan.
>>> LVN Group tư vấn đăng ký kinh doanh khi kinh doanh online: 1900.0191
– Ngoài ra, trong trường hợp bạn bán hàng online dưới hình thức thành lập website bán hàng thì cần phải tuân thủ các quy định về quản lý website thương mại điện tử theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
a) Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
b) Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
c) Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý của từng thời kỳ để hướng dẫn các biện pháp quản lý đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại điện tử với chủ thể Việt Nam.”
Như vậy, trong trường hợp bạn mở website bán hàng thì phải đến sở công thương để đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo đúng quy định. Tuy nhiên trong trường hợp không thành lập website bán hàng riêng thì bạn không phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử. Khi có đủ giấy tờ hợp pháp về đăng ký kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ về thuế và đăng ký hoạt động thương mại điện tử thì hoạt động kinh doanh của bạn là hợp pháp.