Không gian mạng có vài trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện nay. Vậy những hành vi sử dụng không gian mạng nào bị nghiêm cấm? Xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng như thế nào?
1. Không gian mạng là gì?
Hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ hàng ngày, công nghệ đã tích hợp vào đời sống xã hội, không thể tách rời sản xuất xã hội, đời sống xã hội. Chính vì tầm quan trọng của công nghệ thông tin đã tạo ra một chiến lược mới được gọi là “Không gian mạng”. Vậy không gian mạng là gì?
Tại Khoản 3 Điều 2 Luật an ninh mạng 2018 thì không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Không gian mạng đã và đang mang lại lợi ích rất lớn cho sự phát triển của xã hội. Sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet và các công nghệ mạng xã hội, dịch vụ thanh toán,….Không gian mạng giống như một xã hội mới, tại đây con người giao tiếp với nhau, sáng tạo lao động, sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra, không gian mạng còn là nền tảng số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, các Chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cùng với những lợi ích to lớn đó, không gian mạng cũng đang tạo ra nguy cơ và thách thức lớn đối với an ninh của mỗi quốc gia. Điển hình như những vụ khủng bố mạng, gián điệp mạng, tình báo mạng, lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng hay là những vụ lừa đảo qua mạng cũng đang rất phổ biến. Chính vì thế việc đảm bảo an ninh mạng đang là một thách thức rất lớn của mỗi quốc gia.
2. Các hành vi sử dụng không gian mạng nào bị nghiêm cấm?
(Điều 6 Luật An ninh mạng 2018)
Thứ nhất, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi sau:
– Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung như sau
+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam như: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
+ Thông tin trên không gian mạng có các nội dung kích động nhằm mục đích gây bạo loạn hay phá rối an ninh trật tự công cộng, bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; tuyên truyền những thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
+ Thông tin trên không gian mạng có các nội dung xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế bao gồm: Việc bịa đặt các thông tin sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, trái phiếu, tiền, công trái, séc và các giấy tờ có giá khác hay là những thông tin bịa đặt sai sự thật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại điện từ, thanh toán điện tử, chứng khoán,…
+ Những nội dung trên không gian mạng là bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
– Nghiêm cấm các hành vi làm gián điệp mạng, xâm phạm bí mật của nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng
Thứ hai, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo và phân biệt đối xử về giới cũng như phân biệt chủng tộc
Thứ ba, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tổ chức, cấu kết, hoạt động, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo,… Những người nhằm mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam
Thứ tư, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa tin sai sự thật, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội
Thứ năm, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Thứ sáu, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người hay việc đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng
Thứ bảy, nghiêm cấm thực hiện việc tấn công mạng, tội phạm mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, Tân công, xâm nhập, gây sự cố mạng, chiếm quyền điều khiển làm sai lệch, ngưng trệ, gián đoạn, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Thứ tám, không được chống lại hoặc cản trở các hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tấn công cũng như vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng
Thứ chín, nghiêm cấm việc sản xuất hay đưa vào sử dụng các công cụ, phương tiện điện tử phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn các hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử
Thứ mười, nghiêm cấm hành vi lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền cũng như lợi ích của quốc gia, trật tự an toàn xã hội quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khác nhằm mục đích trục lợi
3. Xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng:
Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo hình thức xử lý vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào có hiệu lực hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Mà chỉ có dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Theo đó, một số hành vi sau, người nào vi phạm pháp luật về an ninh mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Hành vi |
Mức xử phạt |
Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng |
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng Phạt bổ sung: + Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử từ 01 đến 03 tháng khi tổ chức không chấp hành yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả + Tịch thu tang vật |
Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân |
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng – Phạt bổ sung: + Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử từ 01 đến 03 tháng khi tổ chức không chấp hành yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả + Tịch thu tang vật – Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. + Buộc gỡ, xóa thông tin đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; + Công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; |
Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế |
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng – Phạt bổ sung + Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động của trang thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử từ 01 đến 03 tháng khi tổ chức không chấp hành yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả + Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này. – Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc gỡ, xóa thông tin đăng tải thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; + Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. + Công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
|
Vi phạm nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân |
Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Luật an ninh mạng 2018