Chơi đá gà được biết đến là một trò chơi dân gian của Việt Nam và thường diễn ra phổ biến và dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng việc chơi đá gà để ăn tiền, biến tướng trò chơi trở thành hình thức cá độ bất hợp pháp. Vậy chơi đá gà có bị phạt tù không? Tổ chức đá gà thì bị xử phạt bao nhiêu?
1. Thế nào là chơi đá gà?
Chơi đá gà còn được biết đến là trò chơi dân gian chọi gà của Việt Nam từ xưa đến nay. Đây là trò chơi mà người có gà chiến sẽ mang gà đến để tham gia đá với những con gà khác. Nếu con gà của người nào thắng thì người đó sẽ giành chiến thắng.
Tuy nhiên, với hình thức thắng thua của trò chơi nên ngày nay trò chơi dân gian chọi gà đã biến thể thành trò chơi cá cược nhằm mục đích kiếm tiền của những người có gà mang đi đá. Vì vậy nếu chơi đá gà nhằm mục đích cá cược, ăn tiền thì hành vi chơi đá gà được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi đánh bạc trái phép. Đối với người có hành vi tổ chức đá gà nhằm mục đích cá cược, ăn tiền thì sẽ vi phạm về hành vi tổ chức đánh bạc.
Tuỳ thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi để lại mà người có hành vi chơi đá gà, tổ chức đá gà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Chơi đá gà có bị phạt tù không?
Như đã phân tích ở trên, Tuỳ thuộc vào mức độ và hậu quả của hành vi để lại mà người có hành vi chơi đá gà, tổ chức đá gà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể mức xử phạt được quy định như sau:
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chơi đá gà:
Hành vi chơi đá gà nhằm mục đích cá cược để kiếm tiền trái phép thì sẽ bị xử lý tương đương với hành vi đánh bạc. Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi chơi đá gà sẽ được áp dụng như mức xử phạt đối với hành vi đánh bạc trái phép. Cụ thể hành vi chơi đá gà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt hành chính đối với hành vi đánh bạc.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì hành vi cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động cá cược khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng. Như vậy, hành vi chơi đá gà với mục đích cá cược ăn tiền sẽ bị xử phạt mức tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người có hành vi chơi đá gà còn bị áp dụng hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định này. Cụ thể người có hành vi chơi đá gà sẽ bị tịch thu phương tiện, tang vật có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính của mình, ở đây phương tiện vi phạm chính là con gà được sử dụng vào chơi cá cược. Trong trường hợp người tham gia chơi đá gà là người nước ngoài thì còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ hành chính là nộp tiền xử phạt và thực hiện tịch thu phương tiện, công cụ vi phạm hành chính thì người có hành vi chơi đá gà vì mục đích cá cược ăn tiền sẽ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả từ hành vi của mình gây ra. Theo đó, người có hành vi đá gà sẽ bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do chơi cá cược của mình.
Như vậy, đối với mức độ vi phạm như trên, người chơi đá gà sẽ không bị phạt tù mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về Xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể ở đây là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chơi đá gà:
Hành vi chơi đá gà ăn tiền được xác định là hành vi đánh bạc. Do đó nếu người thực hiện hành vi đá gà nhằm mục đích cá cược ăn tiền gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo quy định tại điều luật này thì người phạm tội sẽ bị xử phạt theo các khung sau:
– Thứ nhất, khung 1: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Các trường hợp áp dụng hình phạt tại khung 1 bao gồm:
+ Chơi đá gà với hình thức cá cược được thua bằng tiền hoặc hiện vật có trị giá từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng;
+ Chơi đá gà với hình thức cá cược được thua bằng tiền hoặc hiện vật có trị giá dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hoặc hành vi được quy định tại Điều 322 hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc- tổ chức đánh bạc theo Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
– Thứ hai, khung 2: phạt tù từ 03 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Các trường hợp áp dụng hình phạt tại khung 2 này bao gồm:
+ Thực hiện hành vi chơi đá gà với mục đích cá cược có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tiền hoặc hiện vật được sử dụng vào cá cược đá gà có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài các khung hình phạt nêu trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy, chơi đá gà nếu gây nguy hiểm đối với trật tự xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù.
3. Tổ chức đá gà bị phạt bao nhiêu?
Bởi vì hành vi chơi đá gà cá cược để thu tiền bất hợp pháp được áp dụng tương đương với hành vi đánh bạc nên hành vi tổ chức đá gà sẽ bị xử phạt tương đương với hành vi tổ chức đánh bạc. Theo đó, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại thì người tổ chức đá gà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể mức xử phạt được quy định như sau:
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức đá gà:
Hành vi tổ chức đá gà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc trái phép theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định này thì người có hành vi tổ chức đánh bạc (chơi đá gà) sẽ bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Cụ thể các hành vi được xác định là tổ chức chơi đá gà bao gồm:
– Rủ rê, lôi kéo hoặc tụ tập người khác để đánh bạc (chơi đá gà) trái phép;
– Sử dụng nhà ở của mình hoặc sử dụng phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc chơi đá gà;
– Tổ chức hoạt động đá gà cá cược để ăn tiền trái phép.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định này thì hành vi tổ chức đá gà dưới hình thức tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác (đá gà) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đông.
Bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ hành chính về xử phạt vi phạm thì người có hành vi tổ chức chơi đá gà sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu, niêm phong địa điểm tổ chức, phương tiện tổ chức hoạt động chơi đá gà theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Cũng tại quy định tại điểm c khoản 6 này, nếu người tổ chức chơi đá gà là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tránh gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh quốc gia.
Đối với việc tổ chức đá gà, người tổ chức thường được ăn phần trăm hoa hồng để phục vụ cho việc cho mượn địa điểm tổ chức. Do đó, người tổ chức buộc phải nộp lại khoản tiền thu lợi bất hợp pháp có được từ hành vi tổ chức của mình theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi Tổ chức đá gà phạt bao nhiêu thì câu trả lời là hành vi tổ chức đá gà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 5 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng. Ngoài ra người tổ chức còn bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như phân tích trên.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức đá gà:
Người có hành vi tổ chức hoạt động đá gà nếu gây nguy hiểm cho xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức đánh bạc theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể tuỳ vào mức độ vi phạm sẽ bị truy cứu theo các khung cụ thể sau:
Thứ nhất, khung 1: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
Các trường hợp áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung 1 bao gồm:
+ Tổ chức cho 10 người chơi đá gà trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi đá gà có trị giá từ 05 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 02 nhóm đá gà trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi đá gà có trị giá từ 05 triệu đồng trở lên;
+ Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người tham gia chơi đá gà trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi đá gà có trị giá từ 05 triệu đồng trở lên hoặc cho 02 nhóm chơi đá gà trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi đá gà có trị giá từ 05 triệu đồng trở lên;
+ Tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi đá gà trong cùng 01 lần trị giá từ 20 triệu đồng trở lên;
+ Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia chơi đá gà; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đá gà hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi hoạt động đá gà đang diễn ra; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho hoạt động chơi đá gà;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi đánh bạc trái phép theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa được xoá án tích mà vẫn còn vi phạm.
– Thứ hai, khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
Các trường hợp tổ chức đá gà sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung 2:
+ Tổ chức chơi đá gà có tính chất chuyên nghiệp;
+ Thu lợi bất chính từ việc tổ chức đá gà từ 50 triệu đồng trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hai khung hình phạt nêu trên thì người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như:
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng;
– Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.