Có được tịch thu phương tiện vi phạm khi không thuộc sở hữu của người vi phạm không? Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.
Có được tịch thu phương tiện vi phạm khi không thuộc sở hữu của người vi phạm không? Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.
Tóm tắt câu hỏi:
xin chào LVN Group! xin LVN Group vui lòng cho biết trường hợp một phương tiện vi phạm hành chính và bị phạt tiền, hình thức phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm. Nhưng phương tiện vi phạm không thuộc quyền sở hữu của người vi phạm (ví dụ: người A vi phạm nhưng phương tiện của người B) vậy có tịch thu được không? xin LVN Group cho biết trong hai trường hợp sau: 1/chủ sở hữu phương tiện kêu người sử dụng phương tiện làm việc đó; 2/chủ sở hữu phương tiện không biết người sử dụng phương tiện đó làm việc đó. trân trọng cám ơn!?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Bộ luật Dân sự 2005;
– Bộ luật Hình sự năm 1999.
2. LVN Group tư vấn:
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 21, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng:
“1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính”.
Tiếp đó, theo quy định tại điều 26, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:
“Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.
>>> LVN Group tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.0191
Theo đó, về nguyên tắc, khi một chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện thì cho dù tài sản đó có thuộc sở hữu của người vi phạm hay không thì vẫn bị tịch thu theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Còn về vấn đề xác định tài sản thuộc sở hữu của ai, xử lý như thế nào khi tài sản đó bị tịch thu sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trường hợp thứ nhất, chủ sở hữu phương tiện kêu người sử dụng phương tiện làm việc đó. Trong trường hợp này, người vi phạm (người A) sử dụng tài sản dưới sự cho phép của chủ sở hữu (người B), và B biết về việc A sẽ thực hiện hành vi vi phạm nên khi tài sản bị tịch thu, B hoàn toàn không có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình, việc giải quyết hậu quả xảy ra do tài sản bị tịch thu sẽ do các bên thỏa thuận.
Trường hợp thứ hai, chủ sở hữu phương tiện không biết người sử dụng phương tiện đó làm việc đó. Trong tình huống này sẽ chia làm hai trường hợp. Nếu như A sử dụng tài sản dưới sự cho phép của B, tuy nhiên B không biết việc A sử dụng tài sản của mình để thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì A có quyền yêu cầu B bồi thường thiệt hại cho mình theo sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu như A sử dụng tài sản mà không được sự cho phép của B thì sẽ tùy thuộc vào dữ kiện thực tiễn (A có được tài sản do hành vi trộm cắp, A lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) mà B có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999.